Chỉ với ba nút bấm định mệnh, tổng cộng 420 sinh mạng đã bị cướp đi, làm dấy lên những câu hỏi khẩn thiết về cách giảm thiểu rủi ro do lỗi từ chính buồng lái.

Hai thảm họa hàng không nghiêm trọng nhất thập kỷ - tại Hàn Quốc và Ấn Độ - đều có điểm chung đáng báo động: động cơ bị tắt thủ công ngay khi máy bay đang hoạt động.

Trong đó, vụ tai nạn của hãng Jeju Air (Hàn Quốc) vào tháng 12/2024 khiến 179 người thiệt mạng, còn chiếc máy bay của Air India (Ấn Độ) rơi sau khi cất cánh hồi tháng 6/2025 cướp đi sinh mạng của 241 người.

Điều tra viên Hàn Quốc đã tiết lộ bằng chứng rõ ràng cho thấy phi công của Jeju Air đã "vô tình" tắt nhầm động cơ sau khi máy bay bị chim lao vào. Không lâu sau đó, chiếc phi cơ buộc phải hạ cánh khẩn cấp tại sân bay quốc tế Muan vào ngày 29/12, rồi đâm vào tường bê tông và phát nổ thành quả cầu lửa.

Trong khi đó, giả thuyết chính về vụ tai nạn của Air India là việc phi công đã chuyển cả hai công tắc nhiên liệu có chốt bảo vệ sang chế độ “ngắt”. Theo các chuyên gia hàng không, thao tác này "không thể là vô tình".

Báo cáo của Cục Điều tra Tai nạn Hàng không Ấn Độ (AAIB) tiết lộ đoạn ghi âm buồng lái, trong đó cơ phó hoảng hốt hỏi vì sao cơ trưởng lại tắt động cơ.

Cựu phi công Terry Tozer, tác giả cuốn “Lời thú nhận của một phi công: Vì sao máy bay rơi”, nhận định với tờ Sun rằng hoàn toàn có khả năng cơ trưởng đã tắt động cơ mà không bị cơ phó phát hiện.

Tại thời điểm xảy ra sự cố, trong buồng lái có Cơ trưởng Sumeet Sabharwal và Cơ phó Clive Kunder.

“Người điều khiển chính là cơ phó sẽ phải tập trung toàn bộ vào thao tác điều khiển, còn người giám sát (cơ trưởng) thì rảnh tay hơn”, Terry phân tích. “Không có bất kỳ quy trình hay lý do hợp lý nào để tắt động cơ ngay sau khi cất cánh”.

Terry cũng cho biết các công tắc nhiên liệu được thiết kế có chốt an toàn, phải nâng lên mới chuyển được. Nhưng ngay cả với cơ chế này, vẫn có khả năng một phi công tự ý tắt động cơ mà người còn lại không nhận ra, do vị trí công tắc nằm ngoài tầm quan sát trực tiếp.

Terry cũng kêu gọi giới chức công bố bằng chứng quan trọng có thể làm rõ sự thật: đó là âm thanh thu từ micro khu vực trong thiết bị ghi âm buồng lái.

"Sẽ rất hữu ích nếu điều tra viên cho biết họ có phát hiện âm thanh bật công tắc đúng thời điểm nghi ngờ hay không”, ông nói.

Liên quan đến vụ tai nạn của Jeju Air, Terry nhận định phi công rõ ràng đã “tắt nhầm động cơ” trong hoàn cảnh hỗn loạn.

“Họ có thể đã bị choáng ngợp bởi hàng loạt chuông báo và tín hiệu cho thấy cả hai động cơ đang gặp sự cố”, ông nói. “Việc phân tích nên hay không nên tắt một trong hai động cơ, hoặc cả hai, cần có thời gian, nhưng họ đã không có thời gian đó”.

Tuy nhiên, Terry cũng cho biết việc công bố thông tin điều tra theo cách "lạ lùng" - đầu tiên chỉ chia sẻ riêng với thân nhân các nạn nhân - đã gây ra nhiều hỗn loạn và phẫn nộ.

Bên cạnh những tranh cãi về lỗi phi công, Terry nhấn mạnh yếu tố quan trọng nhất quyết định số phận hành khách chính là “văn hóa an toàn” của hãng hàng không.

“Nếu một hãng có văn hóa kỷ luật, chuyên nghiệp, cùng chế độ huấn luyện tốt, điều đó tạo nên sự khác biệt cực lớn”, ông nói.

Trước hai thảm kịch, ngày càng có nhiều ý kiến kêu gọi lắp đặt hệ thống camera trong buồng lái nhằm giám sát hành vi phi công và làm rõ nguyên nhân tai nạn. Tuy nhiên, Terry cho rằng giới phi công có thể sẽ phản đối.

“Tôi hiểu vì sao điều tra viên muốn có camera trong buồng lái. Chúng ta nên làm mọi thứ có thể để giảm thiểu tai nạn”, ông nói. “Với các hãng hàng không có trách nhiệm và hệ thống giám sát quy chuẩn, điều đó đã được thực hiện”.

“Nếu có video trong buồng lái, giờ đây chúng ta đã biết rõ điều gì thực sự xảy ra. Nhưng các phi công có lý do để phản đối, bởi họ vốn đã bị kiểm tra, huấn luyện, giám sát và đánh giá quá nhiều rồi”, ông cho biết thêm.

Theo Phương Linh (Znews.vn)