Thế giới

Anh xác nhận đạn xe tăng cung cấp cho Ukraine có chứa thành phần hạt nhân

Anh cho biết đạn của xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2 mà Anh sẽ cung cấp cho Ukraine "có chứa uranium nghèo" với khả năng xuyên giáp và sát thương cao.

Theo The Paper, ngày 21/3 (giờ London), người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Anh đã đưa ra một tuyên bố xác nhận, đạn xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2 mà Anh sẽ cung cấp cho Ukraine "có chứa uranium nghèo" (DU).

Uranium nghèo được dùng trong các loại đạn xuyên giáp do mật độ cao và sức sát thương đáng kể vượt ra ngoài giới hạn sau khi xuyên giáp. Lần đầu tiên sử dụng uranium nghèo là trong lực lượng xe tăng của Đức Quốc xã do thiếu vonfram dày đặc hơn.

Ngày sau tuyên bố từ phía Anh, Tổng thống Nga Vladimir Putin lập tức cảnh báo rằng động thái của Anh đồng nghĩa với việc bắt đầu sử dụng vũ khí có "các thành phần hạt nhân". Nếu đúng như vậy, Nga "sẽ buộc phải đáp trả tương ứng".

"Anh đã tuyên bố không chỉ cung cấp xe tăng mà còn cả đạn uranium nghèo cho Ukraine. Có vẻ như phương Tây thực sự quyết tâm chiến đấu với Nga đến người Ukraine cuối cùng", ông Putin nói. "Tập thể phương Tây đã bắt đầu sử dụng cả vũ khí có thành phần hạt nhân".

Anh xác nhận đạn xe tăng cung cấp cho Ukraine có chứa thành phần hạt nhân
Binh sĩ Ukraine ngụy trang cho một chiếc tăng Challenger 2. Ảnh: The Paper

Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho rằng, quyết định của Anh có thể đưa Moscow và phương Tây tới gần hơn nguy cơ "va chạm hạt nhân". “Tất nhiên Nga sẽ có thứ để đáp trả tương xứng” - ông cho biết.

Anh ngay sau đó ra tuyên bố bảo vệ quyết định gửi đạn uranium nghèo cho Ukraine, khẳng định đây là loại vật liệu "tiêu chuẩn" và không liên quan gì đến vũ khí hạt nhân. "Quân đội Anh đã sử dụng uranium nghèo trong đầu đạn từ nhiều thập kỷ qua", quân đội Anh quả quyết.

Đạn xuyên giáp có đầu đạn uranium nghèo từ lâu đã gây tranh cãi quốc tế bởi sự độc hại và tính phóng xạ của nó. Loại đạn này có thể làm phát tán bụi phóng xạ vào không khí, khiến con người dễ bị nhiễm độc kim loại nặng.

Liên Hợp Quốc đã lên tiếng cảnh báo kế hoạch của Anh, nhấn mạnh cơ quan này từ lâu đã bày tỏ sự lo ngại về hậu quả của việc sử dụng đạn mang uranium nghèo, cũng như những bên cung cấp vũ khí như vậy.

Trong chiến tranh Iraq và chiến tranh Vùng Vịnh, Mỹ và Anh đều đã sử dụng đạn DU. Một nghiên cứu gần đây của BMJ Global Health nhấn mạnh “có thể có mối liên hệ” giữa sức khỏe dài hạn của người Iraq với đạn DU được sử dụng trên chiến trường.

Phân tích của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kết luận rằng “trong một số trường hợp, mức độ ô nhiễm trong thức ăn và nước ngầm có thể tăng lên sau vài năm”.

Theo Sputnik, trong năm vừa qua, viện trợ quân sự của Anh cho Ukraine lên tới khoảng 2,3 tỷ bảng Anh (khoảng 2,7 tỷ USD), bao gồm khoảng 3 triệu đơn vị thiết bị quân sự, kể cả lô xe tăng Challenger 2, cũng như 200 xe bọc thép khác, hơn 10.000 tên lửa chống tăng và nhiều tổ hợp tên lửa phóng loạt.

Minh Ngọc (Nguoiduatin.vn)