Thế giới

Bé trai 4 tuổi tự bắn vào đầu báo động đại dịch súng nhức nhối tại Mỹ

Na'vaun Jackson được chẩn đoán tổn thương não vĩnh viễn sau khi tìm thấy súng trong nhà người quen, bị cướp cò và bắn thẳng vào đầu em. Gia đình em đã mất bốn người vì súng.

"Cha ơi hãy cầu nguyện", Brijjanna Price nói trong nước mắt với cha mình, Ramon Price, trong cuộc gọi định mệnh.

Giữa những tiếng thét ở đầu dây bên kia, Ramon nghe tin dữ từ cô con gái đang sống tại Oakland.

Đứa cháu trai bốn tuổi Na'vaun Jackson của ông vô tình tìm thấy một khẩu súng khi sang nhà bạn chơi. Súng cướp cò và găm một viên đạn thẳng vào đầu Na'vaun.

May mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần

Cậu bé được đưa ngay đến một bệnh viện gần đó, chuyển thẳng đến bộ phận chăm sóc đặc biệt dành cho những trường hợp nguy kịch.

Gia đình của Na'vaun đối diện với tình huống nghìn cân treo sợi tóc. Họ sợ phải mất thêm một thành viên trong nhà vì súng. Thứ vũ khí nguy hiểm này đã cướp mất sinh mạng bốn người thân của Ramon Price.

Đã nhiều tuần trôi qua kể từ ngày 27/3 định mệnh đó. Na'vaun đã may mắn "qua mặt" được tử thần và sức khỏe đang dần ổn định. Mẹ cậu bé vẫn quá sốc để có thể mở lời kể lại thời khắc thập tử nhất sinh của em.

Bé trai 4 tuổi tự bắn vào đầu báo động đại dịch súng nhức nhối tại Mỹ
Na'vaun Jackson là thành viên mới nhất trong gia đình của Ramon Price trở thành nạn nhân của tình trạng quản lý súng lỏng lẻo. Ảnh: CNN

Theo đài truyền hình KRON4, chủ nhân của khẩu súng suýt cướp mất sinh mạng Na'vaun là Terence Wilson, một người bạn của gia đình Brijjanna Price. Wilson vốn bị cấm sở hữu súng vì có tiền án. Khi tai nạn xảy ra, Na'vaun tìm thấy khẩu súng ngay dưới gối của Wilson, với băng đạn không thiếu viên nào.

Cảnh sát cáo buộc Wilson phạm tội tàng trữ vũ khí trái phép và ngược đãi trẻ em. "Ông ấy thật sự vô trách nhiệm. Không may mắn là cháu trai của tôi phải trả giá cho sự vô trách nhiệm đó", Ramon Price nói.

Ngay khi biết tin Na'vaun gặp nạn vì súng cướp cò, Ramon lái xe thẳng đến bệnh viện để ở bên cháu trai mình. Cả gia đình đều sợ đứa bé bốn tuổi không qua khỏi nguy kịch.

Trong suốt một tuần sau, em nằm trên giường bất động, đầu băng kín. Cô của Na'vaun là Jamilia Land kể rằng các bác sĩ đã gây mê cho bé. Cả gia đình đã thở phào nhẹ nhõm khi em chịu mở mắt lúc thuốc hết tác dụng.

Na'vaun sống sót, nhưng bi kịch vẫn chưa kết thúc với gia đình của Ramon Price. Các bác sĩ nói em bị tổn thương não vĩnh viễn và không thể phục hồi. "Chúng tôi vẫn cầu nguyện. Cháu sẽ được xuất viện, nhưng với mức độ tổn thương, cháu sẽ không bao giờ trở lại được như xưa", Land cho biết.

Bi kịch súng ám ảnh gia đình Na'vaun

Gia đình Na'vaun cầu mong đây sẽ lần cuối cùng họ phải trải qua cơn ác mộng liên quan đến súng. Cha của Na'vaun, ông Nathan Jackson, đã mất ba người thân trong những vụ bạo lực liên quan đến súng.

Năm 2010, Nario Jackson, 18 tuổi, thiệt mạng trong một vụ đấu súng băng đảng ở Tây Oakland, theo Mercury News. Hơn một năm sau, Najon Jackson, 16 tuổi, bị bắn chết ngay trước nhà bà nội ở Đông Oakland, theo San Francisco Gate. Mới năm 2018, Ellesse McFee, 21 tuổi, cũng bị bắn chết ngay trong xe tại Đông Oakland.

Mẹ của Na'vaun cũng mất em trai vì bạo lực súng. Lamont Price, 17 tuổi, bị một người quen nã súng giết chết vào năm 2012.

Riêng trong năm 2017, tại thành phố Oakland đã có 277 vụ xả súng không gây chết người và 63 vụ án mạng có liên quan đến súng. Con số này thấp hơn năm 2011 khi cả thành phố ghi nhận 617 vụ nã súng không sát thương và 93 án mạng.

Bé trai 4 tuổi tự bắn vào đầu báo động đại dịch súng nhức nhối tại Mỹ - 1
Na'vaun Jackson nằm trên giường bệnh gần một tháng qua. Ảnh: CNN.

Ramon Price là một linh mục và nhân viên một nhà tang lễ tại địa phương. Ông chứng kiến những người trẻ tuổi qua đời vì súng gần như mỗi ngày. "Đó là những điều hiển nhiên nếu bạn sống ở Oakland. Nhiều gia đình đã tan vỡ vì súng", ông nói.

Price nói vấn nạn súng tại thành phố là do những bất cập trong hệ thống giáo dục và cách hành xử vô trách nhiệm của mọi người. "Ở nơi này, người ta mang súng nhiều hơn cầm sách", ông nói.

Đối với nhiều người sở hữu súng, những quy định về an toàn trong sử dụng súng là một khái niệm lạ lẫm. 

"Chúng tôi cần nhiều biện pháp ngăn chặn bạo lực súng hơn nữa, cách cất giữ súng đúng cách và sự quan trọng của việc sở hữu súng", ông nói.

Jamilia Land cho rằng vấn nạn bạo lực liên quan đến súng trầm trọng hơn ở một số cộng đồng người Mỹ gốc Phi. Đói nghèo là yếu tố thúc đẩy bạo lực và những tội phạm khác.

"Đã đến lúc chúng ta giành lại đường phố và bảo vệ con em chúng ta. Tôi không thể chấp nhận mất thêm một người thân nào nữa. Tôi đã có năm đứa cháu trai và một cháu gái bị giết trên đường phố Oakland. Tôi sợ phải nhận thêm một cuộc gọi nữa", bà viết trên tài khoản Facebook cá nhân.

"Đây là một đại dịch của cộng đồng chúng tôi. Quá nhiều vụ giết người xảy ra trong cộng đồng người Mỹ gốc Phi nhưng phần lớn không ai đề cập đến chúng tôi", Land nói, đồng thời nhấn mạnh bà sẽ tiếp tục vận động thay đổi tình hình hiện nay cho đến khi vấn nạn xả súng "buông tha" đường phố Oakland. 

"Tôi chọn hành động vì đã quá mỏi mệt khi nhiều người thân của mình phải ra đi", bà cho biết.

Theo Lê Thanh (Tri Thức Trực Tuyến)