Thế giới

Bí ẩn nguyên nhân khiến tàu Trung Quốc chở hơn 450 người chìm

Cho đến nay thông tin về vụ chìm tàu Ngôi Sao Phương Đông của Trung Quốc vẫn còn rất ít. Phóng viên và người thân hành khách bị ngăn cản khi tiếp cận khu vực hiện trường vụ chìm tàu.

Cho đến nay thông tin về vụ chìm tàu Ngôi Sao Phương Đông của Trung Quốc vẫn còn rất ít. Phóng viên và người thân hành khách bị ngăn cản khi tiếp cận khu vực hiện trường vụ chìm tàu.
Theo New York Times, ngày 3/6, chính quyền Trung Quốc cho phép phóng viên tiếp cận khu vực triển khai công tác cứu hộ. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường có mặt tại hiện trường, trực tiếp chỉ đạo tìm kiếm nạn nhân, yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm thông tin thường xuyên và cập nhật tình hình cứu hộ cũng như công tác điều tra.
 

Người thân hành khách chờ đợi trong đau buồn tại Thượng Hải (Ảnh: AP).

 
Tuy nhiên, thời gian các phóng viên có thể khai thác được "thông tin rõ ràng" về vụ chìm tàu rất ngắn ngủi. Cảnh sát ngay sau đó đã dựng hàng rào và chốt chặn tại những con đường hướng đến sông Dương Tử và khu vực xung quanh huyện Giam Lợi, tỉnh Hồ Bắc. Các khách sạn tại đây được chính quyền chỉ đạo hạn chế đón các nhà báo nếu họ không đăng ký trước tại trung tâm truyền thông.
 
Theo New York Times, phóng viên bị quản lý khá chặt khi đưa tin về vụ chìm tàu. Chỉ có Tân Hoa xã và Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) mới được đăng tải tin và ảnh chính thức.
 
Thông tin và công tác cứu hộ nạn nhân vụ rơi máy bay hãng TransAsia Airways ở Đài Loan hồi tháng 2 và vụ chìm tàu Sewol ở Hàn Quốc năm 2014 được phát sóng trực tiếp, cập nhật 24/24. Trong khi đó, video về vụ chìm tàu Ngôi sao phương Đông lại được cắt gọt, biên tập kỹ càng trước khi được phát sóng "độc quyền" trên CCTV.
 
Trong lúc thân nhân hành khách "khát" thông tin về người thân của họ, truyền thông nhà nước Trung Quốc lại tô vẽ hình ảnh “anh hùng” cứu người của một thợ lặn. Báo đài Trung Quốc ồ ạt đưa tin chi tiết, ca ngợi thợ lặn tên Guan Dong đã có công cứu sống một thủy thủ 21 tuổi. Dong đã nhường bình oxy và kính lặn cho người này.
 
Chính quyền Trung Quốc không những kiểm soát chặt chẽ khu vực quanh hiện trường vụ chìm tàu hay báo chí, mà còn kiểm soát cả thân nhân hành khách. Nhiều thân nhân bức xúc vì thiếu thông tin đã yêu cầu được tiếp cận hiện trường vụ chìm tàu và đã đụng độ với các quan chức, cảnh sát ở huyện Giam Lợi. Hàng chục thân nhân biểu tình phản đối, phá hàng rào cảnh sát để tiến đến hiện trường vụ chìm tàu và đề nghị được cung cấp thông tin về người thân mất tích của họ, theo ghi nhận của Reuters.
 
Nhiều nghi vấn được đặt ra xung quanh nguyên nhân vụ việc vẫn chưa được giải đáp, ví dụ như liệu tàu có được cảnh báo về thời tiết xấu, hay thuyền trưởng thoát khỏi con tàu lật úp và chìm chỉ trong vòng 1-2 phút như thế nào? Liệu họ có liên lạc với đất liền để thông báo tàu gặp nạn hay ra lệnh cho hành khách sơ tán hay không...?
 
Nhiều chứng cứ cho thấy thuyền trưởng có thể đã điều khiển con tàu đi vào khu vực nguy hiểm. Cơ quan dự báo khí tượng địa phương đã đưa ra cảnh báo về thời tiết xấu và ít nhất hai tàu khác dừng lại, theo dữ liệu vệ tinh.
 
Website của Cơ quan an toàn hàng hải thành phố Nam Kinh (tỉnh Giang Tô) cho biết tàu Ngôi Sao Phương Đông từng bị bắt giữ vào năm 2013 vì vi phạm một số quy định về an toàn.
 
Theo Tân Hoa xã, trước những nghi vấn và bức xúc từ dư luận, sáng nay, người phát ngôn Bộ Giao thông Trung Quốc lên tiếng, cam kết "sẽ không che giấu các sai sót và không che đậy bất kỳ điều gì về tai nạn tàu Ngôi sao phương Đông".
 
Tàu Ngôi sao Phương Đông chở 456 người lật úp trong lốc xoáy tại huyện Giám Lợi, tỉnh Hồ Bắc tối 1/6. Tính đến sáng 4/6, mới chỉ có 14 người sống sót, tìm thấy 65 thi thể, còn hơn 400 người vẫn mất tích.
 
>> Trung Quốc sẽ lật tàu chìm nếu không tìm được người sống sót
>> 65 người chết trong vụ lật tàu ở Trung Quốc
>> Trung Quốc: Hoãn cả đám cưới để cứu hộ tàu chìm
 
Theo Thanh Ngọc (Nguoiduatin.vn)