Thế giới

CFO Huawei vừa bị bắt: Từ trâm anh thế phiệt đến quân cờ Mỹ-Trung

Việc bà Mạnh Vãn Châu bị bắt giữ mới đây được cho là bước đi phục vụ mục tiêu chính sách của Mỹ với Trung Quốc vì xuất thân danh giá và tầm ảnh hưởng của CFO Huawei.

Giám đốc Tài chính (CFO) của Huawei bị bắt giữ mới đây, bà Mạnh Vãn Châu không phải là một giám đốc cấp cao bình thường.

Bà Mạnh, 46 tuổi, là con gái của người sáng lập tập đoàn công nghệ khổng lồ Huawei Nhậm Chính Phi (bà từng nói rằng năm 16 tuổi, bà đã tự quyết định đổi sang họ của mẹ). Gần đây bà Mạnh cũng được cho sẽ trở thành người kế vị của ông Nhậm.

Lý lịch danh giá của bà Mạnh và việc bà bị bắt giữ mới đây phần nào đặt tập đoàn Huawei nói riêng và mối quan hệ Mỹ - Trung nói chung vào nguy hiểm. Đại sứ quán Trung Quốc tại Canada cũng đã yêu cầu phía Canada và Washington trả tự do cho bà Mạnh. Trước đó, cơ quan này cũng phàn nàn về việc các công ty công nghệ khác của Trung Quốc bị phạt vì vi phạm lệnh trừng phạt và cáo buộc ăn cắp bí mật thiết kế con chip.

Theo Wall Street Journal, việc bắt giữ bà Mạnh cũng là một cú sốc đối với cha bà, ông Nhậm Chính Phi, một kỹ sư quân sự 74 tuổi và là người sáng lập Huawei cách đây hơn ba thập niên. Ông Nhậm đã xây dựng Huawei thành một trong những đế chế kinh doanh tư nhân Trung Quốc lớn nhất và phủ sóng rộng nhất trên toàn cầu.

Đại diện tập đoàn Huawei phủ nhận bất kỳ hành vi sai trái nào của CFO Mạnh Vãn Châu sau khi bị chính quyền Canada tạm giữ. Phía Huawei cho biết họ nhận được rất ít thông tin liên quan đến các cáo buộc. Tập đoàn điện tử lớn nhất Trung Quốc nói rằng họ tuân thủ các luật và quy định hiện hành, gồm các luật về xuất nhập khẩu linh kiện điện tử của Liên Hợp Quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu.

CFO Huawei vừa bị bắt: Từ trâm anh thế phiệt đến quân cờ Mỹ-Trung
Giám đốc tài chính Mạnh Vãn Châu tại một sự kiện của tập đoàn công nghệ Huawei. Ảnh: jqknews

Người kế nhiệm tương lai?

Sự thăng tiến nhanh chóng của bà Mạnh trong Huawei, và việc bà là con gái của người sáng lập, đã thu hút sự chú ý từ cả trong lẫn ngoài tập đoàn.

Năm nay, bà Mạnh giữ chức phó chủ tịch tập đoàn, chỉ đứng sau ông Nhậm trong hệ thống cấp bậc tại Huawei. Động thái này thể hiện khả năng cao trong tương lai bà Mạnh sẽ trở thành người chèo lái một trong những tập đoàn viễn thông lớn nhất thế giới. Dù vậy, Huawei chưa từng công bố rõ ràng kế hoạch kế nhiệm của bà Mạnh, các nguồn thạo tin cho biết.

Cơ cấu lãnh đạo của Huawei hiện nay bao gồm một nhóm ba người thay phiên nhau điều hành tập đoàn trong thời gian 6 tháng. Chính điều này đã đặt ra câu hỏi lớn thu hút các nhà phân tích rằng liệu ai sẽ trở thành người kế nhiệm ông Mạnh.

Tuy nhiên, sự thăng tiến nhanh chóng của bà Mạnh đã gây bất ngờ cho một số cá nhân trong công ty. Bởi năm 2013, trong một bài phát biểu trước nhân viên, ông Nhậm nói rằng người kế vị ông sẽ không phải là thành viên trong gia đình mình.

Năm 2016 khi phát biểu tại Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc, bà Mạnh nói rằng tại Huawei, nhân viên được thăng chức dựa trên khả năng và những đóng góp với tập đoàn.

“Đó không phải là một cuộc thi xem bố mẹ bạn là ai”, bà Mạnh phát biểu.

Trong 25 năm sự nghiệp, bà Mạnh đã làm việc và thăng tiến tại nhiều bộ phận khác nhau. Bà cũng điều hành quan hệ đối tác với tập đoàn công nghệ máy tính đa quốc gia IBM và là gương mặt đại diện cho Huawei trong giới tài chính.

Bà cũng chủ trì hội thảo tài chính thường niên của Huawei, được gọi là Diễn đàn Tài chính ICT, một sự kiện nội bộ được tổ chức tại New York (Mỹ), Cancún (Mexico) và Milan (Italy) dành cho các ngân hàng đầu tư, chuyên gia phân tích cùng các thành viên khác của cộng đồng tài chính. Sự kiện này đã thu hút nhiều ngôi sao sáng như cựu chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Alan Greenspan làm diễn giả.

CFO Huawei vừa bị bắt: Từ trâm anh thế phiệt đến quân cờ Mỹ-Trung - 1
Bà Mạnh là gương mặt đại diện của Huawei trong giới tài chính. Ảnh: Alexei Druzhinin. 

CFO của Huawei điều hành đội ngũ 1.500 chuyên gia kế toán, rất nhiều trong số đó là người có bằng đại học từ các trường nằm trong nhóm Ivy League danh giá. Trong môi trường văn hóa doanh nghiệp được cho là khó khăn và có xu hướng hoạt động theo nhóm, bà Mạnh nổi tiếng với tính cách trầm lặng nhưng cứng rắn. Bà cũng gặt hái được nhiều thành công trong việc cắt giảm chi phí và cải cách tập đoàn.

Nước cờ nguy hiểm?

Theo New York Times, vụ bắt giữ bà Mạnh là nhằm đáp ứng một số mục tiêu trong chính sách đối ngoại lớn của chính quyền Trump, trong đó có cuộc chiến trong lĩnh vực công nghệ và các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran.

Washington gần đây đã đẩy mạnh nỗ lực kiềm chế sự thống trị toàn cầu của Huawei thông qua các thiết bị mạng viễn thông, với lý do lo ngại rằng các thiết bị này có thể được sử dụng cho mục đích gián điệp của Bắc Kinh.

Các quan chức Mỹ còn tìm cách thuyết phục các quốc gia khác hạn chế liên doanh với Huawei vì lý do an ninh. Huawei từ lâu đã từ chối các tuyên bố của Mỹ, nói rằng hệ thống của hãng này an toàn không khác gì các công ty viễn thông phương Tây.

Động thái phần nào thể hiện lo ngại của Mỹ với sự trỗi dậy của các tập đoàn khổng lồ Trung Quốc. Trong khi Mỹ từ lâu đã chiếm ưu thế trong ngành công nghệ, thì các công ty Internet của Trung Quốc và các nhà sản xuất thiết bị viễn thông khác, như Huawei, đang phát triển nhanh chóng với sự hỗ trợ từ chính phủ nước này.

Tổng thống Trump đã gắn an ninh quốc gia với sự phát triển công nghệ như hệ thống mạng không dây, cũng như có chính sách bảo vệ các công ty công nghệ trong nước.

CFO Huawei vừa bị bắt: Từ trâm anh thế phiệt đến quân cờ Mỹ-Trung - 2
Mỹ đã thi hành nhiều chính sách nhằm kiềm chế sự phát triển của Huawei.

Vào tháng 3, ông Trump đã ngăn chặn thương vụ mua bán 117 tỷ USD giữa Broadcom, nhà sản xuất chip có trụ sở tại Singapore, cho công ty công nghệ Mỹ Qualcomm, với lý do lo ngại cho an ninh quốc gia và khả năng vụ việc này có thể tạo cơ hội cho các công ty Trung Quốc, đặc biệt là Huawei, nhảy vọt trong thời gian tới.

Bà Mạnh bị phía Canada tạm giữ vào ngày 1/12 theo yêu cầu của chính phủ Mỹ vì tình nghi bà vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Một nguồn thạo tin nói cơ quan chức năng Mỹ cáo buộc bà Mạnh cố tình lách lệnh cấm vận thương mại của Mỹ đối với Iran, song không cho biết cụ thể vụ việc.

Nhà Trắng cũng đã tập trung thắt chặt và thực thi các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran, chỉ vài tháng sau khi ông Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận đa phương nhằm “đóng băng” chương trình hạt nhân của Iran.

Tháng trước, Mỹ đã áp dụng các biện pháp trừng phạt nhằm giảm xuất khẩu dầu của Iran xuống 0 và làm tê liệt nền kinh tế Iran, mặc dù Trung Quốc là một trong số ít các quốc gia được phép tiếp tục mua dầu trong sáu tháng.

Wall Street Journal dẫn lời một nguồn thạo tin cho biết năm 2007, bà Mạnh là thư ký hội đồng quản trị cho Skycom Tech, một công ty thuộc sở hữu của Huawei có trụ sở tại Hong Kong và hoạt động tại Iran. Đến tháng 2/2008, bà Mạnh trở thành giám đốc của Skycom Tech và từ chức vào tháng 4 năm sau.

Vị trí này giờ đây được đặt dưới sự giám sát của chính quyền Mỹ.

Theo Hương Ly (Tri Thức Trực Tuyến)