Thế giới

Chiến hạm Trung Quốc vào tận EEZ đuổi tàu Philppines: Manila muốn kích hoạt phán quyết biển Đông

Phó Tổng thống Philippines Leni Robredo ngày 9/4 nói bà giận dữ và đau xót trước việc tàu Philippines bị các tàu chiến của Hải quân Trung Quốc truy đuổi trên biển Đông.

Chiến hạm Trung Quốc vào tận EEZ đuổi tàu Philppines: Manila muốn kích hoạt phán quyết biển Đông
Phó Tổng thống Philippines Leni Robredo (Ảnh: ABS-CBN)

"Thực sự phẫn nộ và đau xót khi chứng kiến điều đó xảy ra..." bà Robredo nói với ABS-CBN News, đề cập video cho thấy tàu dân sự chở nhóm phóng viên của hãng này bị tàu Hải cảnh và các tàu chiến Trung Quốc mang tên lửa truy đuổi hôm 8/4.

Theo ABS-CBN, các tàu Trung Quốc đã truy đuổi vào bên trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý của Philippines. Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh giới chức Philippines yêu cầu Trung Quốc rút các tàu bè của nước này neo đậu gần Đá Ba Đầu - thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Trong khi các tuyên bố mạnh mẽ của Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Philippines nhằm vào Bắc Kinh được hưởng ứng trong nước, Phó Tổng thống Robredo bày tỏ quan ngại về sự an toàn cho ngư dân Philippines trong khu vực.

Chiến hạm Trung Quốc vào tận EEZ đuổi tàu Philppines: Manila muốn kích hoạt phán quyết biển Đông - 1

Bà Robredo tuyên bố chính phủ Philippines có thể kích hoạt phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài thường trực (PCA), trong đó bác bỏ hoàn toàn yêu sách chủ quyền mà Bắc Kinh áp đặt trên biển Đông - bao gồm cái gọi là "Đường chín đoạn".

"Một điều mà chúng ta đã có thể làm kể từ năm 2016 là sử dụng phán quyết này để hợp lại cùng các nước láng giềng khác - những nước cũng trải qua những đấu tranh tương tự," bà nói. "... Nếu chúng ta đoàn kết lại thì chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn."

Manila báo cáo phát hiện 220 tàu Trung Quốc neo đậu gần Đá Ba Đầu vào ngày 7/3, trong khi Bắc Kinh bác bỏ cáo buộc các tàu này là lực lượng "dân quân biển" của Trung Quốc mà khẳng định đây là các tàu cá cùng trú ẩn do "điều kiện khắc nghiệt trên biển".

Mỹ, Nhật Bản, Australia, Canada, Vương quốc Anh, và Canada đã lên tiếng chỉ trích hành vi bất thường nêu trên của Trung Quốc tại biển Đông.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng ngày 25/3/2021 nêu rõ:

"Cần phải nhắc lại rằng Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Là quốc gia biển và là thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, Việt Nam được hưởng chủ quyền, quyền chủ quyền, và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình, được xác lập bởi Công ước.

Hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm quy định của Công ước về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải quốc gia ven biển, đi ngược lại tinh thần và nội dung Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), làm phức tạp tình hình, không có lợi cho tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc".

"Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt vi phạm, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, thiện chí thực hiện Công ước, nghiêm chỉnh tuân thủ DOC, đặc biệt là nghĩa vụ kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, tạo môi trường thuận lợi cho tiến trình đàm phán COC, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, và trật tự pháp lý trên biển tại khu vực," bà Lê Thị Thu Hằng nói thêm.

Theo Hải Võ (Doanh nghiệp & Tiếp thị)




https://doanhnghieptiepthi.vn/chien-ham-trung-quoc-vao-tan-eez-duoi-tau-philppines-manila-muon-kich-hoat-phan-quyet-bien-dong-161210904161806126.htm