Thế giới

Chuyên gia nêu nguyên nhân có thể khiến tàu lặn mất tích khi tham quan xác Titanic

Giới chuyên gia nói tới nhiều khả năng có thể đã xảy ra với tàu lặn mất tích khi tham quan xác Titanic, bao gồm mắc kẹt trong xác Titanic, sự cố kỹ thuật hoặc sự cố hệ thống liên lạc.

Chuyên gia nêu nguyên nhân có thể khiến tàu lặn mất tích khi tham quan xác Titanic
Một mẫu tàu lặn của hãng OceanGate (Ảnh: OceanGate)

Xác tàu Titanic nằm ở vị trí khoảng 3.800 mét dưới mặt nước biển, có rất nhiều mảnh vỡ liên quan tới thảm họa hơn 100 năm trước.

"Rất nhiều mảnh vỡ của tàu Titannic trải khắp vùng biển đó. Rất nguy hiểm," Frank Owen, một cựu quan chức Hải quân Hoàng gia Australia và giám đốc dự án cứu hộ thoát hiểm tàu ngầm cho biết trên The Guardian.

Tàu lặn Titan mất tích sau khi xuống nước khoảng 1 giờ 45 phút, cho thấy nó đã có thể tiến sát hoặc đã tới đáy biển, theo Owen. Tàu lặn có tốc độ tối đa khoảng 5,5km/giờ, nhưng càng lặn sâu nó sẽ càng di chuyển chậm.

Trong trường hợp bị mắc kẹt, hoặc sự cố kỹ thuật, tàu lặn Titan trang bị các khối nặng và có thể thả những khối nặng này ra, đủ để nổi lên mặt nước. Tàu Titan cũng có hệ thống phát tín hiệu, phát sáng để cầu cứu khi nổi trên mặt nước.

Trong trường hợp tàu bị hư hại, thủng phần thân, mọi chuyện sẽ khó khăn hơn nhiều, theo giáo sư kỹ thuật hàng hải Alistair Greig tại Đại học UCL (Anh).

"Nếu tàu đã rơi xuống đáy biển và không thể tự nổi lên, các phương án cứu hộ rất hạn chế. Tàu lặn có thể vẫn còn nguyên vẹn, nhưng nếu nó ở ngoài thềm lục địa, rất ít máy móc có thể lặn sâu như vậy, đương nhiên thợ lặn không thể làm điều đó," giáo sư Greig giải thích.

Sky News dẫn lời Chris Parry, chuẩn đô đốc về hưu của Hải quân Hoàng gia Anh cho rằng các cuộc giải cứu dưới đáy biển "vô cùng khó khăn".

"Đáy biển trên thực tế rất nhấp nhô. Xác tàu Titanic nằm trong một rãnh sâu. Có rất nhiều mảnh vỡ xung quanh. Do đó nếu dùng một tàu lặn khác sử dụng sonar để rà soát trong khu vực chúng ta muốn tìm kiếm sẽ rất khó khăn," ông Parry giải thích.

Máy bay và tàu lớn của Mỹ và Canada vẫn đang tìm kiếm trong khu vực, nhưng quá trình cứu hộ "phức tạp", bởi các lực lượng cứu hộ chưa biết tàu lặn đã nổi lên mặt nước hay chưa, nghĩa là họ phải rà soát cả mặt nước và đáy biển, theo Chuẩn Đô đốc John Mauger, chỉ huy khu vực một của Lực lượng Tuần Duyên Mỹ.

David Concannon, cố vấn của OceanGate Expeditions, cho biết giới chức đang nỗ lực điều một phương tiện điều khiển từ xa có thể lặn sâu 6.000 mét tới khu vực để hỗ trợ cuộc tìm kiếm.

ROV thường được thả từ tàu trên mặt nước, có cáp kết nối cho phép người điều khiển điều hướng, tiếp nhận hình ảnh và dữ liệu từ sonar và hệ thống camera.

Tuy vậy, với lượng mảnh vỡ khổng lồ của tàu Titanic ở đáy biển, họ sẽ mất nhiều thời gian để xác định đâu là mảnh vỡ, đâu là tàu lặn Titan. Ít nhất, các đội cứu hộ đã có điểm khởi đầu và vị trí của tàu lặn khi mất liên lạc với tàu mẹ.

Linh Giang (SHTT)




https://sohuutritue.net.vn/chuyen-gia-neu-nguyen-nhan-co-the-khien-tau-lan-mat-tich-khi-tham-quan-xac-titanic-d167479.html