Thế giới

Chuyên gia tiết lộ ý nghĩa tích cực trong vụ nổ tàu Titan: 'Hành khách chết không đau đớn'

Chiếc Titan có khả năng đã phát nổ nhanh đến mức khiến 5 nạn nhân mất mạng khi chưa kịp cảm nhận nỗi đau. Trong câu chuyện bi thảm này, điều đó thực sự mang ý nghĩa tích cực.

Liên quan đến sự cố mất tích và nổ tàu lặn thám hiểm Titanic, theo đó các mảnh vỡ từ tàu lặn Titan của OceanGate Expeditions được tìm thấy hôm 22/6, xác nhận tất cả người trên tàu đã thiệt mạng.

Lực lượng Bảo vệ bờ biển cho biết những mảng mảnh vỡ dưới đáy đại dương được tìm thấy cách mũi tàu Titanic 500 m. Điều này có nghĩa con tàu Titan đã phải chịu một "vụ nổ thảm khốc" chỉ một giờ 45 phút sau khi hạ thủy chiều 18/6.

Theo các chuyên gia, vào thời điểm mất liên lạc, con tàu cách mặt nước khoảng 3.000 m. Khi đó, với áp lực nước khổng lồ, bất kỳ vết nứt nào dù rất nhỏ trên thân tàu cũng khiến nó chìm xuống đáy và lập tức nổ tung.

Chuyên gia tiết lộ ý nghĩa tích cực trong vụ nổ tàu Titan: 'Hành khách chết không đau đớn'
Tàu lặn Titan. Ảnh: Oceangate

Chuyên gia về tàu ngầm Ofer Ketter cho biết vụ nổ sẽ xảy ra trong vòng 1/1.000 giây, nếu không muốn nói là một nano giây, nếu có thứ gì đó chọc thủng thân tàu gây mất áp suất. "Các hành khách thậm chí không bao giờ biết được hay cảm nhận được chuyện đã xảy ra. Trong câu chuyện bi thảm này, điều đó thực sự mang ý nghĩa tích cực".

Ketter, đồng sáng lập một công ty tư nhân về tàu lặn Sub-Merge, nói thêm với tờ The Post từ Costa Rica: "Nó diễn ra ngay tức thì - trước cả khi bộ não của họ có thể gửi một loại thông điệp đến cơ thể rằng đang bị đau".

Thi thể 5 nhà thám hiểm trên tàu ngầm, gồm cha con tỷ phú Pakistan Shahzada (48 tuổi), con trai Suleman Dawood (19 tuổi); tỷ phú người Anh Hamish Harding (58 tuổi); nhà thám hiểm Titanic nổi tiếng Paul-Henri Nargeolet (77 tuổi); và người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành OceanGate Stockton Rush (61 tuổi) - đều không có khả năng còn nguyên vẹn.

5 hành khách ký giấy miễn trừ trách nhiệm

Trước khi bước lên tàu lặn Titan thực hiện chuyến tham quan xác Titanic, các hành khách đều phải ký cam kết miễn trừ trách nhiệm với OceanGate, trong đó nguy cơ tử vong được đề cập ít nhất ba lần ngay trang đầu tiên. Theo đó, họ phải tự chịu trách nhiệm nếu thiệt mạng khi con tàu gặp sự cố dưới đáy biển.

Tuy nhiên, đối với gia đình các nạn nhân, mọi thứ có thể không kết thúc ở đây. Giới phân tích cho rằng thân nhân vẫn có thể kiện OceanGate, cũng như những người khác liên quan tới tàu lặn Titan, ngay cả khi nạn nhân đã ký cam kết miễn trừ.

Chuyên gia tiết lộ ý nghĩa tích cực trong vụ nổ tàu Titan: 'Hành khách chết không đau đớn' - 1
5 nạn nhân thiệt mạng trên con tàu ngầm thám hiểm Titanic hôm 18/6. Ảnh: NY Post

Theo luật sư và chuyên gia luật hàng hải Matthew D Shaffer, cam kết miễn trừ không phải lúc nào cũng là lá chắn pháp lý vững chắc và không có gì lạ nếu các thẩm phán bác bỏ nó nếu có bằng chứng về sơ suất hoặc rủi ro nghiêm trọng không được tiết lộ đầy đủ với hành khách.

"Nếu có những thông tin về thiết kế hoặc cấu trúc tàu bị giữ bí mật với hành khách hoặc nó được cố tình vận hành dù được cảnh báo không đảm bảo an toàn, cam kết miễn trừ sẽ không còn hợp lệ", ông Shaffer nói.

OceanGate có thể lập luận rằng đây không phải là sơ suất và cam kết miễn trừ hợp lệ vì đã nêu đầy đủ những nguy hiểm tiềm ẩn khi tham quan vùng biển sâu của đại dương bằng tàu lặn. Mức độ của bất kỳ sơ suất nào và ảnh hưởng của nó đối khả năng áp dụng miễn trừ như thế nào sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân tai nạn, vốn sẽ là trọng tâm của cuộc điều tra tiếp theo.

"Có rất nhiều ví dụ về những gì các gia đình nạn nhân có thể yêu cầu bất chấp cam kết miễn trừ, nhưng cho đến khi biết rõ nguyên nhân tai nạn, chúng ta không thể xác định liệu trường hợp này cam kết miễn trừ có được áp dụng hay không", Joseph Low, luật sư về thương tích cá nhân ở California, nói.

Các gia đình cũng có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại từ bất kỳ bên liên quan nào chịu trách nhiệm thiết kế, giúp chế tạo hoặc chế tạo các bộ phận cho tàu Titan nếu họ bị phát hiện là cẩu thả và là nguyên nhân gây ra vụ nổ.

Một đạo luật khác tên là Death on the High Seas (Tạm dịch: Đạo luật Tử vong trên biển) cho phép những người phụ thuộc tài chính vào người đã thiệt mạng trong một thảm họa hàng hải tìm kiếm phần thu nhập trong tương lai mà lẽ ra họ sẽ nhận được từ người đã thiệt mạng đó.

PN (SHTT)




https://sohuutritue.net.vn/chuyen-gia-tiet-lo-y-nghia-tich-cuc-trong-vu-no-tau-titan-hanh-khach-chet-khong-dau-don-d167823.html