Thế giới

Đức trang bị gì cho Lữ đoàn cơ giới phản ứng nhanh?

Quân đội Đức đang cân nhắc thành lập Lữ đoàn cơ giới, có thể dùng cho các hoạt động phản ứng nhanh được trang bị cực mạnh.

Quân đội Đức đang cân nhắc thành lập Lữ đoàn cơ giới, có thể dùng cho các hoạt động phản ứng nhanh được trang bị cực mạnh.
Hãng HIS Jane dẫn nguồn tin quân sự Đức cho biết, lực lượng cơ giới phản ứng nhanh của nước này sẽ có quy mô tương đương lữ đoàn, đáp ứng yêu cầu chiến đấu và thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ liên quan trong quá trình tác chiến. Theo kế hoạch ban đầu, Lữ đoàn sẽ có khoảng 100 xe cơ giới chiến đấu, trong đó lực lượng chính là xe chiến đấu bộ binh Puma, xe bọc thép chở quân PMMC G5 hiện đang được Đức phát hoàn thiện.
 
 
Sức mạnh đầu tiên phải kể đến là xe thiết giáp chiến đấu Puma. Theo những thông tin được công khai cho thấy, Puma được trang bị hệ thống hỏa lực cực mạnh với vũ khí chính là pháo tự động MK30-2/ABM cỡ 30mm có khả năng xoay 360°.
 
 
Pháo có hệ thống nạp đạn kép có thể bắn đạn xuyên giáp (APFSDS-T) hoặc đạn xuyên bằng động năng (KETF) với cơ số 400 viên, tầm hiệu quả khoảng 3km, đồng trục pháo chính là súng máy HK MG4 mới đưa vào biên chế năm 2005, cỡ 7,62mm với 2000 viên đạn dự trữ, sẽ được dùng khi sát thương mục tiêu cỡ nhỏ.
 
 
Và cũng không thể kém cạnh các loại xe thiết giáp đời mới, Puma cũng mang trên mình 2 quả tên lửa chống tăng trong hệ thống tên lửa “EuroSpike Spike LR” để tiêu diệt xe tăng hay các lô cốt, hỏa điểm địch.
 
 
Bên cạnh việc tích hợp các công nghệ cảm biến và gây nhiễu, Puma cũng được tích hợp ống phóng đạn khói ngụy trang dùng khi tấn công lẫn phòng thủ. Một thiết bị phóng lựu cỡ 76mm 6 nòng gắn phía đuôi xe như một biện pháp đối phó với bộ binh địch – một ý tưởng thiết kế lấy từ kinh nghiệm của quân đội Israel sau nhiều năm nước này đương đầu với chiến tranh đô thị.
 
 
Để tăng khả năng cơ động cho “khối thép” này, nhà thiết kế đã lắp cho Puma động cơ diesel MTU V10 892 cực kì mạnh mẽ với công suất 1.100 mã lực, thậm chí còn mạnh ngang ngửa động cơ của các loại xe tăng chủ lực, giúp xe đạt tốc độ 70km/h với dự trữ hành trình 600km. Hệ thống treo trên Puma đảm bảo cho nó vượt quả được các địa hình khó khăn.
 
 
Có thể nói, Puma đã được thiết kế để “bám” theo các xe tăng trong đội hình thọc sâu dù bất cứ địa hình hay tốc độ nào. Khi cần Puma cũng có thể được vận chuyển bằng máy bay vận tải A400M “Atlas”.
 
 
Ngoài sức mạnh hủy diệt của xe Puma, Lữ đoàn phản ứng nhanh của Đức còn được trang bị xe chiến đấu PMMC G5. Với trọng lượng không tải 25 tấn, G5 có thể mang theo khối lượng hàng hóa nhiều hơn các mẫu xe cùng loại nhờ vào thiết kế bên trong khoang rộng rãi, kết cấu module linh hoạt. Khoang chở quân có sức chứa 12 lính kể cả kíp lái.
 
 
G5 được lắp pháo tự động FLW 200+ cỡ 20 mm. Ngoài ra còn có một hệ thống quan sát quang học hiện đại để sử dụng cho việc trinh sát chiến trường, chiến đấu ngày và đêm hay trong điều kiện ánh sáng yếu, phía trước tháp pháo có 6 ống phóng lựu khói.
 
Kế hoạch hình thành đơn vị cơ giới chiến đấu có kích thước lữ đoàn của Đức sẽ phù hợp cho cả 2 trường hợp, tác chiến đối xứng và bất đối xứng. JHS Jane cho biết, kế hoạch thành lập lữ đoàn cơ giới phản ứng nhanh của Đức sẽ góp phần vào việc thực hiện “Khái niệm Hợp nhất các quốc gia FNC” (Framework Nations Concept-FNC) của NATO.
 
Theo Đất Việt