Thế giới

Khám phá chuyên cơ ‘Air Force Un' của ông Kim

Chuyên cơ Ilyushin IL-62M của nhà lãnh đạo Kim Jong Un tuy không hiện đại như Air Force One nhưng nội thất bên trong không kém phần sang trọng và có thể bay thẳng đến Los Angeles.

Phương tiện đi lại lãnh đạo Triều Tiên vẫn là một bí ẩn đối với thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, kể từ khi ông Kim Jong Un lên nắm quyền lãnh đạo đất nước, công chúng đã biết nhiều hơn về phương tiện vận chuyển nguyên thủ quốc gia của Triều Tiên, dù thông tin vẫn khá ít ỏi.

Trong tháng 9/2018, trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên với tư cách lãnh đạo tối cao của Triều Tiên, ông Kim Jong Un đã sử dụng chuyên cơ Ilyushin IL-62, mẫu máy bay từ thời Chiến tranh Lạnh. Nó được ví von là “Air Force Un”.

Từng là máy bay lớn nhất thế giới

Ilyushin IL-62 là mẫu máy bay vận tải hành khách do Phòng thiết kế Ilyushin, Liên Xô cũ, phát triển vào đầu những năm 1960. IL-62 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 3/1/1963, khi đó nó là máy bay vận tải hành khách lớn nhất thế giới với sức chở gần 200 hành khách.

Theo tạp chí Flight Global, IL-62 mà nhà lãnh đạo Kim Jong Un sử dụng có thể là phiên bản IL-62M được chế tạo vào những năm 1980. Phiên bản này được nâng cấp với động cơ Soloviev D-30KU có lực đẩy lớn hơn, cùng một số cải tiến về khí động học, vận chuyển hàng hóa và tăng lượng nhiên liệu mang theo.

Khám phá chuyên cơ ‘Air Force Un' của ông Kim
Bàn làm việc của nhà lãnh đạo Kim Jong Un bên trong chuyên cơ IL-62M. Ảnh: KCNA.

Năm 2015, truyền thông nhà nước Triều Tiên công bố hình ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong Un trao đổi với quan chức quân đội bên trong một chiếc IL-62 với nội thất rất sang trọng. Nội thất của chuyên cơ IL-62 không hề thua kém Air Force One của tổng thống Mỹ.

Bàn làm việc của nhà lãnh đạo Kim được trang bị nhiều điện thoại, thiết bị kết nối mạng. Một số người ví von rằng nó là “Air Force One” được thiết kế lại. Các tính năng an toàn của máy bay vẫn là một bí ẩn, tuy vậy, một số chuyên gia phương Tây đặt câu hỏi về hệ thống thông tin liên lạc tiên tiến, thiết bị điển hình các máy bay hiện đại.

Ngoài ra, độ tin cậy về mặt cơ học của máy bay cũng bị đặt câu hỏi. Phần lớn máy bay IL-62 trên thế giới đã ngừng hoạt động, hoặc sử dụng hạn chế. Mặt khác, Liên Hợp Quốc đã cấm các nước thành viên xuất khẩu máy bay cho Triều Tiên liên quan đến chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Bình Nhưỡng. Do đó việc nâng cấp và duy trì hoạt động cho IL-62 sẽ là một thách thức đối với Triều Tiên.

Greg Waldron, Tổng biên tập khu vực châu Á của Flight Global, đánh giá, IL-62 vẫn là một máy bay an toàn, miễn là nó được vận hành bởi phi hành đoàn chuyên nghiệp. IL-62 là mẫu máy bay bền bỉ nhưng không hiện đại.

Đủ sức bay thẳng đến Los Angeles

Ilyushin IL-62 có chiều dài 53 m, sải cánh 43 m, cao 12 m, trọng lượng rỗng 71 tấn, trọng lượng cất cánh tối đa 165 tấn. Máy bay được trang bị 4 động cơ phản lực Soloviev D-30KU, lực đẩy 107 kN/động cơ, tốc độ tối đa 900 km/h.

IL-62 có thể mang theo 105.300 lít nhiên liệu, phạm vi hoạt động 10.000 km với tải trọng 10 tấn, đủ sức bay thẳng từ Triều Tiên đến Los Angeles, Mỹ. Tuy nhiên, IL-62 có thời gian sử dụng rất lâu nên việc bay thẳng đến Mỹ sẽ là một thách thức, thậm chí tiềm ẩn nguy hiểm.

Khám phá chuyên cơ ‘Air Force Un' của ông Kim - 1
Nội thất của "Air Force Un" sang trọng không kém Air Force One của tổng thống Mỹ. Ảnh: KCNA.

Các chuyên gia hàng không nhận định, IL-62 phù hợp với các chuyến công du trong phạm vi dưới 5.000 km. Bên cạnh đó, mỗi khi công du nước ngoài, nhà lãnh đạo Kim Jong Un thường mang theo chiếc Mercedes-Benz Pullman Guard bọc thép, điều đó khiến trọng lượng máy bay tăng lên nên không thể bay xa.

Các máy bay do Liên Xô cũ chế tạo thường nặng nề và tốn rất nhiều nhiên liệu. Bên cạnh đó, IL-62 có hồ sơ an toàn bay khá thấp. Theo Aviation Safety Network, trang web chuyên theo dõi và thống kê các vụ tai nạn hàng không, kể từ khi thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 1963 đến nay, IL-62 đã xảy ra 12 vụ tai nạn nghiêm trọng.

Giới phân tích phương Tây nhận định, dù không thể so sánh với Air Force One của tổng thống Mỹ, hay chuyên cơ Il-96-300PU với nội thất dát vàng của Tổng thống Nga Vladimir Putin, tuy vậy, ông Kim Jong Un vẫn là một trong số ít những nguyên thủ quốc gia có chuyên cơ riêng.

Ngay như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng không có máy bay riêng. Mỗi khi ông Tập công du nước ngoài, Air China sẽ sửa đổi một hoặc 2 chiếc Boeing 747 để phục vụ việc đưa đón.

Theo Trung Hiếu (Tri Thức Trực Tuyến)