Liên Hợp Quốc đã trả lời yêu cầu của Thủ tướng Hun Sen về việc mượn một bản đồ từ trước thời Khmer Đỏ
Liên Hợp Quốc đã trả lời yêu cầu của Thủ tướng Hun Sen về việc mượn một bản đồ từ trước thời Khmer Đỏ

Thủ tướng Campuchia Hun Sen

 
Đài Tiếng nói Hoa Kỳ đưa tin cho biết Liên Hợp Quốc đã trả lời yêu cầu của Thủ tướng Hun Sen về việc mượn một bản đồ từ trước thời Khmer Đỏ mà ông hy vọng sẽ giúp giải quyết các tranh chấp biên giới với Việt Nam.
 
Bà Eri Kaneko, người phát ngôn của Tổng thư ký LHQ Ban Ki-Moon khi nói với đài VOA qua điện thoại từ New York nói rằng: “Chúng tôi đã cung cấp cho Campuchia thông tin có liên quan mà chúng tôi có thể tìm thấy và chúng tôi đang tiếp tục tìm kiếm các tài liệu quan trọng mà chính phủ Campuchia yêu cầu”.
 
Tuy nhiên, bà Eri không nói cụ thể về các loại tài liệu mà LHQ đã chuyển giao cho phía Campuchia, đáp lại yêu cầu hôm 6/7/2015 vừa qua của Thủ tướng Campuchia Hun Sen.
 
Khi đó, ông Hun Sen đã đề nghị mượn một bản đồ mà cố Quốc vương Norodom Sihanouk đã đệ trình cho Liên Hợp Quốc vào năm 1964.
 
Liên quan đến việc giải quyết mâu thuẫn giữa Việt Nam và Campuchia ở khu vực biên giới, Việt Nam và Campuchia đã cùng tiến hành khảo sát thực địa vụ xô xát ở biên giới.
 
Theo bản tin của TTXVN, để thực hiện thỏa thuận giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia, ngày 16/7, Nhóm Công tác liên hợp Việt Nam-Campuchia đã đến thực địa khu vực giữa mốc số 202-203 thuộc ấp Bình Bắc, xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An, Việt Nam, nơi xảy ra vụ bạo lực do một số phần tử quá khích Campuchia gây ra ngày 28/6.
 
Nhóm Công tác phía Việt Nam do ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao, làm trưởng nhóm.
 
Nhóm Công tác phía Campuchia do ông Long Visalo, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế, Trưởng Ban điều tra vụ xô xát phía Campuchia làm trưởng nhóm.
 
Tại thực địa, hai bên đã kiểm tra, làm rõ nơi xảy ra xô xát, đồng thời nghe ý kiến của các nhân chứng hai bên và xác định nguyên nhân của vụ việc. Nhóm công tác phía Campuchia bày tỏ sự thăm hỏi và mong nhận được sự thông cảm của những người Việt Nam bị thương.
 
Sau khi kết thúc làm việc trên thực địa, hai bên tiến hành hội đàm tại tỉnh Svay Rieng, Campuchia và nhất trí kiên quyết không để sự việc tương tự tái diễn, đồng thời khẳng định tôn trọng các Hiệp ước và Hiệp định đã ký kết và Thông cáo báo chí chung ký ngày 17/1/1995.
 
>> Ông Hun Sen nhờ Anh, Pháp, Mỹ xác thực bản đồ biên giới với Việt Nam
>> Việt Nam, Campuchia thực địa nơi xảy ra xô xát ở Long An
 
Theo Hòa Bình (Nguoiduatin.vn)