Thế giới >> COVID-19 (nCoV)

Liên minh châu Âu đóng cửa biên giới ngăn Covid-19

EU hôm 17/03 đồng ý đóng cửa biên giới toàn khối nhằm giảm tốc độ lây lan của dịch bệnh Covid-19.

Thủ tướng Đức Angela Merkel thông báo về kế hoạch đóng cửa biên giới toàn khối trong một cuộc họp báo.

Theo đó, lệnh đóng cửa biên giới sẽ có hiệu lực ngay lập tức. Chỉ có hàng hóa, thiết bị y tế và trong một số trường hợp đặc biệt, những người mà EU cho là cần thiết trong việc hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh của các nước thành viên, được phép vào Liên minh châu Âu.

Liên minh châu Âu đóng cửa biên giới ngăn Covid-19
Ảnh minh họa: Reuters

Lệnh đóng cửa biên giới sẽ có hiệu lực 30 ngày, và không bao gồm Anh. Trước đó, Anh đã chính thức rời EU, nhưng hiện vẫn đang trong giai đoạn chuyển tiếp.

Tuy vậy, chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết không có ràng buộc pháp lý nào đối với các nước thành viên về lệnh đóng cửa biên giới. Thay vào đó, EU hy vọng giới lãnh đạo các nước thành viên sẽ tôn trọng cam kết chung.

"Giờ đây sẽ tới lượt họ triển khai lệnh đóng cửa... Họ nói họ sẽ cho triển khai ngay lập tức," bà Ursula Von Der Leyen nói sau buổi họp báo.

Biện pháp đóng cửa biên giới được đưa ra sau khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát gây ra căng thẳng chính trị giữa các nước thành viên, gây áp lực buộc Brussels phải có hành động, dù Ủy ban châu Âu không có nhiều thẩm quyền thực tế trong việc can thiệp vào chính sách biên giới hay y tế của các nước thành viên.

Brussels hy vọng việc đóng cửa toàn khối sẽ khiến chính phủ các nước thành viên sẵn lòng mở lại biên giới với nhau, sau khi nhiều nước như Đức, Tây Ban Nha, Đan Mạch đã quyết định đóng cửa biên giới để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

EU hy vọng việc các nước thành viên mở cửa biên giới với nhau trở lại sẽ giúp những chương trình hợp tác đối phó với dịch bệnh sẽ được thực thi hiệu quả hơn.

Trong buổi họp báo hôm 18/03, bà Ursula Von Der Leyen không xác nhận đã có nước nào dỡ bỏ lệnh đóng cửa biên giới hay chưa. Tuy vậy bà cho rằng "sẽ có những động thái tích cực được thực hiện trong giai đoạn tới".

Trước đó, EU từng bị chỉ trích vì phản ứng không hiệu quả với sự bùng phát dịch bệnh. Theo CNN, Brussels chỉ có thể đưa ra khuyến nghị cho các thành viên về chính sách y tế, và hầu như chỉ đóng vai thúc đẩy phối hợp giữa các nước.

Đan Anh (Nguoiduatin.vn)