Thế giới

Mỹ điều B-52 bay gần đảo Trung Quốc bồi lấp

Lầu Năm Góc ngày 12/11 tuyên bố một máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ đã bay gần các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp trái phép ở Biển Đông.

Lầu Năm Góc ngày 12/11 tuyên bố một máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ đã bay gần các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp trái phép ở Biển Đông.

Máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ. Ảnh: Getty.

Peter Cook, ​Người phát ngôn Lầu Năm Góc, cho biết: “Chúng tôi điều máy bay B-52 bay qua khu vực không phận quốc tế vào mọi thời điểm”.

Trong nhiệm vụ mới nhất xảy ra đêm 8 và 9/11, pháo đài bay đi qua các đảo nhân tạo do Trung Quốc chiếm và bồi lấp phi pháp trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng chúng chưa tiến vào khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo.

Chỉ huy Bill Urban, một người phát ngôn khác của Lầu Năm Góc, cho biết: “Những chiếc B-52 thực hiện nhiêm vụ thường xuyên ở Biển Đông. Chúng cất cánh từ căn cứ không quân của Mỹ trên đảo Guam và trở về đó sau khi hoàn tất nhiệm vụ”.

Thông qua hệ thống radio, lực lượng kiểm soát dưới mặt đất của Trung Quốc yêu cầu phi hành đoàn điều khiển hai chiếc B-52 “tránh xa khỏi các đảo của chúng tôi”.​ Tuy nhiên, các phi công vẫn tiếp tục nhiệm vụ, Urban cho biết.

Sự kiện B-52 tuần tra Biển Đông xảy ra ngay trước chuyến công du tới Philippines của Tổng thống Mỹ Barack Obama để dự Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).

Theo dự kiến, ông chủ Nhà Trắng sẽ tái khẳng định cam kết của Washington đối với tự do hàng hải và hàng không trong khu vực.

Josh Earnest, người phát ngôn Nhà Trắng, cho biết ông không biết vấn đề Biển Đông có được đưa vào chương trình nghị sự của APEC hay không nhưng ông tin rằng nó sẽ tồn tại trong suy nghĩ và lời nói của các nhà lãnh đạo dự sự kiện.

Sự kiện B-52 lướt qua các đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông xảy ra không lâu sau khi tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS Lassen tiến vào ​vùng 12 hải lý xung quanh đá Vành Khăn và đá Xu Bi do Trung Quốc chiếm trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Giới chức Mỹ nhiều lần khẳng định họ có quyền đi qua và bay qua những khu vực mà luật pháp quốc tế cho phép, bao gồm Biển Đông. Việc Mỹ đưa tàu áp sát các đảo Bắc Kinh bồi lấp phi pháp cho thấy quan điểm của Mỹ với yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.

Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền với khoảng 80% diện tích Biển Đông, tuyến hàng hải huyết mạch bậc nhất thế giới bấ​t chấp sự phản đối của các nước tr​ong khu vực và trên thế giới. Mỹ cho rằng họ có lợi ích chiến lược trong vùng biển này, khi lượng hàng hóa tương đương 30% kim ngạch toàn cầu được trung chuyển qua khu vực.
 
>> Mỹ cảnh báo về khả năng xung đột trên Biển Đông
>> Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ lên tàu tuần tra Biển Đông
>> Nhiều nước đồng loạt ủng hộ Mỹ tuần tra biển Đông

Theo Hồng Duy (Zing.vn)