Thế giới

Phi hành gia ‘cô đơn nhất lịch sử’ Mỹ qua đời vì ung thư

Michael Collins, phi hành gia NASA đã cùng tàu vũ trụ Apollo 11 chinh phục Mặt trăng, vừa qua đời ở tuổi 90, sau khi chiến đấu với bệnh ung thư.

“Mike luôn đối mặt với những thử thách của cuộc sống một cách uyển chuyển và khiêm tốn, và đối mặt với điều này - thử thách cuối cùng của ông ấy - theo cách tương tự,” gia đình phi hành gia Michael Collins đăng trên tài khoản Twitter chính thức của ông.

Phi hành gia Aldrin - người đồng hành trong sứ mệnh Apollo 11 - là một trong những người đầu tiên chia buồn. “Mike thân mến, dù ông đã hoặc sẽ ở đâu, ông vẫn luôn mang ngọn lửa để đưa chúng tôi lên tầm cao mới và tới tương lai. Chúng tôi sẽ nhớ ông. Chúc ông an nghỉ".

NASA cũng thông báo về sự ra đi của ông Collins. “Nước Mỹ hôm nay đã mất đi một huyền thoại vũ trụ tiên phong, người đã cống hiến cả đời cho công cuộc khám phá, Michael Collins. Ông là phi công của mô-đun chỉ huy của tàu Apollo 11, đôi khi được gọi là 'người đàn ông cô đơn nhất lịch sử' khi bay quanh Mặt trăng trong khi những đồng nghiệp của ông đáp xuống bề mặt hành tinh này. Ông cũng ghi dấu ấn trong chương trình Gemini và với tư cách phi công của Không quân Mỹ”, quyền giám đốc NASA Steve Jurczyk nói trong một thông báo.

Phi hành gia ‘cô đơn nhất lịch sử’ Mỹ qua đời vì ung thư
Từ trái qua, phi hành gia Neil Amstrong, Michael Collins và Edwin E. Aldrin. (Ảnh: NASA)

Ngay sau thông báo của NASA, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gửi lời chia buồn và ca ngợi cuộc đời vinh quang của Michael Collins cũng như những thành tựu đáng kinh ngạc trong không gian của ông.

Nhắc đến phi công Michael Collins, nhiều người gọi ông với cái tên "người đàn ông cô độc nhất lịch sử” hay “phi hành gia bị lãng quên của Apollo 11” bởi tính chất sứ mệnh của của ông vào năm 1969 là cùng Neil Armstrong và Buzz Aldrin làm nên lịch sử với cuộc đổ bộ Mặt Trăng lần đầu tiên trên thế giới.

Song, không trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ đánh dấu vào lịch sử loài người – đặt chân lên Mặt Trăng giống như 2 cộng sự, Michael Collins phải chịu trách nhiệm lái mô-đun chỉ huy, ông đã phải chờ trong mô-đun chỉ huy suốt 21 tiếng liền trên Mặt Trăng, trong lúc hai cộng sự tiến hành thăm dò và nghiên cứu.

Ông Collins sinh ra ở Ý, sau đó trở thành phi công của Không quân Mỹ và phi hành gia trong chương trình Gemini. Ông là người Mỹ thứ ba đi trong không gian, NASA cho biết. Trước khi trở thành phi hành gia, Collins tốt nghiệp Học viện quân sự Hoa Kỳ.

Sau khi nghỉ hưu ở NASA năm 1970, Collin trở thành trợ lý ngoại trưởng Mỹ. Một năm sau, ông trở thành giám đốc Bảo tàng hàng không và vũ trụ quốc gia Mỹ. Ông làm ở vị trí này đến năm 1978 rồi từ chức để làm tại Viện Smithsonian. Cùng với các đồng đội trên tàu Apollo 11, Collin được trao Huân chương tự do của tổng thống vào năm 1969 và Huy chương vàng của quốc hội vào năm 2011.

Biên Thùy (Nguoiduatin.vn)