Thế giới

Siêu tăng tự chế Karrar của Iran vượt trội cả T-90 Nga?

Lực lượng Vệ binh Cách mạng của Iran vừa công bố loại xe tăng tối tân mang tên Karrar, do các chuyên gia nước này tự nghiên cứu, phát triển.

Lực lượng Vệ binh Cách mạng của Iran vừa công bố loại xe tăng tối tân mang tên Karrar, do các chuyên gia nước này tự nghiên cứu, phát triển.

Ngày 12/3, Hãng thông tấn Tasnim đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Iran, Đại tướng Hossein Dehqan đánh giá rằng, mẫu xe tăng do Iran tự chế này là dấu hiệu rõ ràng về năng lực kỹ thuật và khả năng sáng tạo cao của các chuyên gia kỹ thuật quân sự nước này.

Tại lễ công bố loại phương tiện mới trên, ông Dehqan nhấn mạnh, việc nâng cấp các thiết bị quân sự bọc thép là một trong những chiến lược chính của Bộ Quốc phòng Iran, nhằm hiện đại hóa lực lượng tác chiến thiết giáp của lục quân nước này.

Ông còn khẳng định, xe tăng Karrar là một trong những loại xe tăng hiện đại nhất thế giới, có thể đáp ứng đầy đủ các nhu cầu của lực lượng vũ trang Iran. Loại xe tăng này có mặt còn vượt trội so với mẫu xe tăng đình đám trên chiến trường Trung Đông của Nga là T-90.

Trước đây, Tướng Ahmad Reza Pourdastan, chỉ huy lực lượng mặt đất của quân đội Iran đã nói với hãng tin Fars rằng, lục quân nước này đã từng quan tâm đến việc mua xe tăng của Nga nhưng vì giới công nghiệp quốc phòng nước này có thể sản xuất các mô hình tương tự nên Iran đã từ bỏ kế hoạch này.

Ông Pourdastan tuyên bố rằng, các chuyên gia kỹ thuật xe tăng Iran đã nắm được bí quyết công nghệ để sản xuất xe tăng chiến đấu thế hệ mới và các khung gầm thiết giáp quân sự tiên tiến, do đó, trong tương lai gần, nước này sẽ hoàn toàn sản xuất xe tăng nội địa.

Vào hồi tháng 8 năm 2016, các chuyên gia quân sự đã giật mình khi thấy trên truyền hình Iran giới thiệu một chiếc xe tăng gần giống với chiếc T-90MS do Nga sản xuất. Trên tháp pháo chiếc xe tăng đang quay tít này gắn một lá cờ xanh, trắng, đỏ của Iran.

Tuy nhiên, không thể đưa ra bất kỳ kết luận chính xác nào về chiếc xe tăng mới của Iran dựa trên dựa trên một vài khoảnh khắc của cảnh quay video. Đó chắc chắn là Karrar, nhưng nó có thể là tên Iran của một chiếc T-90MS, do Nga hỗ trợ Iran chế tạo hoặc chỉ là một sự nâng cấp mới của T-72.

Sieu tang tu che Karrar cua Iran vuot troi ca T-90 Nga?
Mẫu tăng Karrar của Iran được coi là phiên bản nâng cấp của T-72

T-90MS của Nga là một xe tăng hiện đại xếp vào hàng ngũ những chiếc xe tăng tốt nhất trên thế giới. Tuy nhiên, nó là một sự nâng cấp từ T-72, kết hợp khung gầm cũ của T-72 với tháp pháo T-80, chứ không phải là một cuộc cách mạng công nghệ xe tăng.

Có nhiều lý do khiến T-90 vay mượn từ cả hai chiếc xe tăng này. Khung gầm T-72 rất phổ dụng để có thể nâng cấp các phiên bản khác, còn T-80 có tháp pháo ưu việt nhưng có điểm yếu về động cơ tuabin, nên sự kết hợp sức mạnh của cả hai nền tảng là điều tốt nhất.

Thừa kế những hệ thống phòng thủ thụ động tốt nhất của người tiền nhiệm như giáp đồng trục, giáp phản ứng nổ ERA, T-90 còn được trang bị những hệ thống nâng cấp quan trọng như hệ thống bảo vệ chủ động được thiết kế để phá hủy hay đánh lạc hướng các vũ khí chống tăng.

Đánh bại T-90 là rất khó. Trong quá trình tham chiến ở Syria, tăng T-90A của Nga cung cấp cho quân đội Syria đã hầu như “miễn nhiễm” trước các tên lửa chống tăng TOW của Mỹ. Mặc dù đã có những thiệt hại nhưng chưa có bất cứ chiếc T-90 nào bị vũ khí chống tăng bắn cháy hoàn toàn.

Karrar là phiên bản nâng cấp T-72S Shilden của Iran?

Chiếc xe tăng được thấy trên truyền hình Iran chắc chắn là có ngoại hình giống như T-90MS, đặc biệt là hình dạng của tháp pháo và giáp phản ứng nổ, giáp riềm bảo vệ hông rất giống T-90MS. Tuy nhiên, các đặc điểm này cũng dễ nhầm lẫn với dòng tăng T-72.

Sau khi Iran ra mắt dòng xe tăng chiến đấu chủ lực Karrar, giới quân sự nhận định rằng, đây có thể là một phiên bản Iran tự “nhái” tăng T-90 hoặc là Nga đã hỗ trợ công nghệ cho Iran sản xuất T-90.

Một số người yêu thích quân sự đã phát hiện ra rằng, xe tăng mới của Iran có một số khác biệt so với T-90MS và giống như phiên bản T-72S Shilden của Iran hơn.

Ví dụ như trang blog “Below the Turret Ring” hay các diễn đàn Armored Warfare, Reforger_OS quan sát thấy một số điểm khác biệt với T-90 như sau: Chiếc xe tăng Iran có một chụp gốc nòng pháo, không có thùng nhiên liệu phía sau như trên T-90MS và tổ hợp súng máy điều khiển xa có kích thước lớn hơn.

Ngoài ra, còn có một số đặc điểm bố trí ở phần đuôi xe rất giống với dòng xe tăng T-72.

Đây là những thay đổi khá nhỏ có thể nhận thấy trong một video chất lượng thấp, nhưng sự khác biệt có thể là đủ để cho thấy khả năng đây là một phiên bản mô phỏng và nâng cấp sâu của tăng T-72 Iran.

Điều này cũng phù hợp với xu hướng sản xuất vũ khí của giới quân sự nước này, bởi từ trước đến nay, Tehran đã không sản xuất bất cứ chiếc xe tăng nào hoàn toàn mới, với số lượng lớn.

Những gì giới công nghiệp quốc phòng nước này có thể làm là cải tiến, nâng cấp một số lượng hạn chế xe tăng dựa trên thiết kế cũ của nước ngoài và trên một quy mô tương đối nhỏ, ví dụ như tăng Zulfiqar 3 của Iran có hình dạng na ná như M1 Abrams Mỹ hay Tiam được xây dựng trên khung gầm M47 của Mỹ.

Hơn nữa, thông tin vừa qua Iran muốn hỏi mua T-90MS của Nga càng được coi là cơ sở chắc chắn để những người theo giả thiết 1 khẳng định rằng, Karrar chỉ là một phiên bản nâng cấp T-72S của Iran chứ không được chuyển giao công nghệ từ Nga.

Cận cảnh xe tăng thế hệ mới Karrar của lục quân Iran

Tuy nhiên, cũng có một số chuyên gia theo giả thuyết thứ 2 nhận định rằng, Iran hoàn toàn có thể tự mô phỏng một phiên bản tăng T-90 Nga cho riêng mình hoặc Moscow đã bí mật bán công nghệ cho nước này tự sản xuất xe tăng T-90.

Tuy nhiên, với trình độ công nghệ của mình, Iran không thể sản xuất T-90 với tiêu chuẩn kỹ thuật như phiên bản Nga và không có bằng chứng nào cho thấy Tehran có thỏa thuận cấp phép với Nga về hỗ trợ kỹ thuật cho T-90, mặc dù cũng đã có nhiều thông tin đồn thổi trên báo chí.

Giới báo chí cũng từng đưa tin về việc Iran và Nga có thể thực hiện các giao dịch vũ khí bí mật. Các quan chức Iran có thể mua công nghệ sản xuất hoặc tìm kiếm sự hỗ trợ kỹ thuật từ Uralvagonzavod - công ty của Nga sản xuất T-90, tuy nhiên, khả năng này là rất thấp, bởi có những công nghệ trên T-90 là tối mật.

Do đó, dù Karrar không phải là T-90, mà là một chiếc T-72 nâng cấp của Iran thì chắc chắn là chiếc xe tăng vẫn thiếu thiếu các biện pháp đối phó quan trọng, ví dụ như hệ thống phòng thủ chủ động và các hệ thống kiểm soát hỏa hoạn hiện đại trên chiếc T-90.

Điều đó có nghĩa là, giới quân sự có lý do chính đáng để nghi ngờ tuyên bố của Iran rằng xe tăng quốc nội Karrar của họ có chất lượng bằng hoặc tốt hơn T-90 của Nga. Và để làm sáng tỏ những nghi vấn về nguồn gốc và tính năng thật sự của nó, chúng ta vẫn sẽ phải đợi.

Theo Toàn Thắng (Đất Việt)