Thế giới

Thổ Nhĩ Kỳ từ chối rút quân khỏi lãnh thổ Iraq

Thổ Nhĩ Kỳ ngày 7/12 tuyên bố có nghĩa vụ bảo vệ binh sĩ của mình ở gần thành phố Mosul, Iraq - khu vực do tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) kiểm soát.

Thổ Nhĩ Kỳ ngày 7/12 tuyên bố có nghĩa vụ bảo vệ binh sĩ của mình ở gần thành phố Mosul, Iraq - khu vực do tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) kiểm soát.

Ảnh minh họa: AP

Ankara khẳng định điều này sau khi Baghdad ra yêu cầu nước này lập tức rút các quân nhân vừa được triển khai tới Iraq.

Hãng tin của Pháp cho hay, Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ không rút các binh sĩ ở Iraq bất chấp yêu cầu trên.

"Họ (các binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ) sẽ giữ nguyên vị trí," một quan chức nói với các cơ quan truyền thông nước ngoài tại Istanbul.

"Điều này còn tùy thuộc vào các cuộc thảo luận nhưng rõ ràng là lực lượng của chúng tôi - như những gì được biết từ các quan chức, từ yêu cầu của các nhóm khác nhau ở đó (Iraq), từ những gì trao đổi với chính phủ và Khu tự trị người Kurd (KRG) - sẽ ở lại".

Quan chức này cho hay, cuộc triển khai lực lượng tới Iraq hôm 4/12 gồm 150-300 binh sĩ được yểm trợ bằng 20 xe tăng tới một doanh trại ở khu vực Bashiqa, miền Bắc Iraq.

Ankara gọi đây là quá trình luân chuyển thuộc chương trình huấn luyện sẵn có nhằm giúp người Kurd ở khu vực này giành lại Mosul.

Doanh trại nói trên do lực lượng Hashid Watani - được xây dựng chủ yếu từ cựu cảnh sát Iraq và người tình nguyện ở Mosul - sử dụng.

Ban đầu, nó được lập ra bởi cựu Tỉnh trưởng Nineveh Atheel al-Nujaifi, người có quan hệ thân cận với Thổ Nhĩ Kỳ. Trước vụ triển khai quân mới đây, một số quan chức Thổ Nhĩ Kỳ làm nhiệm vụ huấn luyện đã có mặt tại đây.

Mosul là thành phố lớn thứ 2 Iraq với hơn 1 triệu dân và bị IS chiếm đóng từ tháng 6/2014. Cuộc phản công của lực lượng vũ trang Iraq đã bị trì hoãn nhiều lần bởi họ còn vướng phải các cuộc xung đột ở nơi khác.

Ankara nói rằng các binh sĩ của họ chỉ có mặt ở Iraq để "bảo đảm sự an toàn cho các chuyên gia huấn luyện người Thổ Nhĩ Kỳ".

Hành động này đã khiến Baghdad nổi giận. Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi hôm 6/12 đe dọa sẽ yêu cầu Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc can thiệp.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu khẳng định điều ngược lại và nói rằng ông Abadi nhiều lần yêu cầu Ankara hỗ trợ tích cực hơn nhằm chống lại IS.

Ông Cavusoglu cam đoan mình "không dựng chuyện" và tin rằng "có các quốc gia khác gây ảnh hưởng tới phản ứng của Iraq".

"Nghĩa vụ của chúng tôi là phải bảo đảm an ninh cho các quân nhân đang huấn luyện ở đó (Iraq)," ông nói trong cuộc phỏng vấn với kênh Kanal 24 của Thổ Nhĩ Kỳ.

Cavusoglu bổ sung: "Mọi người đều hiện diện ở Iraq... Mục đích của họ rất rõ ràng, đó là cung cấp hỗ trợ và tư vấn về huấn luyện, trang bị. Sự hiện diện của chúng tôi không phải là điều gì bí mật."

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu.

Reuters cho hay, Thổ Nhĩ Kỳ đang "sốt sắng" thể hiện vai trò trong cuộc chiến chống IS, sau khi vướng vào hàng loạt cáo buộc "đi đêm với khủng bố" - vốn được dấy lên sau vụ không quân nước này bắn hạ Su-24 Nga hôm 24/11.

Washington cũng đã gây thêm áp lực và yêu cầu Ankara hành động tích cực hơn, đặc biệt là tại Syria.

Moscow tố Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cùng gia đình hưởng lợi lớn bởi hoạt động buôn lậu dầu từ khu vực IS kiểm soát tại Iraq và Syria, trong khi Ankara phủ nhận mọi cáo buộc.
 
>> Lén điều quân đến Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ khuấy đảo khu vực
>> Thủ tướng Iraq khẳng định IS tuồn dầu qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ
>> Iraq cho Thổ Nhĩ Kỳ 48 giờ để rút quân khỏi lãnh thổ

Theo Hải Võ (Soha.vn/Trí Thức Trẻ)