Thế giới

Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar tập trận chung giữa lúc vùng Vịnh căng thẳng

Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ngày 1/8 đã tiến hành tập trận chung với sự tham gia của gần 250 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ và 30 xe thiết giáp.

Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ngày 1/8 đã tiến hành tập trận chung với sự tham gia của gần 250 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ và 30 xe thiết giáp.

Truyền thông quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ cho biết khinh hạm TCG Gokova của Thổ Nhĩ Kỳ đã cập bến tại Doha hồi đầu tuần này, chở 214 binh sĩ tham gia cuộc tập trận. Theo kênh truyền hình NTV của Thổ Nhĩ Kỳ, cuộc tập trận đã được tiến hành vào ngày 1/8, mở đầu bằng cuộc tập trận của lực lượng trên bộ và sau đó là hải quân.

tho nhi ky va qatar tap tran chung giua luc vung vinh cang thang hinh 1

Khinh hạm TCG Gokova.

Cuộc tập trận chung với Qatar là một động thái tiếp theo thể hiện sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Qatar trong cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh.

Chỉ ít ngày sau khi nổ ra cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã lên tiếng chỉ trích các đòi hỏi do phía Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập đưa ra đối với Qatar.

Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ vẫn cung cấp lương thực và hàng hóa thiết yếu cho Qatar, đồng thời khẳng định sẽ không đóng cửa một căn cứ quân sự trên đất Qatar như yêu cầu của 4 nước Arab.

Với sự ủng hộ rõ ràng đối với Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ đang tự đặt mình vào vị trí cực kỳ nhạy cảm, bởi nước này cũng không thể dứt bỏ mối quan hệ với quốc gia trụ cột khu vực là Saudi Arabia.

Đây cũng là lý do tháng trước Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan có chuyến thăm tới 3 nước vùng Vịnh là Saudi Arabia, Kuwait và Qatar. Chuyến thăm này cho thấy sự cố gắng của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc tìm cách hòa giải những bất đồng giữa các bên.

Tuy nhiên, những nỗ lực trung gian hòa giải của Thổ Nhĩ Kỳ dường như chưa mang lại kết quả như mong đợi. Các nhà phân tích khu vực cho rằng, trừ khi các bên liên quan tiến hành đối thoại, nếu không thế bế tắc hiện nay sẽ còn kéo dài thêm nhiều tháng nữa.

Nhà phân tích chính trị tại Doha, ông Ali Al-Hail Al-Mahmoud nhận định: “Điểm mấu chốt cho cuộc khủng hoảng hiện nay là đối thoại. Tất cả các nước chỉ có thể giải quyết bất đồng bằng cách ngồi lại với nhau, chứ không phải lại bất cứ biện pháp mạnh nào, ví dụ như một hành động quân sự. Tất nhiên là tôi không nghĩ rằng giải pháp này có thể xảy ra”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Qatar Khalid bin Mohammad Al Attiyah nói rằng, việc các nước đối thoại trực tiếp với nhau là khó có thể xảy ra trong tương lai gần khi các bên vẫn đặt ra những điều kiện để tiến hành đối thoại.

“Kéo dài thế bế tắc hiện nay sẽ làm cho mối quan hệ giữa hai bên ngày càng xấu thêm”, ông Attiyah nêu rõ. “Tương lai của Hội đồng hợp tác vùng Vịnh cũng sẽ bị đặt dấu hỏi nếu các nước vẫn tiếp tục phong tỏa đối với Qatar. Giải pháp cho cuộc khủng hoảng này là đối thoại trực tiếp. Tuy nhiên, hiện nay các nước mới chỉ trao đổi yêu cầu thông qua trung gian Kuwait, và đây là hướng mà mọi thứ sẽ tiếp tục diễn ra”.

Trong bối cảnh các bên hiện vẫn chưa tiến hành các cuộc đàm phán trực tiếp, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hôm qua đã yêu cầu hai quan chức, trong đó có tướng về hưu đồng thời là cựu đặc phái viên về Trung Đông Anthony Zinni và nhà ngoại giao cao cấp Tim Lenderking phối hợp giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa các nước vùng Vịnh với Qatar.

Theo ngoại trưởng Tillerson, việc cử hai quan chức này tới vùng Vịnh có thể giúp duy trì áp lực liên tục trên thực địa đối với các bên, thúc đẩy các bên sớm tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng./.

Theo Thùy Linh (Vov.vn)