Thế giới >> Căng thẳng Nga - Ukraine

Thông điệp của Nga khi sử dụng tên lửa siêu vượt âm ở Ukraine

Nga hôm 19/03 tuyên bố đã sử dụng tên lửa siêu vượt âm có thể mang đầu đạn hạt nhân để tấn công mục tiêu ở miền Tây Ukraine, trong động thái giới chuyên gia cho là một phần của "kế hoạch chiến lược" của Moscow.

Thông điệp của Nga khi sử dụng tên lửa siêu vượt âm ở Ukraine
Máy bay MiG-31 mang theo tên lửa siêu vượt âm Kinzhal (Ảnh: Getty)

Bộ Quốc phòng Nga hôm 19/03 xác nhận lần đầu tiên sử dụng tên lửa siêu vượt âm Kinzhal nhắm mục tiêu vào căn cứ ở vùng Ivano-Frankivsk ở miền Đông Ukraine.

Một ngày sau, Moscow tiếp tục tuyên bố đã khai hỏa Kinzhal nhắm vào kho nhiên liệu gần làng Kostyantynivka ở tỉnh Mykolaiv, phía Tây Nam Ukraine.

Chuyên gia về Nga Rebekah Koffler cho rằng việc Nga tuyên bố sử dụng loại vũ khí này là điều rất đáng chú ý.

"Đó là một nhân tố thay đổi cuộc chơi trong lĩnh vực địa chính trị, không khác trong lĩnh vực quân sự, bởi họ đang muốn gửi đi một thông điệp chiến lược," bà Koffler lưu ý.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết tên lửa Kinzhal, tiếng Nga có nghĩa là "dao găm", được sử dụng để nhắm mục tiêu vào một nhà kho ngầm hôm 19/03.

Tên lửa siêu vượt âm này được phóng từ máy bay chiến đấu MiG-31K, có thể bay với tốc độ gấp 10 lần vận tốc âm thanh, với tầm bắn tối đa khoảng hơn 2.000km. Bên cạnh đó, tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân.

Koffler, một cựu quan chức tình báo của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) cho rằng động thái phóng tên lửa Kinzhal cho thấy ông Putin đang ra tín hiệu với Mỹ và NATO rằng ông sẵn sàng tăng việc sử dụng sức mạnh quân sự của Nga.

"Ông ấy có thể sử dụng loại tên lửa khác, nhưng ông ấy lựa chọn tên lửa siêu vượt âm. Do đó thông điệp chiến lược ở đây là họ có vũ khí đó, chúng ta không có. Nhưng quan trọng hơn, đó là bởi nó có thể mang đầu đạn thông thường hoặc đầu đạn hạt nhân," bà Koffler nhận định.

Koffler cho rằng việc sử dụng tên lửa Kinzhal với đầu đạn thông thường về mặt chiến lược không có lợi ích gì hơn so với các tên lửa hành trình hay tên lửa đạn đạo khác.

"Ông ấy phát đi thông điệp rằng Nga có sức chịu đựng cao với chiến tranh hạt nhân. Nếu Mỹ và phương Tây tiếp tục dồn ép Nga, ông ấy sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài thực hiện điều này," cựu quan chức DIA nói.

Nga vẫn tuân thủ học thuyết răn đe lẫn nhau và ít có khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân trước Mỹ hoặc đồng minh NATO, tuy vậy chưa rõ Mỹ hoặc NATO sẽ phản ứng như thế nào nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine, theo FOX News.

Koffler cho rằng nguy cơ tấn công hạt nhân đã tăng lên, nhưng bà tin Moscow có thể chỉ phóng tên lửa siêu vượt âm để "buộc phương Tây nhượng bộ".

"Răn đe phương Tây không được can thiệp vào vấn đề Ukraine, nếu không ông ấy sẽ vượt qua ranh giới hạt nhân," bà nói thêm.

Lầu Năm Góc chưa bình luận về việc Nga tuyên bố sử dụng tên lửa Kinzhal.

Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/thong-diep-cua-nga-khi-su-dung-ten-lua-sieu-vuot-am-o-ukraine-tintuc815140