Thế giới

Tổng thống Italy bắt đầu chuyến thăm Việt Nam

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Tổng thống nước Cộng hòa Italy Sergio Mattarella bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam từ ngày 5-8/11. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Italy đến Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Tổng thống nước Cộng hòa Italy Sergio Mattarella bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam từ ngày 5-8/11. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Italy đến Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.

Tổng thống Cộng hòa Italy Sergio Mattarella thăm cấp Nhà nước Việt Nam từ ngày 6 - 8/11. Ảnh: TTXVN phát

Tổng thống Italy Sergio Mattarella sinh ngày 23/7/1941 tại Palermo, một thành phố có lịch sử lâu đời nằm ở miền Nam Italy. Năm 1964, ông tốt nghiệp cử nhân luật tại Đại học Sapienza của Rome. Sau đó, năm 1983, ông Sergio Mattarella bắt đầu tham gia hoạt động chính trị với tư cách đại biểu quốc của Đảng cánh tả Dân chủ công giáo Italy.

Lần lượt trải qua các chức vụ như Bộ trưởng Quan hệ của Quốc hội (1987-1989), Bộ trưởng Bộ Giáo dục (1989-1990), Phó Thủ tướng (1998), Bộ trưởng Quốc phòng (1999-2001), ông Sergio Mattarella chuyển sang làm Thành viên Nghị viện Italy (2001-2006), Thành viên Nghị viện kiêm Thẩm phán Tòa án hiến pháp Italy (2001).

Ngày 31/1, ông Sergio Mattarella được bầu làm Tổng thống Cộng hòa Italy.

Tháp tùng Tổng thống Sergio Mattarella tới Việt Nam lần này có Bộ trưởng Bộ Phát triển kinh tế Italy Federica Guidi; Cố vấn, Chủ nhiệm Văn phòng Thư ký Tổng thống Simone Guerrini; Cố vấn Truyền thông Gianfranco Astori; Cố vấn Ngoại giao Tổng thống Emanuela D’Alessandro; Cố vấn Quốc phòng Tổng thống Roberto Corsini; Cố vấn, người phát ngôn của Tổng thống Giovani Grasso...

Chuyến thăm nhằm mục đích tăng cường quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Italy trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, quốc phòng-an ninh, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ và du lịch; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Italia đầu tư vào Việt Nam; tăng cường hợp tác tại các diễn đàn đa phương, tổ chức quốc tế mà hai nước là thành viên; đồng thời trao đổi các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.

Theo Xuân Vịnh (Báo Tin Tức)