Những bình luận của bà Kim đánh dấu phản ứng chính thức đầu tiên của Triều Tiên kể từ khi chính phủ mới của Hàn Quốc nhậm chức.

Triều Tiên "không quan tâm" đến đàm phán với Hàn Quốc

Triều Tiên "không quan tâm" đến đàm phán với Hàn Quốc bất kể đề xuất nào được đưa ra, bà Kim Yo Jong - Phó trưởng ban Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, em gái của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un - cho biết trong một tuyên bố do Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đăng tải.

"Chúng tôi một lần nữa xin được làm rõ lập trường chính thức rằng: bất kể Seoul thông qua chính sách gì hay đưa ra đề xuất nào, chúng tôi hoàn toàn không quan tâm, không có lý do gì để gặp mặt, và không có vấn đề gì để thảo luận với Hàn Quốc", bà Kim khẳng định.

Trong tuyên bố, bà Kim nhấn mạnh rằng, việc tân Tổng thống Hàn Quốc Lee Jae Myung tái khẳng định liên minh với Mỹ cho thấy quan hệ giữa hai miền Triều Tiên không có cơ hội cải thiện.

Bà Kim cho rằng chính quyền mới của ông Lee sẽ không khác mấy so với chính quyền của người tiền nhiệm Yoon Suk Yeol, đặc biệt là cái mà bà gọi là niềm tin "mù quáng" vào liên minh Seoul-Washington và lập trường đối đầu với Bình Nhưỡng.

Những bình luận của bà Kim đánh dấu phản ứng chính thức đầu tiên của Triều Tiên kể từ khi chính phủ mới của Hàn Quốc nhậm chức vào ngày 4/6 vừa qua sau nhiều tháng bất ổn chính trị liên quan đến tuyên bố thiết quân luật của cựu lãnh đạo Yoon Suk Yeol hồi tháng 12 năm ngoái.

Ông Yoon cho rằng tuyên bố thiết quân luật, mà Quốc hội đã hủy bỏ sau 6 giờ đồng hồ, là cần thiết để chống lại ảnh hưởng của Triều Tiên trong số những người phản đối sự lãnh đạo của ông.

Phản ứng của Hàn Quốc

Trong những bình luận chính thức đầu tiên về quan hệ liên Triều dưới thời ông Lee, Bộ Thống nhất Hàn Quốc ngày 28/7 cho biết Seoul sẽ tiếp tục tìm cách tiếp cận Bình Nhưỡng. Bộ trưởng Thống nhất Chung Dong-young tiết lộ, ông dự định sẽ tư vấn cho Tổng thống Lee điều chỉnh các cuộc tập trận quân sự chung giữa Mỹ và Hàn Quốc.

Người phát ngôn Bộ Thống nhất Koo Byoung-sam lưu ý rằng những bình luận của bà Kim lần này không đặc biệt mang tính thù địch hay chế giễu so với những tuyên bố trước đây của bà về quan hệ liên Triều.

Tuy nhiên, theo ông Koo, điều này cho thấy Bình Nhưỡng đang theo dõi sát sao chính sách của chính quyền ông Lee đối với Triều Tiên, trong khi "bức tường ngờ vực" giữa hai miền Triều Tiên vẫn "rất cao".

Trong nỗ lực xoa dịu căng thẳng, chính quyền mới của Hàn Quốc đã đình chỉ các chương trình phát thanh tuyên truyền dọc theo khu phi quân sự và ngừng việc thả truyền đơn từ khinh khí cầu xuống Triều Tiên - những việc mà bà Kim Yo Jong cho là "đáng lẽ không nên làm ngay từ ban đầu".

Trong nhiệm kỳ tổng thống trước đó, Cựu Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol vốn ủng hộ lập trường cứng rắn chống lại Bình Nhưỡng, được củng cố bởi mối quan hệ quân sự mạnh mẽ giữa Hàn Quốc và Mỹ, bao gồm việc tăng cường các cuộc tập trận chung, đưa các khí tài như tàu ngầm tên lửa đạn đạo và tàu sân bay của Hải quân Mỹ đến thăm các cảng của Hàn Quốc, cũng như tham gia các hoạt động tập trận quân sự ba bên với Nhật Bản.

Năm 2024, Triều Tiên đã hủy bỏ chính sách kéo dài nhằm tìm kiếm sự thống nhất hòa bình và cho phá đường sá, cầu nối giữa hai nước khi quan hệ trở nên xấu đi.

Để đáp trả vụ phá hoại cầu đường hồi tháng 10, quân đội Hàn Quốc đã nổ súng trong khu vực phía nam đường phân định quân sự, đồng thời tuyên bố đang duy trì "tư thế sẵn sàng chiến đấu hoàn toàn dưới sự hợp tác với Mỹ".

Tuy nhiên, ông Koo cho biết chính phủ mới của Hàn Quốc sẽ ít phản ứng hơn.

"Chính phủ [Hàn Quốc] sẽ kiên trì nỗ lực xây dựng mối quan hệ hòa giải và hợp tác liên Triều, đồng thời hiện thực hóa khả năng chung sống hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên mà không nhạy cảm với phản ứng của Triều Tiên", ông Koo nói.

(Theo CNN, Japan Times)

Theo Thi Anh (Nguoiduatin.vn)