Thế giới >> COVID-19 (nCoV)

Vì sao có những người chưa từng nhiễm Covid-19?

Khi Vanessa Bryant không mắc Covid-19 dù gia đình của cô hầu như ai cũng nhiễm bệnh, cô cảm thấy may mắn, nhưng không thực sự bất ngờ.

“Là một nhà miễn dịch học, tôi biết tôi có chút may mắn,” Bryant, người đứng đầu Phòng thí Nghiệm Nghiên cứu Miễn dịch Di truyền tại Viện Nghiên cứu Y khoa Walter và Eliza nói.

"Chúng tôi đùa rằng tôi bất tử, nhưng tất nhiên điều đó không đúng chút nào,” Bryant nói thêm.

Bryant cho biết ở thời điểm các thành viên trong gia đình cô nhiễm Covid-19, cô đã tiêm liều bổ sung được 10 tuần. Cả gia đình cô luôn tìm cách thận trọng, tránh khả năng nhiễm bệnh.

Tuy vậy, những gì cô trải qua không phải là hiếm gặp. Có những người không được bảo vệ tốt như Bryant, thậm chí không tiêm vaccine, vẫn chưa từng nhiễm Covid-19. Giới khoa học muốn tìm câu trả lời  về vấn đề này.

"Điều chúng tôi thực sự quan tâm là, nếu người ta từng tiếp xúc với mầm bệnh và không có triệu chứng hoặc xét nghiệm không dương tính, hệ miễn dịch của họ có điều gì đặc biệt?,” Bryant đặt câu hỏi.

Bryant là một thành viên của nhóm nghiên cứu Australia đang điều tra Covid-19 lây lan trong các hộ gia đình như thế nào, và vì sao một số người, chẳng hạn như bản thân cô, vẫn chưa từng dương tính.

Chúng ta có thể có thêm nhiều kiến thức từ những người kháng virus về di truyền học và về miễn dịch học,” Bryant nói.

“Rõ ràng, điều đó sẽ có những tác động tới kiến thức về các vấn đề quan trọng cần thiết trong việc bảo vệ con người trước Covid-19. Ngoài ra, nó sẽ chỉ rõ những mục tiêu điều trị cần thiết cho những bệnh nhân khác,” Bryant bổ sung.

Vì sao có những người chưa từng nhiễm Covid-19?
Ảnh minh họa

Trong giai đoạn đầu đại dịch, giới khoa học tập trung tìm hiểu những yếu tố khiến con người dễ mắc Covid-19 nặng mà tới nay chúng ta đều đã biết rõ như tuổi già, bệnh nền hay béo phì. Hiện nay, các nhà khoa học lại tập trung vào một câu hỏi khác: Vì sao có những người dường như chưa bao giờ nhiễm bệnh?

“Hệ miễn dịch của con người khác nhau đôi chút. Một số người có thể tạo ra phản ứng miễn dịch với kháng thể mạnh hơn… chúng tôi thực sự cho rằng điều này liên quan tới di truyền học,” Bryant nêu ý kiến.

Ngoài ra, tiêm chủng là biện pháp phòng ngừa Covid-19 quan trọng, được coi là cách tốt nhất bảo vệ con người trước khả năng nhiễm bệnh.

“Nếu các bạn mới tiêm chủng và mới tiêm bổ sung, các bạn sẽ có bảo vệ miễn dịch tốt nhất. Đó là lúc các kháng thể bảo vệ xuất hiện rất nhiều trong cơ thể bạn… chúng có thể bao vây và vô hiệu hóa virus trước khi chúng xâm nhập vào các tế bào,” Bryant giải thích.

Tuy vậy, hiệu quả của vaccine ngừa Covid-19 giảm dần theo thời gian, đặc biệt về khả năng bảo vệ con người khỏi nhiễm bệnh và có triệu chứng. Tốc độ giảm hiệu quả phụ thuộc vào từng loại vaccine, chủng virus SARS-CoV-2 cũng như bản thân người được tiêm.

“Chúng ta có thể nói vaccine giảm hiệu quả như thế nào ở cấp độ cộng đồng, nhưng khi xem xét kỹ hơn ở cấp độ cá nhân, khác biệt là thực sự lớn,” Bryant cho biết.

Khi xem xét lý do vì sao ai đó chưa từng dương tính với Covid-19, điều quan trọng khác là tính tới khả năng họ nhiễm bệnh như thế nào. Nhà miễn dịch học Stuart Tangye cho rằng khoảng thời gian, vị trí tiếp xúc với mầm bệnh cũng như lượng virus tiếp xúc đều rất quan trọng.

“Một nhân tố môi trường quan trọng làm giảm lây nhiễm từ người sang người là ở ngoài trời. Các yếu tố quan trọng khác là vệ sinh, đeo khẩu trang và giãn cách xã hội,” Tangye nói thêm.

Bên cạnh đó, giáo sư Tangye cũng cho rằng nhiều người có thể đã nhiễm Covid-19 mà không hề hay biết.

“Khi chúng ta bắt đầu xét nghiệm PCR, hầu như chỉ người có triệu chứng được xét nghiệm… nên chúng ta có thể đã bỏ sót nhiều người không có triệu chứng. Tôi cũng tin rằng Australia đã bỏ sót nhiều ca nhiễm hồi tháng 12/2021 và tháng 01 vừa qua, khi có vấn đề cung - cầu về kit xét nghiệm,” Tangye giải thích thêm.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học phát hiện ra rằng những người có lượng lớn tế bào T nhớ từ những lần nhiễm virus corona trước đây, chẳng hạn chủng virus corona gây ra cảm cúm thông thường, khó nhiễm SARS-CoV-2 hơn. Tuy vậy, hiện không rõ vì sao một số người vẫn duy trì được miễn dịch chéo như vậy, nhưng nhiều người khác lại không.

Ngoài những yếu tố môi trường và miễn dịch tạo ra bởi tiêm chủng hoặc từng mắc bệnh, các chuyên gia cho rằng một số người có thể kháng Covid-19 tốt hơn nhờ các yếu tố di truyền học và miễn dịch học.

Hồi đầu năm 2022, các nhà khoa học Anh cho 36 người trẻ, khỏe mạnh chưa từng được tiêm vaccine hoặc mắc Covid-19 tiếp xúc với virus SARS-CoV-2. Theo báo cáo ban đầu, chỉ có khoảng một nửa tình nguyện viên thực sự nhiễm virus (tức là đã trải qua hai lần xét nghiệm PCR liên tiếp cho kết quả dương tính).

Trong số những người không mắc bệnh, có khoảng một nửa cho kết quả dương tính với lượng virus thấp, cho thấy dường như hệ miễn dịch của họ đã khống chế virus rất nhanh.

“Có thể có một số người như vậy. Họ có phản ứng miễn dịch rất mạnh, đủ để khống chế virus lây lan, không để nó gây bệnh,” Tangye cho hay.

Tangye cũng cho biết có thể có một nhóm nhỏ hơn những người hoàn toàn kháng virus SARS-CoV-2 nhờ các yếu tố về gene.

“Sẽ có những người ít khi nhiễm virus, bởi bộ gene của họ khác biệt, chẳng hạn các gene quan trọng với quá trình virus xâm nhập tế bào, Tangye nói thêm”, đồng thời cho biết việc con người có thể kháng bệnh nhờ các yếu tố di truyền đã có tiền lệ. 

“Chẳng hạn, có một số rất ít người kháng virus HIV nhờ các yếu tố di truyền. Họ có những đột biến xảy ra tự nhiên trên một gene nào đó, khiến virus không thể xâm nhập tế bào T của họ,” Tangye giải thích.

Tangye cho rằng hiện tượng như vậy hiếm khi xảy ra, tuy vậy các nhà khoa học vẫn hy vọng quá trình xác định những biến đổi gene quan trọng ở người kháng virus SARS-CoV-2 sẽ giúp sản xuất các loại thuốc điều trị hiệu quả hơn.

Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)

 




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/vi-sao-co-nhung-nguoi-chua-tung-nhiem-covid-19-tintuc818624