Xung đột ở Ukraine, căng thẳng ở Trung Đông đang khiến tên lửa đánh chặn Patriot PAC-3 trở thành một trong những thiết bị quân sự đặc biệt được săn đón trên toàn cầu.

Hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất là một trong số ít hệ thống trên thế giới có khả năng chống lại tên lửa đạn đạo, loại vũ khí Nga thường xuyên phóng vào Ukraine cũng như Israel và Iran đã phóng vào lãnh thổ của nhau trong tháng 6.

Theo tờ New York Times, tính đến năm 2025, Ukraine đã nhận được 8 hệ thống Patriot. Con số này chỉ đủ để bảo vệ một số khu vực hạn chế. Trong khi đó, nhu cầu sở hữu Patriot cũng đang gia tăng trên toàn cầu khiến nguồn cung tên lửa đánh chặn này cho Ukraine càng trở nên khan hiếm. 

patriot ukraine nga.jpg
Hệ thống phòng không Patriot khai hỏa. Ảnh: Quân đội Mỹ 

Tên lửa đạn đạo khó đánh chặn, và sự độc đáo của Patriot

Không giống như tên lửa hành trình sử dụng động cơ phản lực và bay theo quỹ đạo tương đối phẳng, tên lửa đạn đạo được phóng bằng tên lửa đẩy và bay lên cao trong khí quyển trước khi quay trở lại mục tiêu.

Lợi thế của tên lửa đạn đạo là tốc độ cực cao, đôi khi lên tới hơn 3.200 km/h khi tiếp cận mục tiêu. Do đó, chúng cực kỳ khó bị đánh chặn. Điều này đồng nghĩa khi Ukraine càng có ít tên lửa đánh chặn, tên lửa đạn đạo của Nga càng phát huy sức mạnh tấn công. 

Trong khi đó, Lockheed Martin, nhà sản xuất tên lửa cho hệ thống phòng thủ Patriot, đã ca ngợi Patriot PAC-3 là "tên lửa phòng không tiên tiến nhất thế giới".

Thông thường, một tổ hợp Patriot được trang bị nhiều loại tên lửa có khả năng đánh chặn cả tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và máy bay.

Sự khác biệt giữa PAC-2 và PAC-3

PAC-2 GEM-T là một trong những tên lửa đánh chặn thế hệ cũ của hệ thống Patriot, với tầm bắn 160km. Tên lửa được tối ưu hóa để tấn công máy bay và tên lửa hành trình. PAC-2 GEM-T sử dụng đầu đạn nổ phân mảnh, phát nổ gần mục tiêu thay vì tấn công trực tiếp.

Đối với những mối đe dọa tiên tiến hơn như tên lửa đạn đạo, hệ thống Patriot sử dụng tên lửa đánh chặn PAC-3. Khác với PAC-2, PAC-3 sử dụng công nghệ "va chạm để tiêu diệt", phá hủy đầu đạn đang bay tới thông qua tiếp xúc trực tiếp thay vì dựa vào vụ nổ phân mảnh.

Mặc dù tầm bắn của PAC-3 ngắn hơn và thường đạt khoảng 35 - 50km, nhưng tên lửa này có độ chính xác cao hơn và được thiết kế riêng để đối phó với các mối đe dọa đạn đạo tốc độ cao. 

Phiên bản tiên tiến nhất đang được sử dụng là PAC-3 MSE. Tên lửa này có thể đạt độ cao và tầm bắn xa hơn so với PAC-3 tiêu chuẩn, giúp tăng cường hiệu quả chống lại các tên lửa đạn đạo hiện đại như Iskander và Kinzhal của Nga hay KN-23 của Triều Tiên.

"Đây là loại vũ khí đã được chứng minh cực kỳ hiệu quả đối với chúng tôi. Đó là lý do tại sao Ukraine sẵn sàng mua, thuê hoặc đơn giản là xin hỗ trợ, bởi chúng tôi coi đó là vấn đề an ninh quốc gia", Dmytro Zhmailo, chuyên gia quân sự kiêm giám đốc điều hành Trung tâm an ninh và hợp tác Ukraine chia sẻ với tờ Kyiv Independent.

nga tan cong ukraine 8.jpg
Hiện trường một vụ tấn công của Nga vào Lviv, Ukraine. Ảnh: Cơ quan Tình trạng khẩn cấp Ukraine

Vì sao khan hiếm?

Washington được cho đã phản ứng chậm chạp trong việc bổ sung tên lửa Patriot cho Ukraine, trong bối cảnh Nga gia tăng tấn công.

Đầu tháng 7, một số chuyến hàng mang theo tên lửa Patriot đang trên đường đến Ukraine đã bị tạm dừng trong thời gian ngắn, sau quyết định của Lầu Năm Góc.

Sau các cuộc đàm phán kéo dài giữa Ukraine và Mỹ, Tổng thống Donald Trump được cho đã đồng ý cung cấp cho Kiev 10 tên lửa đánh chặn Patriot. Mỗi tên lửa ước tính có giá khoảng 4 triệu USD.

Song, theo chuyên gia quốc phòng Andrii Kharuk, 10 tên lửa Patriot chỉ như "muối bỏ bể" so với những gì Ukraine thực sự cần để phòng thủ trước các cuộc không kích của Nga. Bởi theo ông, "việc nhắm vào các mục tiêu đạn đạo thường đòi hỏi phải phóng 2 tên lửa đánh chặn cùng một lúc để bắn hạ chúng một cách chính xác".

Ông Kharuk dẫn chứng, vào ngày 9/7, Nga đã phóng 6 tên lửa đạn đạo Kinzhal vào Ukraine. Điều này có thể đòi hỏi phải sử dụng tới 12 tên lửa đánh chặn trong một cuộc tấn công duy nhất. Do đó, suốt nhiều tháng qua, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã kêu gọi các đối tác quốc tế cung cấp thêm hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine. Ông cũng nhấn mạnh, Ukraine sẵn sàng thuê các hệ thống Patriot và sản xuất tên lửa trong nước nếu Mỹ cấp phép.

Tuy nhiên, việc mua sắm Patriot đang diễn ra với tốc độ chậm chạp. Bởi các quốc gia đối tác không muốn gửi cho Ukraine hệ thống phòng không vốn chỉ có số lượng hạn chế, trong khi việc tăng cường sản xuất cả hệ thống và tên lửa đòi hỏi nhiều thời gian và đầu tư tài chính. 

Frank Ledwidge, chuyên gia về năng lực và chiến lược quân sự tại Đại học Portsmouth ở Anh, cho biết Ukraine đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhà cung cấp tên lửa và hệ thống phòng không Patriot, do tình trạng thiếu hụt ngân sách sản xuất vũ khí ở các nước phương Tây trong nhiều thập kỷ.

Theo tờ Guardian, Mỹ hiện chỉ còn khoảng 25% số tên lửa đánh chặn Patriot cần thiết để đáp ứng các kế hoạch của Lầu Năm Góc, bởi nhiều tên lửa đã được sử dụng trong các cuộc giao tranh ở Trung Đông gần đây.

Mặc dù, Mỹ sản xuất khoảng 600 tên lửa mỗi năm, nhưng như Iran được cho có kho dự trữ lên tới hơn 1.000 tên lửa đạn đạo.

Theo ông Ledwidge, tốc độ chậm chạp trong việc chuyển giao thiết bị phòng không của Mỹ cho Ukraine dưới thời ông Trump có thể không mang động cơ chính trị, bởi Washington có thể đang phải đối mặt với những hạn chế về nguồn lực của chính mình. Cũng theo ông, Mỹ “sẽ coi việc cung cấp vũ khí cho Ukraine là mạo hiểm với tương lai của chính họ”, vì Washington còn phải quan tâm tới khu vực Tây Thái Bình Dương và Trung Đông. 

Theo Minh Thu (VietNamNet)