Thế giới

Vũ khí "không thể ngăn chặn" trong vụ khủng bố London

Các phần tử khủng bố biến phương tiện, công cụ bình thường làm vũ khí gây án khiến việc ngăn chặn trở nên bất khả thi. 

Các phần tử khủng bố biến phương tiện, công cụ bình thường làm vũ khí gây án khiến việc ngăn chặn trở nên bất khả thi. 

vu-khi-khong-the-ngan-chan-trong-vu-khung-bo-london
 

"Các tổ chức khủng bố đã khuyến khích sử dụng những vật dụng dễ tiếp cận như xe và dao. Chúng biết rằng có thể gây ra bạo lực kinh hoàng và khiến toàn thế giới chấn động chỉ bằng các vật dụng không tinh vi", Brian Dillon, cựu giám đốc bộ phận Phản ứng Vũ trang của cảnh sát London, nói với NBC News.

Các vụ việc tương tự đã xảy ra trong năm qua ở Nice, Berlin, Stockholm và trên cầu Westminster ở London. Dù biết nguy cơ bị các phần tử cực đoan tấn công khủng bố là rất lớn, giới chức Anh nói riêng và châu Âu nói chung rất khó phát hiện và ngăn chặn âm mưu gây án, bởi các nghi phạm không dùng những vũ khí dễ bị phát hiện như bom hay súng.

Diễn biến vụ khủng bố cầu London

"Không thể ngăn chặn được việc những kẻ cực đoan thuê một chiếc xe và rủ rê vài người bạn có cùng quan điểm thực hiện cuộc tấn công", Shiraz Maher, nhà nghiên cứu cấp cao tại Kings College, viết.

Theo chuyên gia phân tích Anbani Duncan Gardham, các cuộc tấn công như vậy thường xảy ra liên tiếp. Chúng có thể không liên quan đến nhau nhưng nhìn chung đều được khơi cảm hứng từ các tổ chức khủng bố khét tiếng thế giới như al-Qaeda hoặc nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). IS đặc biệt chú trọng tìm kiếm những "con sói đơn độc" có thể sử dụng mọi công cụ hoặc vũ khí có trong tay để tấn công.

"Một cuộc tấn công khủng bố thường dẫn đến những vụ tấn công khác vì chúng thúc đẩy các cá nhân khác làm theo", ông nói.

Hiện trường vụ khủng bố Anh

Nick Heras, chuyên gia tại Chương trình An ninh Trung Đông thuộc Trung tâm An ninh Mỹ Mới, nói rằng kiểu tấn công này nhằm khiến người Hồi giáo cảm thấy bị cô lập trong xã hội phương Tây.

Heras giải thích khủng bố muốn truyền thông điệp rằng các lời xúi giục phần tử Hồi giáo cực đoan của chúng có hiệu quả và xã hội phương Tây không thể nào ngăn chặn được chúng.

Heras mô tả nó là phong cách "có gì dùng nấy", khi IS không cần phải sử dụng tay sai được đào tạo tốt hoặc tốn kém chi phí vũ khí cho các vụ tấn công trong lòng xã hội phương Tây. Chúng chỉ cần truyền lời rao giảng đến những người nhập cư thế hệ thứ hai hoặc thứ ba – những người bị tiêm nhiễm ý tưởng rằng họ không thật sự thuộc về các quốc gia đang sinh sống.

Heras cảnh báo rằng khủng bố muốn dùng những cuộc tấn công này để khiến chính quyền đưa ra phản ứng quyết liệt, có nguy cơ làm suy yếu mối quan hệ giữa cộng đồng Hồi giáo với phần còn lại của xã hội.

"Chúng không đe dọa phá hoại toàn bộ xã hội. Chúng đe doạ làm xói mòn tinh thần hợp tác, đa văn hóa và tinh thần hòa bình của thế giới văn minh", ông nói.

Theo Phương Vũ (VnExpress.net)