Thế giới

Xin về quê thăm bà ốm, cô gái bị công ty bắt chứng minh nhân thân

Một công ty về mạng Internet ở Trung Quốc đang nhận về vô số những chỉ trích từ cư dân mạng sau khi nơi này yêu cầu một nhân viên cung cấp giấy tờ làm bằng chứng rằng cô là cháu của người bà ngoại đang ốm nắng mà cô xin về thăm.

Xin về quê thăm bà ốm, cô gái bị công ty bắt chứng minh nhân thân
Một phụ nữ ở Trung Quốc xin nghỉ làm về thăm bà ốm nặng đã bị "sốc" sau khi phía công ty yêu cầu cung cấp bằng chứng mình là cháu của bệnh nhân. Ảnh: Handout.

Gần đây, cô Trương đến từ thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc bỗng nhận được tin bà ngoại của mình đang ốm nặng sau một cơn xuất huyết não.

Cô Trương ngay lập tức đặt một chuyến bay về nhà đồng thời nộp đơn xin nghỉ phép gửi đến công ty Công nghệ Internet Hàng Châu Jiajie, nơi cô đang làm việc.

“Lúc đó, trưởng nhóm bảo tôi cung cấp tài liệu chẩn đoán sức khỏe của bà tôi,” cô Trương nói. “Khi đã gửi cho họ đầy đủ hồ sơ cần thiết, phía công ty lại tiếp tục đòi tôi gửi thêm giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân giữa tôi và bà. Lúc này tôi đang ở sân bay rồi nên cảm thấy rất bức xúc và lo lắng.", cô Trương nói.

Bộ phận nhân sự của công ty yêu cầu cô gửi thêm bản sao thẻ căn cước cùng sổ hộ khẩu để chứng minh cô và bà cùng quan hệ huyết thống. "Chỉ với tài liệu chẩn đoán bệnh viện của một bệnh nhân 75 tuổi, tôi không thể suy luận rằng bà ấy là bà của bạn.", nhân viên nhân sự nói với cô Trương. “Không phải là chúng tôi không tin bạn. Mà vì tin bạn nên chúng tôi cần có thêm một vài bằng chứng nữa”. Nhân viên nhân sự tiếp tục.

Tuy nhiên từ khi chuyển đến Hàng Châu, hộ khẩu của cô Trương đã không còn ở quê Giao Hà (Cát Lâm) nữa do đó cô và bà không cùng chung hộ khẩu. Chính vì vậy khi đưa thêm giấy tờ của mình cho phía công ty, nhân viên nhân sự vẫn từ chối yêu cầu của cô vì không có tên người bà trong bìa hộ khẩu.

Xin về quê thăm bà ốm, cô gái bị công ty bắt chứng minh nhân thân - 1
Ảnh chụp màn hình của bài đăng trên mạng xã hội của cô Trương kể chi tiết về câu chuyện của mình. Quá sốc trước yêu cầu liên tục của công ty đòi hỏi các bằng chứng, cô Trương đã xin từ chức. Ảnh: Handout

Bộ phận nhân sự sau đó tiếp tục cảnh báo cô Trương rằng: "Nếu bất kỳ ai xin nghỉ phép với lý do không chính đáng, người đó sẽ bị kỉ luật trước toàn công ty". Bức xúc vì cách hành xử thiếu công bằng của công ty cũng như việc không có cách nào có thể chứng minh mình là cháu của bà ngoại, cô Trương đã xin nghỉ việc. Tuy nhiên, phía công ty vẫn chưa có bất cứ động thái nào về đơn xin nghỉ việc của cô.

Sau khi đăng tải câu chuyện của mình lên mạng xã hội, bài viết của cô Trương đã thu hút hơn 6 triệu người xem với rất nhiều bình luận chia sẻ ở phía dưới.

“Công ty quá vô nhân đạo. Tôi nghĩ nó có ý định buộc người phụ nữ phải nghỉ việc ”, một người dùng viết.

Nhưng một số người khác lại đứng về phía nhân sự của công ty. “Từ câu chuyện của họ, rất có thể trước đó đã có nhiều đồng nghiệp của cô này nghỉ việc không rõ lý do. Vì vậy, công ty mới cần kiểm tra kỹ yêu cầu của cô ấy.”, ý kiến khác cho biết.

Không hiếm những câu chuyện về người dân Trung Quốc gặp phải những tình huống khó xử tương tự khi họ được yêu cầu cung cấp giấy tờ chứng minh mối quan hệ với cha mẹ hoặc những người thân khác của họ.

Hai năm trước, một người đàn ông sống ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, miền đông bắc Trung Quốc, đã lên mạng  than vãn rằng anh ta đã mất rất nhiều ngày đi liên hệ với các cơ quan chức năng nhưng không nhận được bất kỳ giấy tờ nào chứng minh mẹ anh ta là mẹ ruột, tờ Modern Evening Times đưa tin.

Người đàn ông này cho biết anh ta được một ngân hàng yêu cầu xuất trình giấy tờ chứng minh mối quan hệ này khi cần rút tiền của mẹ mình sau khi bà đã qua đời.

Người đàn ông cho biết mẹ anh đã ly hôn với cha anh hơn ba thập kỷ trước. Anh và em gái được cha nuôi dưỡng. Người mẹ sau đó tái hôn nhưng cuộc hôn nhân này cũng không kéo dài và hai người tiếp tục chia tay.

Bệnh viện, nơi anh này sinh ra, cho biết họ không thể cung cấp giấy khai sinh của người đàn ông vì anh ta sinh ra cách đây hơn 30 năm trong khi hồ sơ chỉ ghi cách đây ba thập kỷ.

Sau khi câu chuyện của người đàn ông được chia sẻ và gây rất nhiều chú ý trên truyền thông, cơ quan công chứng địa phương đã cử bốn nhân viên đến điều tra. Cuối cùng cơ quan chức năng cũng đã ra văn bản xác nhận anh và người mẹ đã mất là cùng huyết thống.

QT (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/xin-ve-que-tham-ba-om-co-gai-bi-cong-ty-bat-chung-minh-nhan-than-tintuc834744