Xã hội

Chuyên gia: Số ca Covid-19 mỗi ngày ở TP.HCM chỉ bằng 1/6 Singapore, không nên hoang mang!

Theo PGS Đỗ Văn Dũng, việc tiêm vắc xin rồi vẫn mắc Covid-19 là bình thường. Hiệu lực của vắc xin vẫn đạt 90%.

Từ số liệu 86% F0 điều trị tại tầng 2 đã tiêm 1 hoặc 2 mũi vắc xin do Sở Y tế TP HCM cung cấp, PGS Đỗ Văn Dũng – Trưởng Khoa Y tế công cộng trường Đại học Y dược TP.HCM cho biết, việc tiêm vắc xin vẫn mắc Covid-19 là bình thường. Không riêng gì bệnh Covid-19, các bệnh khác như sởi, thuỷ đậu ở trẻ nhỏ, tiêm vắc xin rồi vẫn có thể bị mắc nhưng hiệu lực vắc xin vẫn là 90%. Người dân không nên quá hoang mang với các thông tin này bởi vì các lý do:

Thứ nhất, tỷ lệ người tiêm vắc xin càng nhiều thì tỷ lệ người vào bệnh viện đã tiêm vắc xin sẽ tăng lên.

Thứ hai, tiêm vắc xin không giảm khả năng ca mắc nhưng giảm khả năng lây lan, giảm khả năng trở nặng, tử vong giúp giảm tải cho ngành y tế. Vì vậy, khi tiêm chủng sẽ còn số ca mắc nhưng cần phải xác định rõ, sau tiêm vắc xin, người bệnh sẽ có triệu chứng nhẹ hơn.

Chuyên gia: Số ca Covid-19 mỗi ngày ở TP.HCM chỉ bằng 1/6 Singapore, không nên hoang mang!
Bệnh nhân covid-19 tại TP.HCM.

Theo PGS Dũng, hiện nay, TP.HCM có số ca mắc cao nhưng tương đương với Pháp – quốc gia được xem là kiểm soát dịch bởi vắc xin tốt nhất. So với Singapore thì số ca mắc ở TP.HCM chỉ bằng 1/6 của quốc gia này. Singapore có số dân ít hơn TP.HCM nhưng mỗi ngày vẫn 4000 – 5000 ca mắc, TP.HCM chỉ có vài trăm ca.

Vì vậy, quan trọng không phải số ca mắc mà chúng ta đã kiểm soát được tình hình. Người dân không nên vì số ca mắc bệnh vào viện là 86 % đã tiêm vắc xin mà hoang mang.

Từ đợt dịch lần thứ tư ở TP.HCM, PGS Dũng cho rằng hai bài học quan trọng cần rút ra.

Thứ nhất là chúng ta phải cảnh giác với quá tải y tế và phải có chiến lược phù hợp khi đã xảy ra quá tải. Không thể đem những biện pháp dự phòng khi số ca mắc còn ít để áp dụng cho tình huống số ca mắc rất lớn; không thể áp dụng mô hình điều trị cho bệnh nhân Covid số 91 cho tất cả các bệnh nhân khi bị quá tải về điều trị.

Thứ hai, khi nguồn lực y tế có hạn nhưng phải cân đối hoạt động phòng bệnh và điều trị để đạt được mục tiêu là cứu được nhiều sinh mạng nhất. Nếu máy móc chạy theo các chỉ tiêu mà không chuyển trọng tâm vào điều trị kịp thời có thể gây tổn thất.

Từ bài học của TP.HCM, PGS Dũng cũng đưa ra giải pháp cho các tỉnh đang có số ca mắc cao như ở miền Tây Nam bộ. Theo ông, các địa phương nên tạo điều kiện để phát hiện sớm người mắc bệnh nhưng không xét nghiệm mở rộng mà nên làm xét nghiệm người có triệu chứng.

Cần điều trị theo dõi tại nhà kịp thời bởi vì bệnh nhân Covid-19 khi bị bệnh không được chăm sóc sẽ lo lắng tự đi đến các cơ sở y tế điều trị thì làm tăng nguy cơ lây lan dịch.

PGS Dũng cho biết việc theo dõi điều trị tại nhà có thể triển khai sử dụng thuốc Molnupiravir. Thuốc này đã được các nước sử dụng và đã được chứng minh không chỉ làm giảm nhẹ triệu chứng ở người bệnh mà làm giảm tải lượng virus của F0. Nếu tải lượng virus giảm thì nguy cơ phát tán virus ra môi trường giảm, giảm khả năng lây lan cho những người xung quanh.

Các tỉnh có số ca mắc cao như Bạc Liêu, Tiền Giang, Kiên Giang… cần các giải pháp can thiệp không dùng thuốc như hạn chế đi lại, phong toả nhỏ, đóng cửa nơi đông người, không cho tụ tập tại gia đình, đóng cửa trường học và nơi làm việc… Đây là các biện pháp chống dịch cổ điển nhưng có tác dụng nhanh, số ca mắc ghi nhận có thể giảm sau 10 ngày.

Theo Ngọc Anh (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)




https://doanhnghieptiepthi.vn/chuyen-gia-so-ca-covid-19-moi-ngay-o-tp-hcm-chi-bang-1-6-singapore-khong-nen-hoang-mang-16121061119373329.htm