Xã hội >> COVID-19 (nCoV)

Đồng Nai tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội thêm 15 ngày để phòng chống dịch Covid-19

UBND tỉnh Đồng Nai vừa ban hành văn bản quyết định tiếp tục áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg trên phạm vi toàn tỉnh để tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, thời gian áp dụng trong 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 2-8 theo nguyên tắc người cách ly người, gia đình cách ly gia đình, ấp cách ly ấp, xã/phường cách ly với xã/phường, huyện/thành phố cách ly với huyện thành/phố.

UBND các cấp tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện triệt để các quy định về giãn cách, quy định về phòng chống dịch, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Nơi nào để xảy ra tình trạng tụ tập, vi phạm giãn cách xã hội với bất kỳ lý do nào đều bị xử lý nghiêm khắc trách nhiệm người đứng đầu và những người liên quan đến địa phương đó.

Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đối với tất các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh theo 3 phương án là: 3 tại chỗ, 1 cung đường 2 địa điểm, linh động cả 2 phương án trên. Thời gian thực hiện 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 2-8. Yêu cầu người dân thực hiện nghiêm khuyến cáo không ra đường từ 18 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau, thời gian áp dụng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 2-8.

Trước đó, vào ngày 9-7, UBND tỉnh Đồng Nai đã quyết định áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trong 14 ngày để phòng chống dịch Covid-19. Thế nhưng thời gian qua, các bệnh nhân mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh vẫn liên tục tăng. Tính đến nay, trong đợt dịch thứ 4 này, Đồng Nai có khoảng hơn 4.000 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó TP Biên Hòa nhiều nhất với hơn 2.000 trường hợp.

Đồng Nai tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội thêm 15 ngày để phòng chống dịch Covid-19
TP Biên Hòa vắng lặng sau 18h tại bùng binh Bửu Long đêm 28/7 khi người dân được yêu cầu không ra đường

UBND Đồng Tháp cũng kéo dài thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên toàn tỉnh thêm 14 ngày, kéo dài đến 15/8.

Quyết định được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 chưa giảm, nguy cơ tiềm ẩn mầm bệnh trong cộng đồng vẫn còn cao. Dự báo chợ dân sinh, doanh nghiệp có nhiều lao động là các nơi có nguy cơ mắc cao.

Tổng số ca của tỉnh trong đợt dịch thứ 4 tính đến ngày 31/7 là 2.984 ca. Riêng trong 17 ngày giãn cách xã hội vừa qua tỉnh ghi nhận 2.306 ca, có 333 trường hợp xuất viện, 24 trường hợp tử vong. Các ca nhiễm tập trung tại các thành phố Sa Đéc 894 ca, huyện Cao Lãnh 479 ca, Châu Thành 213, huyện Lai Vung 284 ca.

Toàn tỉnh đã có 110.174 người đã tiêm vaccine ngừa Covid-19, chiếm 6,8% dân số, trong đó tiêm chưa đủ liều 97.237 người, tiêm đủ liều 12.937 người.

Ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp yêu cầu các địa phương tiếp tục kiểm soát, giám sát thật chặt hơn nữa, tuyệt đối không chủ quan, không tự ý điều chỉnh nới lỏng các quy định giãn cách thấp hơn Chỉ thị 16.

Ngoài ra, kiểm soát, giám sát các doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ", tuyệt đối không để công nhân ra vào doanh nghiệp, không đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch. Hiện, toàn tỉnh có 104 doanh nghiệp, hơn 15.000 lao động hoạt động "3 tại chỗ" và 323 doanh nghiệp, hơn 23.000 lao động ngưng hoạt động.

Trung bình mỗi ngày Đồng Tháp tầm soát hơn 10.000 trường hợp bằng phương pháp test nhanh và PCR mẫu gộp. Tổng số máy RT-PCR của tỉnh hiện tại là 5, chuẩn bị trang bị thêm một máy từ nguồn xã hội hóa. Ngoài ra, Trung tâm hồi sức tích cực (ICU) với 75 giường tại Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc đã đi vào hoạt động.

Đồng Tháp phát hiện ca đầu tiên trong làn sóng thứ 4 hôm 31/5, do tiếp xúc với người mắc bệnh ở Long An. Toàn tỉnh đã thực hiện theo Chỉ thị 16 bắt đầu từ 14/7.

Ngọc Trâm (Nguoiduatin.vn)