Xã hội

'Du xuân' trở về, nhiều người Hà Nội bất ngờ trở thành F0

Kể từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, số ca mắc Covid-19 được công bố tại Việt Nam liên tiếp tăng mạnh. Từ hơn 8.500 ca nhiễm trong ngày 3/2, hơn 10 ngày sau, tổng số ca mắc đã vượt mốc 31.000 ngày 15/2.

Xu hướng gia tăng số ca nhiễm này đã được lãnh đạo Bộ Y tế và các chuyên gia dự đoán trước. Trong đó, số ca tử vong không tăng đột biến và duy trì trong khả năng kiểm soát.

Trong ngày 15/2, cả nước có 11 tỉnh, thành phố ghi nhận trên 1.000 ca bệnh mới trong 24 giờ, gồm: Hà Nội (3.972), Hải Dương (1.807), Hải Phòng (1.417), Nam Định (1.354), Thái Nguyên (1.294), Quảng Ninh (1.246), Ninh Bình (1.136), Vĩnh Phúc (1.135), Nghệ An (1.113), Phú Thọ (1.080), Bắc Ninh (1.041).

Hà Nội phát hiện gần 4.000 trong ngày

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 14/2 đến 18h ngày 15/2, trên địa bàn thành phố ghi nhận 3.972 ca bệnh Covid-19. Trong đó, 798 ca bệnh được phát hiện tại cộng đồng và 3.174 ca đã cách ly.

Đây là số ca nhiễm ghi nhận trong ngày cao nhất kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện trên địa bàn thành phố. Trong đó, Hà Nội tiếp tục có số lượng ca nhiễm cao nhất trong ngày với 3.972 ca. Trong tuần qua, trung bình mỗi ngày thành phố này phát hiện thêm 3.163 ca F0.

Trong đó, 3.972 bệnh nhân phân bố tại 487 xã, phường, thị trấn thuộc 30 quận, huyện, thị xã. Các quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như Hoàng Mai (186); Đông Anh (175); Chương Mỹ (155); Bắc Từ Liêm (143); Nam Từ Liêm (141).

Như vậy, cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4, tính từ ngày 29/4/2021 đến nay là 179.217 ca.

Số ca F0 đang được điều trị của Hà Nội khoảng gần 96.000, tăng gần 9.000 ca so với ngày 13/2. Trong đó, hơn 91.500 F0 được điều trị, theo dõi tại nhà, chiếm tỷ lệ 95,3%.

Ngoài ra, có 761 ca đang điều trị tại các cơ sở thu dung thành phố và quận, huyện; 3.273 bệnh nhân điều trị tại các bệnh viện của Hà Nội (tầng 2 và 3); số còn lại (338 bệnh nhân) được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Trong khoảng một tháng qua, Hà Nội là nơi ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 cao nhất cả nước, dao động khoảng 10-15 ca bệnh/ngày.

'Du xuân' trở về, nhiều người Hà Nội bất ngờ trở thành F0
Ảnh Tri Thức Trực Tuyến

Trở thành F0 sau những cuộc gặp đầu xuân

Sau dịp nghỉ Tết, H.N.T.T. (nam, 23 tuổi, sống tại Hai Bà Trưng, Hà Nội) hiện đang là sinh viên Trường đại học Kinh tế Quốc dân bất ngờ phát hiện dương tính SARS-CoV-2, sau khi tự test nhanh vì xuất hiện triệu chứng nghi ngờ.

Trao đổi với Dân trí, T. cho biết, trong dịp Tết, ngoài gia đình, cậu chủ yếu chỉ tiếp xúc với các bạn học cấp 3 và đây cũng có thể là nguồn lây nhiễm.

"Tôi có vài cuộc gặp gỡ với bạn bè ở nhà và cả ngoài hàng quán. Trong số 10 người bạn tôi từng tiếp xúc thì nay đã có 8 người là F0. Tôi bắt đầu có triệu chứng từ ngày mồng 6 Tết, đến hôm sau làm test nhanh cho kết quả dương tính SARS-CoV-2. Một số bạn bè tôi đã xuất hiện triệu chứng từ trước đó vài ngày nên tôi nghĩ có thể đã lây từ họ", T. chia sẻ.

Sau khi phát hiện là F0, T. tự cách ly trong phòng riêng và điều trị tại nhà. Trong 2 ngày đầu tiên, cậu xuất hiện triệu chứng mỏi người và đau đầu nặng nên khá lo lắng. Tuy nhiên, sau khi uống thuốc cảm và toát bớt mồ hôi, T. đỡ mệt hơn hẳn. Đêm hôm sau, T. lại xuất hiện triệu chứng đau họng ngạt mũi nhưng không quá nghiêm trọng. Đến thời điểm hiện tại, T. chỉ còn triệu chứng có đờm. Kết quả test nhanh ngày 14/2 vẫn "2 vạch" nhưng đã mờ.

"Ngày đầu tiên sức khỏe tệ đi rõ rệt nên tôi cũng rất lo vì nghĩ phải trải qua nhiều ngày như vậy. May là chỉ sau 2 ngày đã hết triệu chứng nặng. Tuy nhiên, mắc Covid-19 phải cách ly trong phòng trong khi mọi người đã bắt đầu cuộc sống bình thường mới khiến tôi cảm thấy khá tù túng", T. chia sẻ.

Tương tự, anh L.T., 31 tuổi, sống tại Hà Nội cũng đã bất ngờ phát hiện mắc Covid-19 sau kì nghỉ Tết. Theo lời kể của anh T., năm nay dịch bệnh hoành hành, gia đình anh đã hạn chế đi chơi Tết đáng kể so với mọi năm.

Tuy nhiên, những ngày nghỉ cuối cùng, anh T. có tranh thủ đi chúc Tết, gặp gỡ bạn bè. Người đàn ông này cũng cho rằng, đây chính là nguyên nhân mình bị mắc bệnh.

Sau khi khai báo với trạm y tế phường, anh T. được hướng dẫn cách ly, điều trị tại nhà. Ngày thứ hai bị nhiễm bệnh, anh T. mệt mỏi, ngủ li bì cả ngày.

Ngày đầu tiên đi làm trở lại sau kỳ nghỉ Tết, anh P.V.Đ. (29 tuổi, hiện trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) được test nhanh tại cơ quan và nhận được kết quả "2 vạch". Kết quả xét nghiệm PCR sau đó cũng đã khẳng định anh Đ. mắc Covid-19.

Trước đó, anh Đ. có dấu hiệu mệt mỏi nhưng chỉ nghĩ rằng, nguyên nhân là do thời tiết mưa lạnh của Hà Nội.

Anh Đ. cũng chia sẻ rằng, trong những ngày nghỉ Tết, anh có đi chúc Tết bà con họ hàng, cùng bố mẹ và anh chị em trong gia đình. Ngoài ra, anh Đ. cũng gặp mặt 5 người bạn học.

"Toàn bộ người thân và bạn bè đã tiếp xúc với tôi đều đã âm tính SARS-CoV-2. Việc này giúp tôi bớt đi đáng kể sự lo lắng", anh Đ. nói.

Trong quá trình điều trị Covid-19 tại nhà, anh Đ. chỉ gặp triệu chứng rất nhẹ như ho theo cơn, mệt mỏi và không mất vị giác. Anh Đ. cho rằng, điều này là do bản thân còn trẻ và đã tiêm 3 mũi vaccine Covid-19.

Đến ngày 12/2, anh Đ. đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần một với SARS-CoV-2.

Việc số ca Covid-19 tại Hà Nội tăng cao sau kì nghỉ lễ cũng đã được cơ quan chức năng và các chuyên gia dự đoán từ trước, do đây là dịp nhu cầu đi lại và gặp gỡ của người dân tăng đột biến.

'Du xuân' trở về, nhiều người Hà Nội bất ngờ trở thành F0 - 1
Chiều mùng 4 Tết Nhâm Dần (4/2), Bãi Sau dài khoảng 3 km đông nghịt du khách đến tắm, nghỉ ngơi (Ảnh VnExpress.net)

Tình hình tại các điểm nóng Covid-19

Trong văn bản mới nhất được ban hành, UBND TP Hải Phòng đánh giá tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn sau Tết có chiều hướng tăng, người dân có tình trạng lơ là, chủ quan, khi bị dương tính nhưng không khai báo, tự mua thuốc điều trị nên bệnh càng nặng hoặc tử vong; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số địa phương có phần lơi lỏng.

Trước hình hình trên, lãnh đạo thành phố đề nghị các sở, ban, ngành tích cực tăng cường phối hợp, truyền truyền, nhất là không để người dân tự mua thuốc điều trị tại nhà, ảnh hưởng kết quả điều trị bệnh khi có diễn biến nặng.

Ngoài ra, trước tình hình số ca mắc tăng nhanh, Hải Phòng thành lập Tổ chăm sóc cộng đồng, thí điểm tại các quận, huyện gồm: Lê Chân, An Dương, Hải An, Ngô Quyền. Mỗi quận, huyện 5-7 tổ, mỗi tổ 5-6 người, chủ lực là lực lượng thanh niên để hỗ trợ trạm y tế lưu động và những người bị dương tính.

Trong khoảng nửa tháng nay, TP Hải Phòng liên tiếp là một trong những địa phương có số ca mắc Covid-19 cao nhất cả nước. Trong một tuần qua, thành phố có tổng cộng 9.842 ca mắc, trung bình mỗi ngày tăng 1.406 ca dương tính mới.

Tỉnh Hải Dương cũng sẵn sàng tái hoạt động bệnh viện dã chiến trước tình hình số ca mắc tăng cao.

Theo thông tin từ báo Hải Dương, ngày 15/2, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh đã quyết định tạm thời thành lập cơ sở 2 Bệnh viện Đa khoa tỉnh tại Bệnh viện dã chiến số 3 cũ.

Bệnh viện dã chiến số 3 được thành lập trong đợt dịch thứ 3 của Hải Dương, đặt tại cơ sở 2 của Trường Đại học Sao Đỏ (Chí Linh), được giải thể trước đó từ ngày 7/4/2021. Cơ sở 2 của bệnh viện này được thành lập vào cuối tháng 5/2021.

Hiện tại, cơ sở này có thể tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân Covid-19 của tỉnh khi được huy động.

Trong ngày 15/2, toàn tỉnh Hải Dương có 1.807 ca mắc Covid-19 mới. Trong đó, 1.036 người là F1, 424 trường hợp ho, sốt cộng đồng, 331 trường hợp sàng lọc cộng đồng, 5 người được sàng lọc tại các cơ sở y tế và 11 trường hợp từ các tỉnh khác đến. Trong ngày, toàn tỉnh phát sinh 8 ổ dịch mới.

Số ca nhiễm mới tại tỉnh Thái Bình có chiều hướng tăng nhanh. Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh, từ ngày 1/1 đến 13/2, toàn tỉnh ghi nhận hơn 9.500 ca mắc Covid-19, trong đó hơn 3.000 ca cộng đồng, còn lại là F0 trong khu cách ly, phong tỏa và cơ sở y tế.

Ngành y tế nhận định sau Tết, dịch bệnh diễn biến phức tạp, số ca nhiễm ghi nhận trung bình mỗi ngày tăng gần gấp đôi so với trước tết. Theo thống kê của ngành y tế, sau Tết có trên 70% các thôn, tổ dân phố và 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh Thái Bình ghi nhận có ca mắc Covid-19 mới.

Ninh Bình có số F0 cao nhất từ trước đến nay trong ngày 15/2 với 1.596, tăng 410 ca so với hôm qua. Trong đó, tại cộng đồng phát hiện 1.552 ca; còn lại ở khu vực phong tỏa (44 ca).

Theo báo cáo cấp độ dịch mới nhất của Sở Y tế Ninh Bình, hiện toàn tỉnh có 45/143 xã, phường, thị trấn thuộc cấp độ 1 (vùng xanh); 62/143 xã, phường, thị trấn thuộc cấp độ 2 (vùng vàng); 29/143 xã, phường, thị trấn cấp độ 3 (vùng cam) và có 7/143 xã, phường thuộc cấp độ 4 (vùng đỏ).

Các xã, phường vùng đỏ là: phường Tân Bình (thành phố Tam Điệp); xã Yên Đồng (huyện Yên Mô) và 5 xã của huyện Gia Viễn, gồm: Gia Trấn, Gia Lập, Gia Vượng, Gia Sinh và Gia Minh.

Riêng tại thành phố Ninh Bình, hiện có 14/14 xã, phường, chiếm 100% đều thuộc vùng cấp độ 3, mỗi ngày trên địa bàn thành phố phát hiện 400-500 ca bệnh Covid-19 mới.

Nghệ An ghi nhận hơn 2.000 ca mắc trong vòng 24 giờ. Theo thông tin từ CDC Nghệ An, từ 18h ngày 14/2 đến 18h ngày 15/2, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 2.212 ca mắc Covid-19 mới, trong đó có 401 ca cộng đồng.

Từ 18h ngày 14/2 đến 18h ngày 15/2, tỉnh Phú Thọ phát hiện 1.080 ca mắc Covid-19 mới, trong đó có 623 trường hợp từ F1 hoặc trong vùng cách ly, phong tỏa đã được quản lý; 457 người mắc được phát hiện tại cộng đồng. Trong đó, 5 trường hợp trở về từ các tỉnh đang có dịch như Hà Nội, Vĩnh Phúc.

Theo báo Quảng Ninh, những ngày qua, Quảng Ninh ghi nhận số F0 tăng cao trong cộng đồng do tỉnh thực hiện tầm soát chặt chẽ trong cộng đồng và triển khai quyết liệt các giải pháp phòng dịch.

Theo báo cáo cập nhật dịch Covid-19 tỉnh Quảng Ninh, trong 24 giờ qua, tính đến 16h ngày 15/2, 12/13 địa phương trên địa bàn tỉnh ghi nhận 1.246 ca mắc Covid-19 mới (1.090 ca cộng đồng, 156 ca đã quản lý, cách ly).

Trong đó, 350 ca là học sinh (chiếm 28,8%), 9 ca là giáo viên (0,72%) và 288 ca mắc là công nhân làm việc tại các công ty, khu công nghiệp (chiếm 23,11%); riêng Công ty Yazaky-KCN Đông Mai ghi nhận 119 ca mắc (chiếm 41% tổng số công nhân mắc).

Trong cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Hà Nội chiều 11/2, đại diện Sở Y tế cho biết, mở cửa trở lại một số dịch vụ, ngành nghề như: vận tải, du lịch, giao thương quốc tế… dẫn đến nguy cơ biến chủng Omicron xâm nhập. Do đó, cần phải theo dõi sát, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp để đảm bảo việc phục hồi, phát triển kinh tế nhưng vẫn đảm bảo an ninh y tế.

Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà đề nghị các địa phương tiếp tục tuyên truyền người dân hạn chế tập trung đông người, nhất là thời gian sau Tết. Đối với các địa phương có các sự kiện được phép mở cửa trở lại như Chùa Hương (huyện Mỹ Đức) cần tuyên truyền người dân thực hiện nghiêm 5K. Các quận, huyện, thị xã có tỷ lệ F0 cao, cần xây dựng kế hoạch kịp thời để tránh tình trạng quá tải ở các tuyến điều trị; tăng cường giám sát, mở rộng xét nghiệm tầm soát đối với các đối tượng nguy cơ cao… Ngoài ra, đẩy mạnh tiêm chủng đối với các đối tượng chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều; triển khai hiệu quả chăm sóc F0 tại nhà, các túi thuốc điều trị F0…

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cũng cảnh báo nguy cơ dịch bệnh khi thành phố dần mở cửa trở lại các hoạt động thiết yếu sau Tết. Ông yêu cầu các địa phương, đơn vị phải rà soát kỹ nguyên nhân dịch bệnh gia tăng, đề xuất giải pháp cụ thể để kiềm chế giảm dần số ca từng ngày.

NT t/h (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/du-xuan-tro-ve-nhieu-nguoi-ha-noi-bat-ngo-tro-thanh-f0-tintuc809965