Xã hội

Lỗ hổng trong khai báo y tế

Khai báo y tế phụ thuộc nhiều vào sự trung thực và tính tự giác, nên khó phát hiện khi người khai nói dối.

Một số trường hợp nhập cảnh thời gian qua đã không khai báo hoặc khai y tế gian dối. Bệnh nhân Covid-19 thứ 17 tại Hà Nội là một ví dụ. Cô nhập cảnh ngày 2/3, không khai báo y tế mặc dù tình trạng sức khỏe khi ấy không tốt và hành trình đã đi tới Anh, Pháp, Italy là vùng có bệnh nhân Covid-19. "Bệnh nhân 17" đến sáng 8/3 được xác định lây nhiễm cho 3 người gồm bác gái, tài xế riêng, một hành khách ngồi cùng khoang máy bay.

Lỗ hổng trong khai báo y tế

Trước đó một cô gái ở Bình Dương từ thành phố Daegu, Hàn Quốc, trở về nước đã khai dối là về từ thành phố Busan. Sau khi nhập cảnh thành công, cô livestream khoe và bày cách khai báo y tế sai để trốn cách ly.

Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế TP HCM, bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm thừa nhận một vài người cố tình khai báo y tế sai. Những trường hợp này khó phát hiện do hộ chiếu và một số giấy tờ cá nhân không thể hiện hết lịch sử đi lại của công dân. Nếu công dân không trung thực, lực lượng chức năng rất khó xác minh.

"Nhưng không có nghĩa là chúng tôi bó tay với các trường hợp này", ông Tâm nói.

Sau sự việc cô gái ở Bình Dương, nhiều cách chống gian lận khai báo y tế được áp dụng tại các cửa khẩu như đối chiếu thông tin khai báo giấy tờ cá nhân, thẻ lưu trú. Nhân viên kiểm dịch cũng khai thác sâu về tiền sử dịch tễ, phối hợp với công an điều tra về tiền sử di chuyển, xác minh thông tin trên tờ khai y tế thông qua bên thứ ba...

Các nhân viên chịu trách nhiệm sàng lọc tại cửa khẩu chuẩn bị bộ câu hỏi để kiểm tra trong trường hợp nghi ngờ, ví dụ hỏi đặc điểm địa bàn sinh sống tại nước ngoài, các khu vực đã đi qua. Một số trường hợp, nhân viên kiểm dịch gọi điện thoại tại chỗ để xác minh số điện thoại, kiểm tra địa chỉ cư trú thông qua công an địa phương.

Các biện pháp được thực hiện linh hoạt kết hợp kinh nghiệm và quan sát của nhân viên kiểm dịch trong quá trình sàng lọc để phát hiện người nói dối, khai thác tối đa lịch sử di chuyển của người nhập cảnh.

"Nếu phát hiện gian dối, trung tâm sẽ cung cấp thông tin của người khai báo dối cho chính quyền địa phương nhằm đưa đi cách ly tập trung hoặc cách ly tại cộng đồng có sự giám sát của nhân viên y tế", bác sĩ Tâm nói.

Tại sân bay Nội Bài, các nhân viên y tế lấy số điện thoại liên hệ và xác thực nơi cư trú, kiểm tra giấy tờ cá nhân, hộ chiếu để chống khai báo gian lận. Hành khách được phát tờ khai sức khỏe trước khi máy bay hạ cánh. Tại các trạm kiểm dịch có nhân viên và phiên dịch viên hướng dẫn người nhập cảnh khai báo đúng và trung thực về tiền sử di chuyển ở nước ngoài, nơi cư trú tại Việt Nam.

Mỗi người nhập cảnh phải khai báo y tế tối thiểu 2 lần tại sân bay và ở nơi cách ly tập trung. Người nhập cảnh từng đi qua hoặc đến từ các quốc gia đang có dịch Covid-19 đều phải cách ly tại nhà hoặc cách ly tập trung.

"Khi phát hiện người gian dối, trung tâm sẽ phối hợp với lực lượng chính quyền các cấp để đưa đi cách ly hoặc giám sát tại địa phương trong thời gian sớm nhất", Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, bác sĩ Khổng Minh Tuấn cho biết.

Theo Chi Lê (VnExpress.net)




https://vnexpress.net/suc-khoe/lo-hong-trong-khai-bao-y-te-4065233.html