Xã hội

Nông dân 'khóc ròng' với dự án nhà máy giấy 10.000 tỷ

Doanh nghiệp thi công làm hỏng đường gây "nắng bụi, mưa bùn", người dân vùng dự án nhà máy giấy VNT-19 bức xúc, đề nghị khắc phục thì bị bảo vệ đe dọa.

Cuộc sống của nhiều hộ dân ở xã Bình Phước, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) đang bị xáo trộn vì Công ty cổ phần bột giấy VNT-19 thi công xây dựng nhà máy gây ô nhiễm môi trường, mất đường dân sinh và bồi lấp ruộng lúa...

Bảo vệ nhà máy dọa dân 
Ông Mai Văn Long, Bí thư Đảng ủy xã Bình Phước, cho biết chủ đầu tư xây nhà máy bột giấy VNT-19 khiến cuộc sống nhiều hộ dân đối mặt với khốn khó trăm bề.

Nông dân 'khóc ròng' với dự án nhà máy giấy 10.000 tỷ
Xe đầu kéo container chở thiết bị vào nhà máy bột giấy VNT-19. Ảnh: Minh Hoàng

"Đường bị sạt lở nặng nên mỗi khi mưa lớn là nước chảy tràn vào nhà dân, lúc trời nắng thì bụi mịt mù, tấp vào khu dân cư gây ô nhiễm. Trong khi doanh nghiệp chậm khắc phục", ông Long nói.Bí thư xã Bình Phước cho biết từ khi nhà máy mọc lên, hàng chục hộ dân mất đường dân sinh lên núi Cà Ninh làm rẫy. Nhiều lần chính quyền địa phương kiến nghị chủ đầu tư mở lại đường dân sinh khác cho người dân đi lại nhưng chưa được quan tâm. Trong khi đó, xe cơ giới vận chuyển thiết bị "siêu trường, siêu trọng" từ cảng Dung Quất về phục vụ thi công nhà máy phá nát đường sá.

Quá sức chịu đựng, giữa tháng 4 vừa qua, nhiều hộ dân dùng cây và đá để trên đường, ngăn cản ôtô chở vật liệu vào nhà máy bột giấy VNT-19. Theo nhiều người dân, trong lúc cãi vã, nhóm nhân viên bảo vệ nhà máy này dùng hung khí kèm theo lời hăm dọa, khiến người dân bức xúc.

Nông dân 'khóc ròng' với dự án nhà máy giấy 10.000 tỷ - 1
Đất đá kèm theo nước gỉ sét chảy tràn gây bồi lấp ruộng của người dân xã Bình Phước. Ảnh: Minh Hoàng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tiên Phong, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Bột-Giấy VNT- 19, cho hay trước đây dự án chưa có đường riêng, xe cộ đi qua khu vực nhà dân có gây bụi. Sau đó, công ty đã làm đường riêng, chỉ còn một đoạn qua khu dân cư phía trước cổng nhà máy.Công an huyện Bình Sơn xác nhận trong lúc "lời qua tiếng lại", nhóm bảo vệ nhà máy có lời đe dọa người dân và họ đã thừa nhận hành vi sai trái của mình.

"Chúng tôi đã làm việc với cơ quan chức năng để giải quyết đề nghị của bà con theo hướng hộ nào có đất đai bị bồi lấp thì chúng tôi đền bù. Còn chuyện nhân viên bảo vệ có lời lẽ không hay với người dân cản đường vào nhà máy thì xảy ra lâu rồi", ông Phong phân trần.

Thi công gây lấp ruộng lúa, mồ mả 

Liên tục trong hai tuần qua, nhiều hộ dân xã Bình Phước (huyện Bình Sơn) bức xúc vì khi thi công xây dựng nhà máy bột giấy VNT-19, đã xảy ra gây sạt lở đất đá và nước gỉ sét từ thiết bị cũ, chảy tràn gây bồi lấp ruộng, kênh mương và mồ mả. 

Ông Võ Mãi, Trưởng thôn Phú Long 3 (xã Bình Phước), nói rằng doanh nghiệp cố tình né tránh việc đền bù thiệt hại nên bà con kéo đến nhà máy đòi quyền lợi, nên ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương.

"Người dân yêu cầu doanh nghiệp chi 5 triệu đồng để nạo vét kênh mương thủy lợi, do thi công mặt bằng nhà máy gây bồi lấp; tuy nhiên họ trả lời là không có tiền. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng mà vài triệu đồng công ty không lo được thì chúng tôi khó thể tin nổi", ông Mãi nói. 

Trong khi đó, nhiều hộ dân sống trong vùng dự án lo ngại nhà máy xây trên đồi cao, lại lắp ráp thiết bị cũ, nếu không may xảy ra sự cố thì các khu dân cư bên dưới sẽ hứng chịu ô nhiễm. Hiện nước gỉ sét của thiết bị đã tuôn thẳng xuống ruộng lúa, nhuộm màu vàng đục.

Nông dân 'khóc ròng' với dự án nhà máy giấy 10.000 tỷ - 2
Doanh nghiệp nhập thiết bị cũ về xây dựng nhà máy bột giấy, gây lo lắng cho người dân xã Bình Phước. Ảnh: Minh Hoàng.

"Nhiều năm qua chúng tôi kiến nghị doanh nghiệp đầu tư khu nghĩa địa tập trung, để quy tập mồ mả nhưng họ hứa mãi", ông Huy nói.Theo ông Đỗ Văn Huy (thôn Phú Long 3, xã Bình Phước), người dân đã di dời hơn 200 ngôi mộ, nhường đất xây dựng nhà máy. Hiện ở khu vực này còn nhiều ngôi mộ chưa di dời, bị bồi lấp do doanh nghiệp thi công.

Ông Võ Thám, Phó chủ tịch HĐND huyện Bình Sơn, xác nhận nhà máy đã “xóa sổ” đường dân sinh khiến hàng chục hộ dân không còn lối lên rẫy để sản xuất. Nhiều mồ mả bị bồi lấp, 3 ha đất nông nghiệp không sản xuất được nhưng doanh nghiệp chỉ mới hỗ trợ 1 lần.

Còn Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ngãi Nguyễn Đức Trung thì yêu cầu huyện Bình Sơn có trách nhiệm thống kê, làm việc rõ ràng để nhà đầu tư đền bù thỏa đáng cho người dân

Cuối tháng 3/2011, dự án nhà máy bột giấy VNT-19 được UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp chứng nhận đầu tư với công suất 250.000 tấn bột giấy tẩy trắng/năm. Nhà máy được xây dựng trên đồi cao, sát bên rừng dừa nước cổ thụ ở xã Bình Phước, huyện Bình Sơn.

Sau ba lần điều chỉnh, dự án được nâng công suất giai đoạn 1 là 350.000 tấn bột giấy tẩy trắng/năm, diện tích đất sử dụng (giai đoạn 1) là 117 ha với tổng vốn gần 9.900 tỷ đồng, thời gian hoạt động là 50 năm. Dự án được khởi công giữa năm 2015, dự kiến đến cuối năm 2019 hoàn thành, đưa vào vận hành. 
 

Nông dân 'khóc ròng' với dự án nhà máy giấy 10.000 tỷ - 3
Xã Bình Phước (màu đỏ) ở Quảng Ngãi. Ảnh: Google Maps.

Theo Minh Hoàng (Tri Thức Trực Tuyến)