Xã hội

Vì sao không đề xuất hoán đổi nghỉ lễ 30/4 sớm hơn?

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hoán đổi ngày làm việc bình thường làm bù sang ngày khác thì cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sẽ được nghỉ 5 ngày liên tục. Điều này giúp kích cầu du lịch và tiêu dùng xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ngày 4/4 có dự thảo báo cáo Thủ tướng và công văn xin ý kiến 15 bộ ngành, cơ quan về việc hoán đổi ngày làm việc 29/4 sang một dịp khác. Nếu đề xuất được thông qua, người dân sẽ có kỳ nghỉ lễ 5 ngày, gồm hai ngày cuối tuần, một ngày hoán đổi và hai ngày nghỉ chính thức.

Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm qua cơ quan chuyên môn đề xuất hoán đổi dịp 30/4-1/5 và cách ngày nghỉ 25 ngày.

Lý giải điều này, chia sẻ với VnExpress.net, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng An toàn lao động - cơ quan soạn dự thảo, cho biết gần dịp lễ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nhận được nhiều đề xuất hoán đổi, kéo dài kỳ nghỉ lễ nhằm kích cầu du lịch, kinh tế trong bối cảnh đang khó khăn, tạo điều kiện cho người dân cả nước đi chơi, nghỉ ngơi.

Về việc không xin ý kiến sớm hơn, từ tháng 9/2023 cùng với phương án nghỉ Tết, ông Thắng cho biết luật hiện hành quy định xin ý kiến Thủ tướng về số ngày nghỉ dịp Tết Âm lịch và Quốc khánh 2/9. Các kỳ nghỉ còn lại gồm Tết Dương lịch, giỗ tổ Hùng Vương và 30/4-1/5 thực hiện theo Bộ luật Lao động. Nếu lễ Tết trùng ngày nghỉ hàng tuần thì áp dụng nghỉ bù vào tuần làm việc kế tiếp.

Trường hợp hoán đổi ngày làm việc để nghỉ kéo dài dịp 30/4-1/5 năm nay không có trong quy định của Bộ luật Lao động nên phải xin ý kiến cấp có thẩm quyền, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội không thể tự quyết định. Đề xuất mới ở bước dự thảo, đang tham khảo ý kiến bộ ngành, chưa chính thức trình Thủ tướng.

"Thẩm quyền quyết định những vấn đề ngoài quy định của luật thuộc về Quốc hội nên cần xin ý kiến đúng quy trình", ông Thắng nói.

Việc lấy ý kiến 15 cơ quan, bộ ngành kéo dài sẽ phải xong trước ngày 8/4. Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Liên minh Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), một trong những đơn vị được lấy ý kiến, đồng tình với việc hoán đổi để kỳ nghỉ lễ kéo dài.

"Đề xuất hơi muộn nên ít nhiều khiến doanh nghiệp xáo trộn kế hoạch sản xuất, bố trí lịch trực, song có thể khắc phục. Kỳ nghỉ dài tạo nhiều lợi ích với người lao động lẫn nền kinh tế", ông Phòng nói, kiến nghị ngày làm việc hoán đổi cho 29/4 có thể bố trí vào tuần tiếp theo sau kỳ nghỉ lễ.

Vì sao không đề xuất hoán đổi nghỉ lễ 30/4 sớm hơn?
Ảnh minh họa

Luật lao động quy định nghỉ lễ, tết thế nào?

Theo khoản 1 Điều 112 Bộ luật Lao động 2019, người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong nghỉ lễ, tết như sau:

+ Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);

+ Tết Âm lịch: 05 ngày;

+ Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);

+ Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);

+ Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);

+ Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).

Năm 2024, dịp 30/4, 1/5 rơi vào thứ ba ngày 30/4/2024 và thứ tư ngày 1/5/2024. Đây cũng là các ngày làm việc trong tuần nên người lao động nghỉ đợt lễ này sẽ không được nghỉ bù. Do đó, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất hoán đổi ngày làm việc bình thường và làm bù sang ngày khác trong dịp nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế lao động 01/5 năm 2024 để người lao động được nghỉ 5 ngày liên tục.

NT (SHTT)




https://sohuutritue.net.vn/vi-sao-khong-de-xuat-hoan-doi-nghi-le-30-4-som-hon-d214687.html