Phóng sự này đang nhận được nhiều sự quan tâm từ công chúng.

Lùm xùm của một trại hè chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Những ngày vừa qua, trên mạng xã hội, phụ huynh nói riêng và cư dân mạng nói chung vẫn không ngừng bàn tán về những vấn đề pháp lý, chất lượng dịch vụ,... ở các trại hè.

Câu hỏi làm thế nào để con lúc đi ở thì háo hức, vui vẻ - phụ huynh không hối hận được quan tâm hơn cả. Bởi, nếu lựa chọn đúng, chuẩn bị đủ thì trại hè là cơ hội để con trưởng thành và ngược lại, một sự lơ là, chủ quan từ phía cha mẹ, tổ chức thiếu minh bạch sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng, trực tiếp lên trẻ. Và bố mẹ nào mà chẳng muốn dành điều tốt nhất cho con. 

Vụ trại hè từ háo hức thành hối hận: VTV làm rõ vấn đề pháp lý, nhiều phụ huynh ngỡ ngàng- Ảnh 1.
Ảnh: VTV

Đây cũng là vấn đề được VTV làm trong rõ trong phóng sự “Đăng ký trại hè cho con: Làm thế nào để trẻ đến trong háo hức, ở trong hân hoan và phụ huynh thì không hối hận?” đăng tải trên sóng Chuyển động 24H hôm nay (10/7). 

Đơn vị này lấy dẫn chứng là những ồn ào liên quan đến trại hè Làng H. những ngày vừa qua, từ đó làm rõ vấn đề pháp lý của trại hè, làm sao để con đi háo hức mà về phụ huynh không hối hận?

Đầu tiên, phóng sự của VTV nêu rõ hai vấn đề then chốt: Tiền trạm (phụ huynh đến khảo sát trước trại hè để đảm bảo an toàn, minh bạch) và tính pháp lý của hoạt động tổ chức.

Hầu hết, tâm lý chung của bố mẹ khi tìm kiếm trại hè cho con đều khởi nguồn từ niềm tin vào lời quảng cáo từ trại hè, lời giới thiệu từ những người quen biết.

Hội phụ cũng nhận được tờ khai thông tin và cẩm nang trại hè nhưng không phải là hợp đồng, không có tính pháp lý, cam kết trách nhiệm giữa hai bên.“Họ có một cái lịch trình quy định sơ bộ thôi, chứ cái này không có hợp đồng gì hết, chỉ đóng tiền rồi đi thôi”, một vị phụ huynh từng cho con đi trại hè cách đây 3 năm đã phải đến đón con về giữa chừng do điều kiện sinh hoạt không như kỳ vọng chia sẻ. 

Đây cũng là câu chuyện chung của nhiều phụ huynh khi đăng ký trại hè - chủ yếu chỉ quan tâm đến “quyền lợi của con” hay “nội dung chương trình”, chứ không kiểm tra giấy tờ pháp lý, hợp đồng, cam kết rõ ràng.

Vụ trại hè từ háo hức thành hối hận: VTV làm rõ vấn đề pháp lý, nhiều phụ huynh ngỡ ngàng- Ảnh 2.
Các phụ huynh đăng ký cho con tham gia trại hè phần lớn không ký hợp đồng hay văn bản pháp lý, mà chỉ nhận được thông tin cam kết chung từ đơn vị tổ chức. Ảnh: VTV

Đây chính là lỗ hổng lớn trong vấn đề pháp lý - tiêu chuẩn cụ thể về an toàn thực phẩm, sự an toàn cho trại viên, trình độ của người hướng dẫn,... ở các trại hè, về vấn đề này, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: “Dưới góc độ pháp lý, pháp luật Việt Nam chưa có định nghĩa cụ thể về trại hè là gì.

Pháp luật cho phép các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp đứng ra tổ chức các hoạt động mang tính chất trải nghiệm, vui chơi giải trí hoặc giáo dục phát triển kỹ năng sống cho trẻ em nhưng phải tuân thủ quy định của Thông tư số 27 (Thông tư 27/2022/TT‑BLĐTBXH)””.

Trong các thủ tục đăng ký kinh doanh hiện nay cũng không có hình thức đăng ký trại hè. “Nên nếu là tổ chức hoặc là cơ quan thì tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan đến nội quy, quy chế của cơ quan.

Nếu mà không phải cơ quan tổ chức thì phải thành lập doanh nghiệp và phải có tư cách pháp nhân, có đăng ký kinh doanh. Hoạt động trải nghiệm đó phải báo cáo với chính quyền địa phương - cấp xã. Phải nói là đang có một khoảng trống pháp lý Để cho các tổ chức, các cơ quan, các doanh nghiệp Tự tổ chức các hoạt động chạy hè như vậy”, luật sư chia sẻ thêm.

Vụ trại hè từ háo hức thành hối hận: VTV làm rõ vấn đề pháp lý, nhiều phụ huynh ngỡ ngàng- Ảnh 3.
Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, đoàn Luật sư TP Hà Nội) chia sẻ về vấn đề pháp lý của các trại hè hiện nay trên toàn quốc. Ảnh: VTV.

Như vậy, hiện nay chỉ tồn tại các quy định pháp luật mang tính chung chung, thậm chí khái niệm “trại hè” cũng chưa được định nghĩa rõ ràng trong các văn bản pháp luật hiện hành. Không có quy trình bắt buộc nào để kiểm tra chất lượng trại hè. Chỉ khi xảy ra sự cố liên quan đến sức khỏe, tính mạng, Cơ quan chức năng mới vào cuộc.

Mọi thứ - từ chương trình sinh hoạt đến mức độ an toàn của trại hè hiện tại đang phụ thuộc hoàn toàn vào tinh thần tự giác và đạo đức nghề nghiệp của người tổ chức. Không ai kiểm định chuyên môn hay tâm lý trẻ em. Cũng chẳng có gì đảm bảo rằng sau một tuần “trải nghiệm sinh tồn”, đứa trẻ của bạn trở về với cơ thể chi chít vết muỗi đốt, những bữa ăn thiếu dinh dưỡng hay tâm lý bất an là điều… “bình thường mới”. Tất cả rủi ro đó, phụ huynh chỉ có thể chấp nhận bằng niềm tin - và hy vọng mọi chuyện sẽ suôn sẻ.

Đây cũng là câu trả lời cho câu hỏi "Làm sao để gửi con đi trại hè trong sự háo hức và đón con về mà không thấy hối hận?"

Vụ trại hè từ háo hức thành hối hận: VTV làm rõ vấn đề pháp lý, nhiều phụ huynh ngỡ ngàng- Ảnh 4.
Ảnh: VTV.

Nó không nằm chi phí đắt hay rẻ, không phụ thuộc vào độ nổi tiếng của người đứng ra tổ chức. Mấu chốt nằm ở việc phụ huynh có được cung cấp đầy đủ thông tin về chương trình, con người, điều kiện sinh hoạt và cách xử lý rủi ro hay không. Có bản hợp đồng pháp lý rõ ràng hay chỉ là một cam kết miệng? Có quy trình tiếp nhận và phản hồi phụ huynh hay chỉ là group Zalo chung? Và quan trọng nhất: có ai chịu trách nhiệm nếu điều tồi tệ xảy ra?

Không thể phủ nhận, nhiều trại hè thực sự mang lại thay đổi tích cực.

Nhưng cũng có những phụ huynh từng phải giữa chừng đến tận nơi để đón con về vì điều kiện không như quảng cáo. Có người cay đắng thừa nhận: “Tôi đã quá tin vì thấy họ nổi tiếng.”

Khi đã chuyển tiền, khi con đã đi, mọi hy vọng được gửi gắm vào hai chữ "trách nhiệm" từ phía người tổ chức. Nhưng trách nhiệm đó không thể chỉ dựa vào lòng tin hay đạo đức cá nhân. Nó cần được xác lập bằng những quy định pháp lý cụ thể, bằng chuẩn đánh giá rõ ràng và quy trình giám sát minh bạch.

Trại hè nếu làm đúng là cơ hội quý báu để con trưởng thành, để cha mẹ bớt lo lắng, để gia đình thêm gần gũi. Nhưng nếu làm sai, người chịu thiệt thòi nhất luôn là trẻ nhỏ – những đứa trẻ vốn chẳng thể tự chọn nơi mình được gửi gắm.

Theo Trần Hà (Nguoiduatin.vn)