Công nghệ

Ấn Độ có thể sắp kiểm duyệt Internet như Trung Quốc

Luật mới cho phép chính phủ Ấn Độ kiểm soát những nội dung "nhạy cảm" từ các công ty Internet nước ngoài.

Theo NYTimes, chính phủ Ấn Độ đề xuất bộ quy tắc yêu cầu các công ty Internet như Facebook, Google, Twitter, TikTok... có thể phải xóa bài viết hay video mà họ cho là phỉ báng, xâm phạm quyền riêng tư, thù hận hoặc lừa đảo. Những nhà cung cấp dịch vụ này cũng sẽ phải xây dựng công cụ lọc tự động nhằm ngăn chặn người dùng tiếp cận nội dung được cho là không phù hợp.

Ấn Độ có thể sắp kiểm duyệt Internet như Trung Quốc
Một số người dân Ấn Độ đang truy cập Internet bằng smartphone. Ảnh: NYTimes.

Dự thảo có thể được chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi áp dụng bất cứ lúc nào, sau khi giai đoạn đóng góp ý kiến công khai kết thúc. Chính quyền Ấn Độ được cho là sẽ đẩy nhanh việc áp dụng luật mới trước khi bầu cử toàn quốc diễn ra trong những tháng tới.

Một số nhóm ủng hộ tự do nhân quyền và các nhà phê bình cho rằng, những thay đổi này sẽ vi phạm hiến pháp, đi ngược lại với quyền tự do ngôn luận và riêng tư của người dân. Ấn Độ trước đó đã có nhiều động thái ưu tiên doanh nghiệp nội địa tương tự Trung Quốc.

Năm ngoái, nhiều nước thuộc Liên minh châu Âu đã ban hành bộ quy tắc để bảo vệ dữ liệu trực tuyến của mọi người một cách cứng rắn, đồng thời buộc phía cung cấp dịch vụ phải thay đổi một số điều khoản để phù hợp tình hình thực tế. Trung Quốc từ lâu đã sử dụng một hệ thống bộ lọc gọi là Great Firewall để chặn nội dung nhạy cảm cũng như dịch vụ bất hợp pháp từ bên ngoài. Theo NYTimes, hơn 50 nước đã đưa ra luật mới nhằm kiểm soát người dân của họ dùng Internet.

Theo Lâm Anh (VnExpress.net)