Công nghệ

Kiểm soát các mỏ lithium lớn nhất thế giới, tương lai nền kinh tế năng lượng sạch bất ngờ rơi vào tay Taliban

Việc để các mỏ khoáng sản của Afghanistan nằm dưới sự kiểm soát của Taliban bỗng trở thành là một đòn giáng mạnh vào lợi ích kinh tế của Mỹ.

Khi các chiến binh Taliban tiến vào thủ đô Kabul ngày 15/8, họ không chỉ giành quyền kiểm soát chính phủ Afghanistan. Họ cũng đạt được khả năng kiểm soát quyền truy cập vào các mỏ khoáng sản khổng lồ, thứ có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế năng lượng sạch toàn cầu .

Năm 2010, một bản ghi nhớ nội bộ của Bộ Quốc phòng Mỹ đã gọi Afghanistan là "Ả Rập Saudi của lithium", sau khi các nhà địa chất Mỹ phát hiện ra lượng khoáng sản khổng lồ của đất nước này, trị giá ít nhất 1.000 tỷ USD. Kim loại màu bạc này là nguyên liệu rất cần thiết cho xe điện và pin năng lượng có thể tái tạo.

Mười năm sau, nhờ xung đột, tham nhũng và rối loạn, những nguồn lực khoáng sản đó hầu như vẫn chưa được khai thác. Và khi Mỹ tìm cách tháo gỡ chuỗi cung ứng năng lượng sạch khỏi Trung Quốc, nhà sản xuất lithium hàng đầu thế giới, việc để các mỏ khoáng sản của Afghanistan nằm dưới sự kiểm soát của Taliban bỗng trở thành là một đòn giáng mạnh vào lợi ích kinh tế của Mỹ.

"Taliban hiện đang nắm trong tay một số khoáng sản chiến lược quan trọng nhất trên thế giới", Rod Schoonover, người đứng đầu chương trình an ninh sinh thái tại Trung tâm Rủi ro Chiến lược, một tổ chức tư vấn của Washington, cho biết. "Liệu họ có thể/sẽ sử dụng chúng hay không sẽ là một câu hỏi quan trọng trong tương lai."

Kiểm soát các mỏ lithium lớn nhất thế giới, tương lai nền kinh tế năng lượng sạch bất ngờ rơi vào tay Taliban
Các công nhân đang mở một con đường ở tỉnh Bamian đến một địa điểm có nhiều quặng sắt, nhưng lại thiếu cơ sở hạ tầng để bắt đầu khai thác, ở Afghanistan.

Khoáng sản là con dao hai lưỡi đối với Afghanistan

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, nhu cầu toàn cầu về lithium vào năm 2040 dự kiến ​​sẽ tăng vọt gấp 40 lần so với mức năm 2020, cùng với các nguyên tố đất hiếm, đồng, coban và các khoáng chất khác mà Afghanistan vốn giàu có. Những khoáng chất này tập trung trong một số lượng nhỏ khu vực trên toàn cầu, do đó, quá trình chuyển đổi năng lượng sạch có khả năng mang lại một khoản lợi nhuận đáng kể cho Afghanistan.

Trong quá khứ, các quan chức chính phủ Afghanistan đã từng để mở triển vọng về các hợp đồng khai thác béo bở này trước các đối tác Mỹ, như một lời dụ dỗ nhằm kéo dài sự hiện diện của quân đội Mỹ ở nước này. Nhưng với sự điều hành hiện nay của Taliban, các lựa chọn đó có thể không cần bàn tới.

Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani, một cựu chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới, người đã bỏ trốn khỏi đất nước vào ngày lực lượng Taliban tiếp quản, từ lâu đã nhận thức rõ giá trị của các nguồn tài nguyên khoáng sản và mối nguy hiểm mà chúng gây ra cho đất nước. Ông thậm chí coi khoáng sản là một "lời nguyền".

Bởi giống như hầu hết các nhà kinh tế học, việc giàu có về khoáng sản thường sinh ra tham nhũng và bạo lực, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, và chúng thường không mang lại nhiều lợi ích thực tế cho người dân. Đồng thời, Taliban từ lâu đã khai thác trái phép các khoáng sản của đất nước (đặc biệt là đá quý lapis lazuli) như một nguồn thu lên tới 300 triệu USD hàng năm để cung ứng cho lực lượng nổi dậy của mình.

Kiểm soát các mỏ lithium lớn nhất thế giới, tương lai nền kinh tế năng lượng sạch bất ngờ rơi vào tay Taliban - 1
Hoạt động khai thác bất hợp pháp đá quý lapis lazuli, nguồn thu chính của Taliban.

Điều gì đang xảy ra khi Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan

Theo Schoonover, Taliban không thể chỉ cần "bấm vào một cái công tắc" là có thể thâm nhập vào hoạt động buôn bán lithium toàn cầu. Nhiều năm xung đột đã khiến cơ sở hạ tầng vật chất của đất nước này - đường xá, nhà máy điện, đường sắt - trở nên "​​rách nát". Và hiện tại, các tay súng Taliban đang phải vật lộn để duy trì việc cung cấp các dịch vụ và tiện ích công cộng cơ bản ở các thành phố mà họ chiếm được, chưa nói đến việc thực hiện các chính sách kinh tế có thể thu hút các nhà đầu tư quốc tế.

Các phe phái cạnh tranh trong Taliban sẽ khiến bất kỳ công ty nào cũng sẽ gặp khó khăn trong việc đàm phán các hợp đồng khai thác, và Trung Quốc cũng không có khả năng mở rộng cho nhóm này tiếp cận các khoản vay cải thiện cơ sở hạ tầng cần thiết để đưa bất kỳ hoạt động khai thác lớn nào vào vận hành, theo Nick Crawford, một nhà nghiên cứu kinh tế tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế. Điều đó đặc biệt đúng sau khi các nhà đầu tư Trung Quốc đã đốt tiền vào một dự án khai thác đồng trị giá 3 tỷ USD ở Afghanistan, bắt đầu vào năm 2007, mà tới nay vẫn không sản xuất được gì, với nguyên do phần lớn là những thách thức liên quan đến việc thiếu cơ sở hạ tầng.

"Chừng nào còn có các nguồn cung an toàn và đáng tin cậy hơn ở những nơi khác, thì việc sử dụng đầy đủ các khoáng sản của Afghanistan có thể vẫn còn chậm. Tuy nhiên, Trung Quốc và Nga vẫn giữ quan hệ ngoại giao với Taliban và gần như chắc chắn sẽ làm ăn với chế độ mới trên sân nhà của họ", Schoonover cho biết.

Crawford cũng cho rằng một lý do khác để Trung Quốc làm như vậy có thể là do một số hoạt động phá hủy môi trường cục bộ đi kèm với khai thác đất hiếm và lithium. Trong trường hợp đó, hoạt động khai thác mỏ có khả năng làm tăng thêm hàng loạt các hiểm họa môi trường khác - bao gồm khan hiếm nước, ô nhiễm không khí và các thảm họa thời tiết khắc nghiệt liên quan đến biến đổi khí hậu - mà người dân Afghanistan từ lâu đã phải đối mặt.

Tham khảo QZ

Theo Bảo Nam (Pháp Luật & Bạn Đọc)




https://phapluat.suckhoedoisong.vn/kiem-soat-cac-mo-lithium-lon-nhat-the-gioi-tuong-lai-nen-kinh-te-nang-luong-sach-bat-ngo-roi-vao-tay-taliban-162211708151249013.htm