Ngân hàng TPBank khẳng định, các cuộc gọi hoặc tin nhắn được gửi từ đầu số 028777*** là giả mạo.

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) vừa phát đi cảnh báo đến toàn thể khách hàng về tình trạng giả mạo văn bản, con dấu và chữ ký đại diện ngân hàng nhằm thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Ví dụ về hình thức văn bản và thông tin giả mạo như sau:

10-1752157241-ngan-hang-canh-bao-cac-cuoc-goi-tin-nhan-tu-dau-so-028777.png
Văn bản giả mạo TPBank

TPBank cho biết, tất cả nội dung trong văn bản nêu trên đều là giả mạo. Đặc biệt, ngân hàng khẳng định các cuộc gọi hoặc tin nhắn được gửi từ đầu số 028777*** không phải của TPBank.

Khách hàng cần lưu ý:

- Tổng đài chính thức của TPBank để khách hàng chủ động liên hệ là: 1900 6036 hoặc 1900 585885.

- Khi TPBank chủ động liên hệ khách hàng, chỉ sử dụng hai đầu số điện thoại: 024 3768 3683 và 024 7300 8668.

- TPBank chỉ sử dụng một đầu số duy nhất để gửi tin nhắn SMS đến khách hàng là: “TPBANK”, và tuyệt đối không thực hiện cuộc gọi từ đầu số này.

Để bảo vệ an toàn tài khoản và dữ liệu cá nhân, TPBank khuyến nghị khách hàng thực hiện các biện pháp sau:

- CẢNH GIÁC khi nhận SMS, kiểm tra thông tin người gửi và CẨN TRỌNG khi truy cập vào đường link chứa trong tin nhắn;

- CẢNH GIÁC khi tương tác với các trang mạng xã hội của ngân hàng (Facebook, Zalo, Tiktok) nếu không có yếu tố xác thực (tích xanh, tích cam) từ nền tảng, hoặc sử dụng ảnh đại diện là ảnh chụp có tích xanh/tích cam giả mạo;

- CẢNH GIÁC khi truy cập vào các website không phải là website chính thức của ngân hàng hoặc có dấu hiệu giả mạo thương hiệu ngân hàng;

- TUYỆT ĐỐI KHÔNG cung cấp thông tin bảo mật như: tên đăng nhập; mã OTP; số thẻ; mã CVV; mật khẩu tài khoản; mã mở khóa eToken qua các đường dẫn (link), tin nhắn, trò chuyện hoặc cuộc gọi chưa được xác thực trong bất kỳ trường hợp nào;

- KHÔNG liên lạc, cung cấp thông tin cá nhân như: số CMND, CCCD; sổ hộ khẩu cho người lạ hoặc bên thứ ba qua mạng, qua điện thoại kể cả khi họ tự xưng là công an, cơ quan điều tra, nhân viên ngân hàng... để tránh bị kẻ gian chiếm đoạt thông tin và sử dụng trái phép;

- BẢO MẬT TUYỆT ĐỐI thông tin cá nhân; nâng cao ý thức bảo vệ thông tin giao dịch ngân hàng trên mạng xã hội;

- SỬ DỤNG CÁC ỨNG DỤNG XÁC THỰC thay cho hình thức xác thực qua tin nhắn điện thoại (SMS) khi thực hiện các giao dịch tài chính, tín dụng, ví điện tử…;

- CÀI ĐẶT PHƯƠNG THỨC BẢO MẬT 2 LỚP trên ứng dụng TPBank để tăng cường bảo mật. Khi đăng nhập trên thiết bị lạ, khách hàng sẽ bắt buộc phải nhập mã OTP để xác thực;

- XÁC MINH TRỰC TIẾP với các đơn vị cung cấp dịch vụ như ngân hàng, công ty viễn thông trước khi thực hiện các dịch vụ được giới thiệu (ví dụ: nâng cấp SIM điện thoại).

Theo Linh San (Nguoiduatin.vn)