Đời sống

Bát nước chè làm nên 26 năm ân nghĩa của đôi vợ chồng bị “trời đày”

Ông bị mù hai mắt, bà bị liệt đôi chân, hai số phận đến từ hai hoàn cảnh khác nhau nhưng cuộc sống mưu sinh đã đưa đẩy họ vào trung tâm bảo trợ xã hội. Chính tại đây, họ đã gặp gỡ và tình yêu giữa hai người dần nảy nở.

Ông bị mù hai mắt, bà bị liệt đôi chân, hai số phận đến từ hai hoàn cảnh khác nhau nhưng cuộc sống mưu sinh đã đưa đẩy họ vào trung tâm bảo trợ xã hội. Chính tại đây, họ đã gặp gỡ và tình yêu giữa hai người dần nảy nở.
 Sau hơn 25 năm chung sống nghĩa vợ chồng, tình cảm của đôi vợ chồng tật nguyền này vẫn mặn nồng

Sau hơn 25 năm chung sống nghĩa vợ chồng, tình cảm của đôi vợ chồng tật nguyền này vẫn mặn nồng

Bát nước chè nên duyên vợ chồng

Ông Vương Đình Sơn (SN 1957) là con trong một gia đình nghèo khó, đông anh chị em ở xã Vân Diên, huyện Nam Đàn (tỉnh Nghệ An). Tuổi thơ lành lặn như bao đứa trẻ khác. Nhưng rồi tai ương bắt đầu ập đến, vào năm lên 3 tuổi sau lần bị đau mắt, do uống thuốc kháng sinh quá liều, cậu bé Sơn đã vĩnh viễn mất đi đôi mắt của mình. Với suy nghĩ phải tự đứng lên bằng chính đôi chân và không muốn trở thành gánh nặng cho người khác, chàng trai mù đã tự mưu sinh bằng nghề bán tăm dạo cho các cơ sở tình thương.

Công việc bán tăm dạo không thể làm giàu nhưng chính nhờ nó, ông đã tìm được “một nửa” còn lại của cuộc đời mình. Đó là bà Phan Thị Thủy (SN 1960, trú huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Nhắc tới người phụ nữ này, ông kể với giọng đầy yêu thương, trân trọng: “Bà ấy lúc sinh ra cũng lành lặn như bao người khác. Tuy nhiên, năm lên 8 tuổi, sau một trận ốm, bệnh phong thấp đã cướp đi đôi chân lành lặn của bà. Gia đình nghèo không có tiền đưa đi chữa trị, chỉ chữa bằng châm cứu nhưng không đỡ và bà bị tật từ đó. Đôi chân tật nguyền khiến bà ấy không thể đi đâu, làm gì, chỉ quanh quẩn trong góc nhà. Năm 1991, bà được gửi ra Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An để sinh hoạt cùng những người chung cảnh ngộ khác. Và chúng tôi đã gặp nhau ngay trong mái nhà này”. Vừa nói, ông vừa quàng tay sang vai người vợ tần tảo, ôm thật chặt.

Nhớ về chuyện xưa, ông nói: “Chung quy lại cũng vì bát nước chè bà ấy đưa cho tôi vào buổi trưa hè thôi”. Nói rõ về kỷ niệm đặc biệt đó, ông Sơn tâm sự: “Hôm ấy đi bán tăm về, tôi ra đồi bẻ lá sắn mang xuống cho cá ăn. Khi đến gần chỗ bà Thủy, tôi nghe có tiếng người phụ nữ trong nhà. Đang khát nước, tôi bạo dạn vào xin. Bà ấy không đi ra bờ ao đưa nước cho tôi được nên mời vào nhà chơi. Tôi rón rén men theo bờ ao quen thuộc để đến chỗ người phụ nữ xin ngụm nước. Rồi từ đó, chúng tôi quen và thường xuyên trò chuyện với nhau. Từ nhỏ đến lớn tôi luôn nghĩ rằng mình là kẻ tật nguyền, coi như bỏ đi. Đến lúc cảm nhận được tình cảm Thủy dành cho mình, tôi vừa hạnh phúc, vừa lo lắng song sức mạnh của tình yêu đã chiến thắng tất cả”, ông Sơn tâm sự.

Sau hai năm gặp gỡ và yêu thương nhau, hai con người tật nguyền ấy đã tự nguyện “kết tóc xe tơ” với nhau mà không cần đám cưới. Sau ngày nên duyên một thời gian, bà Thủy mang thai. Sợ bị đuổi ra khỏi Trung tâm, hai ông bà dò dẫm đưa nhau về quê ngoại sinh con. Tại quê nhà Hà Tĩnh, ông bà cắn răng vượt bao điều tiếng để chờ ngày đứa con bé bỏng chào đời.

“Trái ngọt” cuộc đời

 Ông Sơn nhớ lại kỷ niệm ngày gặp người phụ nữ của đời mình

Ông Sơn nhớ lại kỷ niệm ngày gặp người phụ nữ của đời mình

Cuối năm 1993, bà Thủy sinh cho ông Sơn một bé gái bụ bẫm, khỏe mạnh. Để có thể chăm sóc cho con, hai ông bà lại dắt díu nhau về lại trung tâm nương nhờ. Nhìn đứa bé khỏe mạnh, cả Trung tâm ai nấy đều mừng cho họ. Ba năm sau, đứa con thứ hai ra đời khiến cuộc sống của họ gặp muôn vàn khó khăn nhưng vẫn quyết tâm rau cháo nuôi nhau. Thậm chí có lúc cả hai còn bị dọa đuổi ra khỏi trung tâm vì lúc bấy giờ nhiều người lo sợ sẽ bị liên lụy. Những cán bộ tại đây dù rất cám cảnh với hoàn cảnh gia đình nhưng không dám trái quy định, chỉ cấp cho hai suất ăn theo quy định. Đến bữa cơm, hai vợ chồng lại chia thành 4 suất để cả gia đình cùng ăn.

Năm 2002, ông Nguyễn Xuân Phú – Giám đốc trung tâm, trong một lần đến nhà ăn, tận mắt chứng kiến cảnh hai vợ chồng sẻ nửa phần cơm chia cho hai đứa con, đã vô cùng xúc động. Sau đó, vị cán bộ này đã họp đơn vị và đề xuất để được tiếp nhận thêm hai suất bảo trợ là hai đứa con của vợ chồng ông Sơn vào trung tâm. Tiếp đó, người đàn ông này đã tạo điều kiện thuận lợi cho các con của ông Sơn trong việc học hành. Đến nay, sau 26 năm sinh sống, gia đình ông Vương Đình Sơn và bà Phan Thị Thủy đã làm nên một thiên cổ tích giữa đời thường. Không chỉ vượt qua số phận, hai ông bà còn viết tiếp kì tích bằng việc nuôi hai con khôn lớn, trưởng thành. Cô con gái đầu Vương Thị Hoài Lam sau khi tốt nghiệp Đại học Y khoa Vinh đã kết hôn. Đứa con thứ hai Vương Đình Trường cũng nối theo bước chị, theo học trường Y khoa Vinh.

Giờ đây, sau nhiều năm gắn kết, niềm vui lớn nhất của đôi vợ chồng này là thấy các con khỏe mạnh, phương trưởng. Chỉ vậy thôi nhưng cũng khiến hai con người bị khuyết tật về thể xác tìm thấy sự đầy đủ trong tâm hồn.

Ông Nguyễn Xuân Phú, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An tâm sự: “Trường hợp ông Sơn, bà Thủy là hi hữu nhất từ trước tới nay. Cảm phục trước sự nỗ lực không mệt mỏi của ông bà nên hàng năm, có đoàn công tác xã hội đến, trung tâm luôn ưu ái giới thiệu đến gia đình ông bà, nhằm hỗ trợ họ phần nào vượt qua khó khăn. Tình yêu, sự hi sinh, vượt khó của ông bà là tấm gương để mọi người trong trung tâm noi theo”.

Theo T.Nguyên (Gia Đình & Xã Hội)