Đời sống

Chuyên gia cảnh báo mối họa trẻ bị bỏ quên trên xe ô tô: Ngay cả khi trời lạnh cũng vô cùng nguy hiểm!

Theo chuyên gia, trẻ bị bỏ quên trong một chiếc ô tô, nhiệt độ cơ thể của trẻ sẽ tăng nhanh hơn từ 3 đến 5 lần so với người lớn. Vì thế, ô tô sẽ trở thành một cái bẫy tử thần nếu trẻ bị người lớn bỏ quên trên xe.

Lại thêm một trường hợp bé trai bị bỏ quên trên xe đưa đón khiến dư luận rúng động.

Tối 15/9, nguồn tin từ BV Nhi TƯ cho biết, bé trai 3 tuổi bị bỏ quên trên xe đưa đón của một trường mầm non tại huyện Tiên Du, Bắc Ninh được chuyển đến BV cấp cứu vào chiều 13/9 trong tình trạng lơ mơ, sốt cao trên 38 độ do mất nước, trước đó bé có biểu hiện hạ đường huyết.

Gia đình cho biết, bé đã bị bỏ quên trên xe khoảng 9 tiếng, từ sáng đến chiều. Khi được phát hiện đã chuyển ngay vào bệnh viện huyện rồi chuyển lên BV Sản nhi tỉnh Bắc Ninh cấp cứu trước khi chuyển tiếp đến BV Nhi TƯ.

Tại BV Nhi TƯ, sau 2 ngày điều trị, hiện bé đã tỉnh táo, tiếp xúc được với cha mẹ.

Chuyên gia cảnh báo mối họa trẻ bị bỏ quên trên xe ô tô: Ngay cả khi trời lạnh cũng vô cùng nguy hiểm!
Bé trai bị bỏ quên trên xe ô tô khiến phụ huynh rúng động. Ảnh minh họa.

Trước đó, sự việc xảy ra ngày 6/8 với cháu bé 6 tuổi là học sinh Trường PTLC Quốc tế Gateway, cũng được cho là bị bỏ quên trên xe ô tô 9 tiếng vẫn chưa thôi độ "nóng".

Trẻ bị bỏ quên trên xe đưa đón đã trở thành cơn ác mộng của các bậc phụ huynh bởi việc làm này uy hiếp nghiêm trọng tính mạng của trẻ.

Bày tỏ quan điểm về vụ việc này, bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn đặt câu hỏi xót xa: "Vậy tại sao bài học vẫn chưa được rút ra từ vụ Gateway, để sau hơn một tháng lại có thêm cháu bé 3 tuổi ở Bắc Ninh bị bỏ quên trên xe ô tô?

Nếu câu trả lời chỉ dừng lại ở sự vô tâm, vô trách nhiệm của nhà trường, của người đưa đón trẻ, thì chưa đủ và sự việc sẽ còn tiếp tục xảy ra thêm nữa".

Chuyên gia cảnh báo mối họa trẻ bị bỏ quên trên xe ô tô: Ngay cả khi trời lạnh cũng vô cùng nguy hiểm! - 1
Bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn.

Theo bác sĩ Phúc, trẻ em với diện tích da ít, nên lượng mồ hôi thoát ra để làm mát cơ thể sẽ không nhiều như người lớn, vì thế mà trẻ bị bỏ quên trong một chiếc ô tô, nhiệt độ cơ thể của trẻ sẽ tăng nhanh hơn từ 3 đến 5 lần so với người lớn.

Khi nhiệt độ cơ thể lên đến 40°C thì các cơ quan bắt đầu rối loạn, trên 41°C bắt đầu say nóng và đe dọa tính mạng, cao hơn 42°C sẽ sốc nhiệt và tử vong nhanh chóng.

Một nghiên của Đại học California, vừa công bố trên Tạp chí Nhiệt độ Mỹ ngày 24/5/2018, thực nghiệm 6 chiếc ô tô trong điều kiện thời tiết 35°C, tương đương nền nhiệt độ ngày 6/8 ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) nơi cháu bé tử vong.

Theo đó, nếu ô tô đỗ ngoài trời nắng, thì sau 1 giờ nhiệt độ không khí trong xe lên tới 47°C, bảng điều khiển 69°C, tay lái 53°C, ghế ngồi 51°C.

Nếu ô tô đỗ trong bóng râm, sau 1 giờ nhiệt độ không khí trong xe là 38°C, bảng điều khiển 48°C, ghế ngồi 41°C; mô phỏng đứa trẻ 2 tuổi, thì sau 2 giờ sẽ bị sốc nhiệt.

Ngay cả khi trời lạnh thì một đứa trẻ bị bỏ trên ô tô cũng sẽ nguy hiểm.

Nghiên cứu của Đại học bang San Francisco cho thấy một chiếc xe hơi đóng cửa trong thời tiết lạnh 21°C, nhiệt độ trong xe tăng lên khá nhanh, ngay cả khi đã kéo hé một chút cửa kính thì nhiệt độ cũng thay đổi không đáng kể.

Sau 10 phút, nhiệt độ tăng lên 32°C, sau 20 phút tăng lên 37°C, sau 30 phút tăng lên 40°C, sau 60 phút tăng lên 45°C và sau 2 tiếng tăng lên 49°C.

Nghiên cứu này cũng sử dụng dữ liệu mô hình đứa trẻ 2 tuổi, đặt vào trong ô tô với điều kiện thời tiết 35°C, kết quả nhiệt độ cơ thể đạt đến độ say nóng sau 1 giờ ô tô phơi ngoài trời nắng, sau 2 giờ ở trong bóng râm.

Vì thế, ô tô sẽ trở thành cái bẫy tử thần cướp đi tính mạng của trẻ nếu chẳng may trẻ bị bỏ quên trên xe.

"Với các phương tiện đưa đón học sinh bắt buộc nhà trường phải xây dựng quy trình chuẩn; giáo viên, người phụ trách học sinh, lái xe phải tuân thủ chặt chẽ từng bước của quy trình ấy.

Với các bậc phụ huynh, để không bỏ quên con mình trên xe, cần thiết phải có một số kĩ năng căn bản. Ví dụ, trẻ ngồi ghế sau thì để cặp sách hay đồ chơi ở phía trước để nhắc nhở có sự hiện diện của con.

Để đồ dùng các nhân của cha mẹ như túi xách, ba lô, hay điện thoại di động ngay cạnh chỗ ngồi của con ở ghế sau. Thiết lập hệ thống dịch vụ nhắn tin hay gọi điện nhắc nhở với nhà trường khi con không đến lớp. Luôn kiểm tra lại bên trong xe trước khi khóa xe để tránh gây ra hậu quả khôn lường", bác sĩ Phúc khuyến cáo.

Theo Thu Hà (Phụ Nữ Sức Khỏe)