Đời sống

Lao động "chui" tử vong nơi xứ người: Vỡ tan giấc mộng đổi đời

Nhiều lao động đi xuất khẩu gặp thuận lợi, cuộc sống kinh tế được cải thiện. Nhưng cũng có trường hợp trở về với con số không khi giấc mộng đổi đời tan vỡ.

Nhiều lao động đi xuất khẩu gặp thuận lợi, cuộc sống kinh tế được cải thiện. Nhưng cũng có trường hợp trở về với con số không khi giấc mộng đổi đời tan vỡ.
Thực tế cho thấy, có không ít lao động Việt khi sang làm việc ở xứ người đã phải bỏ mạng vì nhiều lý do. Mới đây, một nữ lao động Nghệ An đã tử vong tại Trung Quốc khi đang làm việc tại nước này.

Theo thông tin được công bố, chị Nguyễn Thị H. (20 tuổi), quê xã Hội Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An), trú tại thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa) vượt biên sang Trung Quốc lao động từ ngày 26/1/2016. Đến ngày 31/1, Công an tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) phát hiện chị H. bị đâm vào bụng tại thị trấn Am Phụ, Khu Kiều Đông, TP.Triều Châu, tỉnh Quảng Đông. Mặc dù được công an địa phương đưa đi cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng nên chị đã tử vong vào ngày 2/2.

Khoảng một tháng sau (24/2), gia đình nhận được tin báo về cái chết của chị nên đã liên hệ với các cơ quan chức năng để hướng dẫn làm thủ tục đưa thi thể chị H. về nước.

Đến ngày 21/3, gia đình đã đưa được di cốt của chị H. về quê (xã Hội Sơn) để an táng với kinh phí lên đến 120 triệu đồng.
 
Đây chỉ là một trong vô số trường hợp lao động Việt thiệt mạng tại nước ngoài.
 
 Nguyên nhân cái chết của họ có thể là do bệnh tật, tai nạn và thậm chí bị sát hại. Dù thế nào, hẳn rằng đó là điều không ai mong muốn.
 
Số lượng lao động 'chui' ngày càng tăng cao. Ảnh minh họa.

Cuộc sống nơi quê nhà khốn khó là một trong những lý do khiến họ muốn xuất ngoại. Một cuộc sống đủ đầy, có việc làm, thu nhập ổn định đang hiện ra trước mắt. Vì thế, những con người ấy sẵn sàng rời quê hương, xa người thân để tới xứ người xa lạ.

Vậy nhưng, với khả năng tài chính hạn chế, vài chục đến vài trăm triệu làm thủ tục xuất khẩu là con số quá lớn. Đương nhiên họ không thể đáp ứng được điều kiện đó. Và "lối thoát" duy nhất chính là vượt biên, đi "chui".

Xuất khẩu lao động đã vất vả, lao động "chui" còn khổ hơn. Đúng như tên gọi của nó, người lao động phải sống và làm việc chui lủi, né tránh sự kiểm tra của giới hữu trách xứ người, chưa kể đến những nước có tình hình an ninh phức tạp thì cuộc sống còn bất ổn và đáng lo ngại hơn.

Có người may mắn kiếm được việc làm tốt, nhưng cũng có trường hợp không may khi công việc bấp bênh, tiền công bèo bọt. Có khi số tiền kiếm được chẳng đủ để họ sống chứ đừng nói đến gửi về cho người thân nơi quê nhà.

Và rồi, đến một ngày "định mệnh", vì lý do nào đó, sinh mạng của những lao động ấy bị tước đoạt. Họ đã chết, trong đau đớn và cô đơn khi không có một người thân nào bên cạnh. Ở quê nhà, người thân chỉ nhận được một cuộc điện thoạt thông báo con/cháu mình đã tử vong. Như một tiếng sét đánh ngang tai! Còn gì đau đớn hơn khi nghe hung tin ấy. Vốn nghèo khó, nay gia đình lại phải xoay sở, vay mượn số tiền lên đến hàng trăm triệu để đưa thi thể về nước.

Tôi không (có quyền) phán xét việc xuất khẩu lao động của bất cứ ai, vì đó là sự lựa chọn của mỗi người. Nhưng rõ ràng, cuộc sống bôn ba nơi xa xứ không hề dễ dàng như nhiều người vẫn nghĩ. Và nếu có quyết định ra đi, hãy cố gắng đi đúng ngạch, không nên đi chui hay theo bất cứ đường dây bất hợp pháp nào khác.

Bởi ước mơ "đổi đời" nhờ xuất ngoại không phải "một giấc mơ hồng".
 
>> Malaysia ngừng tuyển mới lao động nước ngoài
>> Vỡ mộng xuất khẩu lao động Nhật Bản
 
 
Theo N.Hương (Nguoiduatin.vn)