Thói quen ăn nhiều kẹo, bánh ngọt, nước có ga không chỉ ảnh hưởng đến răng miệng mà còn tiềm ẩn nguy cơ béo phì, rối loạn chuyển hóa, giảm khả năng tập trung.

Không ít cha mẹ phàn nàn rằng con mình nghiện đồ ngọt, ngày nào không có kẹo bánh là cáu gắt, ăn vặt liên tục nhưng bỏ bữa chính. Đằng sau những biểu hiện tưởng như vô hại ấy là một lời cảnh báo cho sức khỏe lâu dài của trẻ. Vậy làm sao để trẻ thoát khỏi sự phụ thuộc vào đường mà không gây căng thẳng, áp lực?

4.jpg
Ảnh minh họa/ Nguồn internet

Vì sao trẻ em dễ nghiện đồ ngọt?

Tâm lý tự nhiên: Trẻ em có xu hướng thích vị ngọt bẩm sinh. Đường tạo cảm giác dễ chịu, kích thích sản sinh dopamine, chất dẫn truyền thần kinh tạo cảm giác hạnh phúc. Điều này lý giải vì sao khi buồn, mệt hay căng thẳng, trẻ thường muốn ăn bánh, uống nước ngọt để cảm thấy dễ chịu hơn.

Thói quen từ môi trường gia đình: Nhiều cha mẹ vô tình tạo điều kiện cho trẻ nghiện đồ ngọt khi dùng bánh kẹo như phần thưởng, hoặc dỗ trẻ nín khóc bằng một cái kẹo. Dần dà, trẻ hình thành suy nghĩ: Ăn ngọt là được yêu chiều và thói quen này rất khó thay đổi khi đã ăn sâu.

Đồ ngọt quá dễ tiếp cận: Quầy tạp hóa, siêu thị, máy bán hàng tự động, thậm chí cả trong các bữa tiệc ở trường học… đâu đâu cũng có bánh kẹo, nước ngọt. Sự hấp dẫn về màu sắc, hình dáng, mùi vị khiến trẻ không thể cưỡng lại.

Hệ lụy khôn lường

Sức khỏe răng miệng: Đường là món ăn ưa thích của vi khuẩn gây sâu răng. Ăn nhiều đồ ngọt, đặc biệt là sau bữa tối hoặc trước khi đi ngủ, làm tăng nguy cơ sâu răng, viêm nướu, hỏng men răng.

Thừa cân – béo phì: Lượng calo từ đường dư thừa, nếu không được tiêu hao qua vận động, sẽ chuyển hóa thành mỡ thừa, gây tăng cân nhanh chóng. Béo phì ở trẻ nhỏ là vấn đề y tế nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cả thể chất và tâm lý.

Tăng nguy cơ rối loạn chuyển hóa: Trẻ ăn nhiều đường từ nhỏ có thể sớm bị rối loạn đường huyết, gan nhiễm mỡ, cao huyết áp, rối loạn lipid máu… những yếu tố tiền đề dẫn đến tiểu đường type 2 và bệnh tim mạch khi trưởng thành.

Ảnh hưởng đến hành vi và khả năng tập trung: Đường có thể gây hưng phấn tạm thời nhưng kéo theo đó là sự “tụt mood” nhanh chóng. Trẻ dễ trở nên cáu gắt, mất bình tĩnh, giảm khả năng tập trung khi đường huyết dao động bất thường.

Dấu hiệu nhận biết trẻ nghiện đồ ngọt

Trẻ đòi ăn kẹo, uống nước ngọt mỗi ngày, không ăn sẽ khó chịu hoặc tức giận.

Thích ăn bánh kẹo hơn các món ăn chính.

Có biểu hiện thèm đường như người lớn thèm cà phê, bứt rứt, mất bình tĩnh nếu không có đồ ngọt.

Tăng cân nhanh, răng sâu, dễ mệt mỏi, ngủ không sâu giấc.

Cha mẹ phải làm gì khi con nghiện đồ ngọt?

Đừng cấm tuyệt đối, hãy chuyển hướng từ từ

Cắt đột ngột lượng đường có thể khiến trẻ phản ứng tiêu cực. Thay vào đó, hãy giảm dần lượng kẹo bánh mỗi ngày, xen kẽ bằng các loại thực phẩm lành mạnh như trái cây tươi, sữa chua không đường, ngũ cốc nguyên cám.

Giải thích cho con hiểu

Trẻ em rất nhạy cảm với việc bị cấm đoán. Hãy chia sẻ với con những thông tin đơn giản: “Nếu ăn nhiều kẹo, con dễ bị sâu răng và bác sĩ phải khoan răng đó nhé”. Trẻ lớn hơn có thể xem clip, tranh ảnh về hậu quả của đường với cơ thể.

Tạo môi trường ăn uống lành mạnh trong gia đình

Gia đình là nơi quyết định thói quen ăn uống. Cha mẹ nên hạn chế mua và trữ sẵn bánh kẹo trong nhà. Khi cả nhà cùng ăn rau củ, uống nước lọc thay vì nước ngọt, con sẽ dần điều chỉnh theo.

Khuyến khích vận động

Nhiều trẻ xem TV hoặc dùng điện thoại thường ăn vặt vô thức. Hãy tăng thời gian chơi ngoài trời, tham gia hoạt động thể chất như bơi lội, nhảy dây, đá bóng …những trò chơi vừa giúp con khỏe mạnh vừa quên đi đồ ngọt.

Khi nào cần đưa trẻ đi khám?

Nếu trẻ có dấu hiệu béo phì, tăng cân nhanh bất thường, răng sâu nhiều, mất ngủ, kém tập trung, hay cáu gắt hãy đưa con đến bác sĩ nhi hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn, điều chỉnh chế độ ăn hợp lý.

Đồ ngọt không phải là kẻ xấu nếu được dùng đúng liều lượng và thời điểm. Tuy nhiên, nghiện đường ở trẻ nhỏ là dấu hiệu báo động cho những nguy cơ sức khỏe về sau. Cha mẹ chính là người có vai trò quan trọng nhất trong việc giúp con hình thành thói quen ăn uống lành mạnh, kiểm soát lượng đường, từ đó xây dựng nền tảng thể chất và tinh thần vững chắc. Hãy bắt đầu từ sự kiên nhẫn, hiểu con và đồng hành cùng con mỗi ngày.