Gia đình

Covid-19 đã ổn, có cần tiêm vaccine Covid-19 mũi 4?

Mặc dù vaccine vẫn là biện pháp phòng dịch chủ chốt, tiến độ tiêm mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4) tại một số tỉnh, thành hiện còn khá chậm.

Bệnh nhân Covid-19 cả nước giảm mạnh, số ca bệnh nặng rất ít. Các tỉnh phía Nam ghi nhận rải rác dưới 10 ca trong ngày; riêng TP HCM - nơi từng là đỉnh dịch cả nước với hàng trăm nghìn ca mắc mỗi ngày, hiện ghi nhận dưới 20 ca. Các hoạt động đời sống trở lại bình thường, Bộ Y tế đã đề xuất sửa đổi thông điệp 5K thành V2K (vaccine, khẩu trang, khử khuẩn).

Trong bối cảnh này, các chuyên gia cho rằng Việt Nam đã đạt được miễn dịch cộng đồng, do tỷ lệ bao phủ vaccine cao, lượng người từng mắc bệnh lớn. Tuy nhiên, nhiều người dân thấy dịch đã ổn, bản thân đã có miễn dịch nên ngại tiêm mũi nhắc lại (mũi 3 hoặc 4). Điều này dẫn đến tiến độ tiêm chủng ở nhiều địa phương còn chậm, một số nơi từ chối nhận hoặc đề nghị trả lại vaccine đã được phân bổ trước đó.

Chia sẻ với Zing về dự định tiêm vaccine Covid-19 mũi 4, Hiếu Duy (25 tuổi, nhân viên văn phòng, sống tại Bình Thạnh) cho biết anh không nghĩ đến việc này.

Duy chia sẻ sau khi tiêm 3 mũi vaccine, anh đã mắc Covid-19 vào tháng 3. Trong thời gian mắc Covid-19, anh có triệu chứng nhẹ, sức khỏe không bị ảnh hưởng đáng kể.

"Điều quan trọng hơn là tôi sợ phải mất 1-2 ngày sốt li bì sau tiêm vaccine. Kể từ sau khi khỏi bệnh, trong suy nghĩ, tôi không còn thấy sợ Covid-19 nữa nên tiêm thêm mũi vaccine, với tôi, không cần thiết", Duy chia sẻ.

Covid-19 đã ổn, có cần tiêm vaccine Covid-19 mũi 4?
Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Trong khi đó, Ngọc Bích (24 tuổi, sinh viên tại TP.HCM) còn khá băn khoăn trước quyết định tiêm vaccine Covid-19. Lý do nữ sinh đưa ra là những ảnh hưởng (có thể xảy ra) sau khi tiêm với cơ thể.

"Tôi nghe các thông tin về vaccine mRNA có thể ảnh hưởng gene nên còn nhiều lo lắng. Ngoài ra, hiện tại, tất cả trở về cuộc sống bình thường, không có dịch nên tiêm vaccine hay không, với tôi không quan trọng lắm, tuy nhiên, tôi vẫn khuyên ông bà lớn tuổi nên tiêm vaccine để phòng bệnh tốt hơn", Bích nói với Zing.

Liên quan tới sự việc, VnExpress dẫn lời PGS Đỗ Văn Dũng (Trưởng Khoa Y tế Công cộng, Trường Đại học Y Dược TP HCM), nhận định miễn dịch cộng đồng sẽ giảm theo thời gian, do đó vẫn cần tiêm vaccine mũi nhắc lại. Việc này không chỉ tạo miễn dịch bền vững mà quan trọng là bảo vệ người tiêm. Các nghiên cứu ghi nhận, tiêm vaccine mũi 4 giúp người lớn tuổi giảm 50% nguy cơ bệnh nặng so với người chỉ tiêm 3 mũi. Ở người trẻ tuổi, tiêm mũi 4 cũng giúp giảm 40% nguy cơ nhiễm Covid-19 có triệu chứng, từ đó giúp hạn chế nguy cơ gián đoạn công việc, học tập cũng như giảm nguy cơ bị hậu Covid.

"Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo các nước có thể cân nhắc giữa lợi ích của mũi 4 và kinh phí bỏ ra mua vaccine. Nếu Việt Nam đã sẵn có vaccine, việc tiêm mũi nhắc lại sẽ có nhiều lợi ích", ông Dũng nói.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu (Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM) cho rằng, vaccine ngừa Covid-19 là vũ khí quan trọng nhất để chấm dứt đại dịch, bảo vệ người dân, làm giảm nguy cơ tử vong nếu không may mắc bệnh. Việc tiêm các mũi nhắc lại nhằm khôi phục khả năng đáp ứng miễn dịch của cơ thể đã bị suy giảm theo thời gian, đặc biệt ở nhóm nguy cơ cao như trẻ em, người lớn tuổi và người mắc bệnh nền; bảo đảm duy trì miễn dịch cộng đồng, kiểm soát dịch bền vững.

"Số ca nhiễm tại TP HCM đã giảm rất sâu nhưng mầm bệnh vẫn còn tồn tại trong cộng đồng. Nguy cơ lây nhiễm vẫn có thể xảy ra nếu không tiếp tục duy trì những giải pháp như tiêm vaccine, khử khuẩn, mang khẩu trang. Thế nên việc tiêm nhắc lại rất quan trọng và mang ý nghĩa quyết định cho sự ổn định lâu dài", ông Châu nói.

Hiện, số vaccine Bộ Y tế tiếp nhận đủ để tiêm mũi 3, 4 cho người từ 18 tuổi trở lên và đủ để sử dụng tiêm hai liều cơ bản cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, trong tháng 6.

Tại Hội nghị tăng cường triển khai tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 chiều 13/6, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, Thủ tướng luôn nhắc Việt Nam kiểm soát được đại dịch Covid-19 nhờ một trong những nội dung quan trọng nhất là tiêm vaccine. Tỷ lệ tiêm mũi một, mũi hai của người dân nước ta rất cao so với nhiều nước trên thế giới. "Dù đất nước đã ở trạng thái bình thường mới nhưng chúng ta không thể lơ là, phải tiếp tục đẩy nhanh tiêm chủng các mũi tiếp theo", bà Hương nói.

Ngoài nhóm nguy cơ cần tiêm mũi nhắc lại, theo bà Hương, phải đẩy mạnh tiêm cho người lao động tại khu công nghiệp, khu chế xuất để đảm bảo sản xuất; tiêm cho trẻ em để an toàn cho năm học mới. Đối với những người sợ gặp phản ứng phụ, các địa phương thu xếp cho họ tiêm ở cơ sở y tế, kể cả tiêm ngoài giờ.

Covid-19 đã ổn, có cần tiêm vaccine Covid-19 mũi 4? - 1
Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Theo Bộ Y tế, nCoV liên tục tiến hóa, khó xác định tính nguy hiểm của các biến thể. Hiện, Omicron là biến thể phổ biến trên thế giới nhưng vẫn có thể xuất hiện loại mới, có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc miễn dịch khiến người bệnh có triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong, đặc biệt ở các nhóm dễ bị tổn thương. Do đó, vaccine tiếp tục được xem là "vũ khí chiến lược" quyết định nền tảng trong phòng chống Covid-19.

3 nhóm được ưu tiên mũi 4 gồm:

- Người từ 50 tuổi trở lên.

- Người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng.

- Người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với Covid-19 (cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu như giáo viên, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc tại các sở, ban, ngành thành phố, công ty, doanh nghiệp...).

Lịch tiêm mũi nhắc vaccine phòng Covid-19

+ Liều nhắc lần 1 (mũi 3): Ít nhất 3 tháng sau tiêm mũi cuối cùng của liều cơ bản.

+ Liều nhắc lần 2 (mũi 4): Ít nhất là 4 tháng sau khi tiêm mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3).

*Lưu ý: Với người đã mắc Covid-19 sau tiêm mũi 3, trì hoãn tiêm chủng 3 tháng kể từ ngày mắc Covid-19.

LH (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/covid-19-da-on-co-can-tiem-vaccine-covid-19-mui-4-tintuc828171