Gia đình

Quy tắc thanh lọc bằng nước ép trái cây

Nước ép trái cây tốt cho sức khỏe nhưng nếu uống mỗi ngày cả lít có thể gây tăng cân, béo phì.

Trong thời gian nắng nóng vừa qua, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng - Trưởng Khoa Khám tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Hà Nội) liên tiếp nhận nhiều ca bệnh có các vấn đề liên quan tới dinh dưỡng, đường huyết.

Chị Ngô Thị T. (43 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) đến khám tại Viện Dinh dưỡng Quốc gia vì mệt mỏi, ăn uống khó tiêu, đường huyết lên cao.

Chị T. trước đó đã khám dinh dưỡng tại đây. Bác sĩ cho biết, chị T. thừa cân và tiền đái tháo đường cần thay đổi chế độ ăn uống khoa học hơn. 

Quy tắc thanh lọc bằng nước ép trái cây
Nước ép trái cây tốt cho sức khỏe nhưng chỉ nên uống vừa đủ tránh thừa cân, tăng đường huyết. Ảnh minh họa: Hartwell

Xem quảng cáo trên mạng, chị T. đã mua gói detox bằng nước ép. Trong 1 tuần, chị T. giảm được 1,5kg. Sau đó, chị T. tự giảm cân tại nhà bằng cách chỉ uống nước ép từ cà rốt, dứa, ổi, dưa hấu. Mỗi ngày, chị ép cả lít nước và để tủ lạnh uống dần.

Trong lần kiểm tra mới đây của chị T., đường huyết tăng cao kèm theo gan nhiễm mỡ độ 1. 

Tiến sĩ Hưng cho biết trường hợp như chị T. không hiếm. Nhiều người nghĩ rằng uống nước ép giảm cân, thanh lọc cơ thể thậm chí có người khoe ngày uống 1 - 2 lít nước ép thay cho nước lọc. Tuy nhiên, bác sĩ Hưng cho rằng thói quen này sai. Sử dụng bất kỳ sản phẩm nào cũng cần theo nguyên tắc đúng và đủ.

Lượng nước ép mỗi ngày

Theo bác sĩ Hưng, nước ép từ các loại trái cây phổ biến như dứa, ổi, cam, bưởi, táo có thể thêm củ cà rốt, củ dền đều có hàm lượng đường nhất định. Sử dụng quá nhiều các loại nước ép này dẫn tới thừa đường. Đường Fructose trong trái cây nếu dư thừa sẽ chuyển hóa thành chất béo trung tính trong gan và được lưu trữ dưới dạng chất béo gây tăng cân, béo phì. 

Ngoài ra, đường Fructose còn làm tăng axit uric và tăng cholesterol trong máu. Sự gia tăng nồng độ cholesterol trong máu dẫn tới tắc nghẽn động mạch và mạch máu có thể gây ra các bệnh tim mạch mạn tính.

Bác sĩ Hưng tiếp nhận rất nhiều người rối loạn đường huyết vì ăn quá nhiều hoa quả, nước trái cây. Mọi người quan niệm rằng củ quả an toàn nên ăn thoải mái. Đây là quan niệm sai lầm. Ăn nhiều dẫn tới dư thừa năng lượng, dư thừa đường gây rối loạn chuyển hóa nhất là ở độ tuổi trung niên.

Vì vậy, khi dùng trái cây ở dạng nước ép hay ăn nguyên miếng, người dùng vẫn phải đảm bảo khuyến nghị của các chuyên gia dinh dưỡng. Bác sĩ Hưng cho biết, người lớn nên ăn 250 - 300g hoa quả/ngày, trẻ nhỏ ăn 200g và đa dạng các loại hoa quả vì mỗi loại có hàm lượng các chất và vitamin khác nhau.

Bác sĩ Hưng cho biết, mỗi người có thể uống 1 ly nước ép khoảng 200ml/ngày bổ sung vitamin cho cơ thể. Khi bạn uống nước ép có thể không ăn trái cây khác. Với người thừa cân, béo phì, đường huyết cao nên chọn hoa quả ít đường như ổi, cà rốt, dưa chuột. Những người có bệnh thận mạn tính nên chọn hoa quả có hàm lượng kali thấp và nên tham khảo bác sĩ điều trị để dùng cho đúng.

Bác sĩ Hưng lưu ý thêm, người dân không nên uống nước ép trái cây vào buổi sáng sớm khi đang đói bụng. Dạ dày trống trơn khiến axit có trong nước ép gây tổn thương niêm mạc dạ dày. 

Với điều kiện nắng nóng như hiện nay, bác sĩ Hưng khuyến cáo người dân cần bổ sung nước đầy đủ. Khuyến nghị mỗi kg cân nặng tương đương 40ml nước. Người từ 60 tuổi trở lên nên uống 30ml/kg cân nặng. Ví dụ, người trẻ nặng 50kg nên uống 2 lít nước mỗi ngày, người già chỉ nên uống 1,5 lít.

Những người làm việc ngoài trời, tập luyện có thể tăng lượng nước hơn. Khi uống, bạn cần uống từ từ, trung bình 200 – 300ml/lần. Tuyệt đối không sử dụng nước hoa quả, nước ngọt thay thế nước lọc.

Theo Phương Thúy (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/quy-tac-can-nho-khi-thanh-loc-bang-nuoc-ep-trai-cay-2148970.html