Gia đình

Sống chung nhà với F0: BS nói có 5 cách tránh lây nhiễm Covid-19, ai cũng nên biết mà phòng

Sống chung nhà với F0, chúng ta sẽ có nguy cơ phơi nhiễm cho đến khi người đó có kết quả âm tính. Do vậy, ai cũng nên nắm 5 cách tránh lây nhiễm Covid-19 hiệu quả sau.

Theo các chuyên gia, bạn có thể tránh nhiễm Covid-19 từ F0 là người nhà hay không còn phụ thuộc vào hoàn cảnh của từng gia đình cũng như tình trạng tiêm chủng, khả năng giãn cách xã hội, có dùng chung đồ, cách thức dọn dẹp không gian chung…

Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Mỹ khuyến cáo: Vì sống cùng nhà nên chúng ta sẽ có nguy cơ phơi nhiễm cho đến khi người đó có kết quả âm tính. Do vậy, bạn cần phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa kỹ càng. Cụ thể, cách giữ an toàn khi có F0 sống cùng nhà như sau:

1. Cách ly, giữ khoảng cách với các thành viên trong nhà

Để tránh F0 lây nhiễm cho người cùng sống trong gia đình và cộng đồng, cần lưu ý những nội dung như: sắp xếp phòng ngủ, vệ sinh riêng cho F0; các thành viên trong gia đình luôn giữ khoảng cách với F0; bệnh nhân F0 cần tránh tiếp xúc gần với người khác và vật nuôi.

Ở Mỹ, F0 phải tự cách ly trong 5 ngày. Nếu không có triệu chứng hoặc nhẹ (không sốt trong 24 giờ) thì có thể kết thúc cách ly. Song, vẫn cần đeo khẩu trang thêm 5 ngày khi tiếp xúc với người khác.

Sống chung nhà với F0: BS nói có 5 cách tránh lây nhiễm Covid-19, ai cũng nên biết mà phòng
Nhân viên y tế cung cấp túi thuốc cho bệnh nhân F0 điều trị tại nhà ở TP HCM. 

2. Tự làm xét nghiệm tại nhà

Cứ vài ngày một lần, cần tự theo dõi các triệu chứng và làm xét nghiệm lặp lại để biết tình trạng của bản thân.

3.  Đeo khẩu trang trong nhà

CDC cảnh báo: Nếu trong gia đình có người nhiễm cô vít, các thành viên cần đeo khẩu trang vừa vặn, ôm khít với mặt để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm. Trong đó, có 2 loại khẩu trang được khuyến cáo nên dùng là N95 và KN95. Đây là hai loại cung cấp khả năng bảo vệ tốt nhất nếu trong nhà có người là F0. Còn bình thường thì bạn có thể dùng khẩu trang vải hoặc khẩu trang y tế bình thường đều được.

4. Thường xuyên làm sạch và khử trùng nhà ở

Bố trí ăn riêng cho F0 và nên dùng đồ sử dụng một lần. Thức ăn thừa không dùng cũng phải bỏ vào thùng rác kín riêng. F0 phải tự rửa chén, đũa sau khi ăn bằng nước nóng và dung dịch rửa chén - dĩa. F0 nên tự giặt quần áo của mình, nếu có điều kiện nên giặt bằng máy sau đó sấy, phơi khô. F0 cần thường xuyên tự vệ sinh khu vực ở của mình. Nếu F0 cần phải được hỗ trợ thì người chăm sóc nên đeo găng tay.

Gia đình có người F0 phải bảo đảm nhà ở thông thoáng bằng cách luôn mở cửa khi có thể. Trường hợp gia đình không quá rộng nên F0 không có phòng riêng thì F0 nên tự chủ động vệ sinh và làm sạch, khử trùng các bề mặt lẫn vật dụng sau mỗi lần mình sử dụng. Điều này nhằm hạn chế việc cô vít bám lên bề mặt sẽ tăng nguy cơ lây nhiễm

Còn nếu F0 mà không có đủ sức khỏe để vệ sinh thì một thành viên khác cần giúp đỡ. Người giúp đỡ này cần đeo khẩu trang ôm khít mặt và dùng gang tay để làm sạch, khử trùng khi cần thiết.

Các thành viên là F0 rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước tối thiểu 30 giây hoặc dung dịch sát khuẩn tay khô và thao tác ít nhất 15 giây. Rửa tay trước và sau khi ăn, uống; sát khuẩn các bề mặt.

Sống chung nhà với F0: BS nói có 5 cách tránh lây nhiễm Covid-19, ai cũng nên biết mà phòng - 1
Nhân viên y tế ở Yên Bái tư vấn, hướng dẫn chăm sóc cho F0 điều trị tại nhà.

5. Để cho một thành viên chuyên trách chăm sóc F0

Khi trong nhà có người là F0, mọi người nên họp bàn và cử ra người chuyên chăm sóc F0. Những người khác sẽ chỉ hỗ trợ. Chẳng hạn, người này sẽ chuyên chịu trách nhiệm tiếp xúc như đưa cơm, vật dụng hay dọn dẹp cho F0. Những người khác hỗ trợ bằng cách nấu nướng, đưa đồ… cho người này. Song, cần tránh tiếp xúc bằng cách để ở cửa rồi nhắn họ ra lấy. Việc này nhằm hạn chế tiếp xúc vì càng nhiều người tiếp xúc với F0 thì nguy cơ lây lan trong hộ gia đình càng cao.

F0 nên ăn gì để tăng cường sức khỏe?

F0 không triệu chứng

Chế độ ăn như người khỏe mạnh bình thường. Ăn đủ nhu cầu, đa dạng và phối hợp 15-20 loại thực phẩm, thay đổi thường xuyên thực phẩm trong ngày. Khẩu phần ăn hàng ngày cần phối hợp ở tỷ lệ cân đối giữa nguồn chất đạm, chất béo động vật và thực vật (thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua, hải sản, đậu, đỗ...).

Tăng rau xanh (nhu cầu 300-400 g/người/ngày) và hoa quả (200-300 g) trong bữa ăn hàng ngày, vì rau quả cung cấp các vitamin và khoáng chất chống oxy hóa.

Khi chế biến bữa ăn nên dùng thêm các loại gia vị như hành, tỏi, sả, gừng... do tính chất kháng sinh thực vật.

Bổ sung nước thường xuyên: Người trưởng thành bổ sung 1,6-2,4 lít nước/người/ngày (tương đương 8-12 ly thủy tinh). F0 ho, sốt, viêm phổi... dẫn đến bị mất nước và một số chất điện giải như natri, kali... Vì thế, tăng cường bổ sung nước để bù lượng nước đã mất, như oresol, nước dừa, sinh tố hoa quả chanh, nước cam, nước bưởi ép, nước xoài, rau má...

F0 triệu chứng nhẹ như sốt, ho, mất khứu giác...

Do yếu tố tinh thần và Covid -19 nên thường mệt mỏi, chán ăn, ăn không ngon. Nên ăn thành nhiều bữa trong ngày, khoảng 5 bữa, không ăn quá no do có thể gây khó thở (dễ nhầm lẫn với diễn biến của bệnh).

Các món ăn chế biến ở dạng mềm, thái nhỏ, hầm kỹ để dễ tiêu hóa và hấp thu. Món luộc, hấp, thay thế các món ăn chiên, rán, nướng vì khó tiêu hóa. Bổ sung sữa và các sản phẩm sữa, hai cốc mỗi ngày, đặc biệt là sữa năng lượng cao. Nếu ăn kém hoặc kém tiêu hóa, bổ sung probiotic (lợi khuẩn) mỗi ngày 2 lần, thêm viên đa vitamin - khoáng chất cho người lớn, siro, cốm đa vitamin- khoáng chất cho trẻ em.

Sống chung nhà với F0: BS nói có 5 cách tránh lây nhiễm Covid-19, ai cũng nên biết mà phòng - 2

F0 kèm bệnh lý nền như đái tháo đường, tăng huyết áp, thừa cân béo phì...

Ngoài việc tuân thủ phác đồ điều trị bệnh của bác sĩ, chế độ ăn bệnh lý giúp hạn chế và đẩy lùi diễn biến nặng . Nếu không thực đúng và nghiêm ngặt chế độ ăn bệnh lý, thuốc điều trị bệnh sẽ kém hiệu quả. Mỗi một bệnh nền có chế độ dinh dưỡng khác nhau, vì vậy người bệnh cần thực hiện theo tư vấn của bác sĩ dinh dưỡng.

Ví dụ người bệnh đái tháo đường ăn uống dựa theo chỉ số đường huyết. Người tăng huyết áp cần hạn chế sử dụng muối theo các mức độ khác nhau như chế độ ăn nhạt 400-700 mg natri/ngày/người (khoảng 1-2 g muối), chế độ ăn nhạt vừa 800-1.200 mg natri/ ngày/người (khoảng 2-3 g muối ăn/ngày), chế độ ăn nhạt hoàn toàn 200-300 mg natri/ngày/người và lượng natri này đã có đủ trong thực phẩm bữa ăn.

F0 có triệu chứng nặng điều trị tại các cơ sở bệnh viện

Dinh dưỡng hoàn toàn phụ thuộc mức độ triệu chứng, theo chế độ ăn điều trị của bệnh viện. Bệnh nhân tỉnh táo có thể chủ động ăn uống. F0 rối loạn ý thức và không tự ăn được bác sĩ cho ăn qua ống sonde dạ dày, hoặc truyền tĩnh mạch.

Ngoài chế độ dinh dưỡng, tăng cường hoạt động thể lực phù hợp với sức khỏe, với môi trường, như tập thở, đi bộ hoặc chạy tại chỗ, phẩy tay, tập yoga... khoảng 45-60 phút/ngày, 2 lần/ngày.

PN (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/song-chung-nha-voi-f0-bs-noi-co-5-cach-tranh-lay-nhiem-covid-19-ai-cung-nen-biet-ma-phong-tintuc809029