Gia đình

Thuốc trị ung thư giá chục triệu mỗi lọ: Vì sao chưa được BHYT thanh toán?

Theo GS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, việc điều trị ung thư đã có nhiều tiến bộ hơn so với 20 năm trước. Tuy nhiên, đây là căn bệnh phức tạp, các loại thuốc mới đắt đỏ nhưng cũng không phải "thuốc tiên".

Không phải “có thuốc là dùng”

Trao đổi với VietNamNet, Giáo sư Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, cho biết ông quan sát và theo dõi hằng ngày "bức tranh" phòng và điều trị ung thư. Hiện nay, nhiều tín hiệu mừng hơn.

Theo vị chuyên gia này, hiện nay, điều trị miễn dịch đã được áp dụng và đem lại hi vọng cho một số bệnh nhân ung thư nhất là bệnh nhân ở giai đoạn muộn. Liệu pháp miễn dịch trong ung thư là dùng các tế bào của chính hệ miễn dịch người bệnh khống chế căn bệnh.

Liệu pháp miễn dịch có thể hoạt động để làm dừng hoặc làm chậm lại sự tăng trưởng của các tế bào ung thư, ngăn chặn các tế bào ung thư lan tràn đến các bộ phận khác của cơ thể, đồng thời giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn nhằm phá hủy các tế bào ung thư.

Thuốc trị ung thư giá chục triệu mỗi lọ: Vì sao chưa được BHYT thanh toán?
Giáo sư Nguyễn Chấn Hùng - Chủ tịch Hội ung thư Việt Nam. 

Hiện chưa có tổng kết lớn về điều trị miễn dịch trong ung thư. Các bác sĩ chuyên khoa ung thư vẫn chỉ định cho bệnh nhân và dựa vào kết quả nghiên cứu trên thế giới. Tuy nhiên, đây là thời kỳ mới cho điều trị ung thư. Các nghiên cứu thuốc, công nghệ và phương tiện thay đổi nhanh chóng. 

Tuy nhiên, thuốc hiện đại mang hy vọng cho người bệnh nhưng quốc tế vẫn quy định chặt chẽ về việc sử dụng. Tại Mỹ, việc sử dụng thuốc miễn dịch cho bệnh nhân ung thư không phải “có là dùng”. 

Vì vậy, Việt Nam có thuốc miễn dịch nhưng người bệnh nghèo không tiếp cận được là điều dễ hiểu. Các chính sách, quỹ BHYT khó chi trả được hết cho bệnh nhân ung thư. Thậm chí, các quỹ bảo hiểm tư nhân trên thế giới cũng phải cân nhắc nhiều yếu tố. Trên hành trình chữa ung thư bằng thuốc thế hệ mới, Giáo sư Hùng thẳng thắn thừa nhận: “Người bệnh đành phải chấp nhận vấn đề này".

Thuốc trị ung thư giá chục triệu mỗi lọ: Vì sao chưa được BHYT thanh toán? - 1
Người bệnh ung thư điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Phương Thúy. 

Chuyên gia này phân tích chi phí để một loại thuốc ung thư mới ra đời là rất lớn nên giá thành khi đến tay người bệnh cũng rất cao. Dù đây là tín hiệu đáng mừng trong bức tranh phòng và điều trị ung thư, nhưng phải khẳng định rằng thuốc có thể phù hợp với những người có điều kiện tài chính. 

“Bức tranh phòng trị ung thư thêm màu tươi sáng, thêm người tươi vui không còn u tối như trước nhưng nó không phải sáng rực lên. Ngay kể cả liệu pháp miễn dịch này, nó là phương pháp tiến bộ nhưng người bệnh không nên quá hy vọng là “thuốc tiên”có thể chiến thắng ung thư. Bệnh ung thư vô cùng phức tạp, mỗi lúc ta lại biết thêm về nó. Chúng ta chưa nên lạc quan không cơ sở nhưng cũng không nên thất vọng như cách đây 20 năm”, Giáo sư Hùng cho biết.

Theo vị chuyên gia này, bí quyết để điều trị bệnh ung thư vẫn là "biết sớm trị lành". Trước đây, ung thư giai đoạn muộn là nan y nhưng hiện nay với phương tiện, máy móc và thuốc men hiện đại, vấn đề này có thể được tháo gỡ dần. Người bệnh có thể kéo dài cuộc sống lên tới 5 năm, khó tái phát hơn.

BHYT không quyết định việc thanh toán

Hiện nay, hai liệu pháp ung thư tiên tiến nhất giúp bệnh nhân mắc một số loại ung thư có cơ hội kéo dài sự sống là điều trị đích và miễn dịch. Trong đó, điều trị đích đã được phê duyệt vào danh mục thuốc được quỹ BHYT chi trả cho các bệnh nhân phù hợp. 

Đối với liệu pháp miễn dịch, dù đã được giới thiệu tại Việt Nam từ 5 năm trước, phương pháp này vẫn chưa được xem xét phê duyệt vào danh mục thuốc được quỹ BHYT chi trả. 

Theo ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, cho biết việc chi trả một loại thuốc hay một kỹ thuật y tế nào do Bộ Y tế làm chủ hội đồng y khoa đánh giá, đề xuất. Nhiều thuốc điều trị đích trước năm 2019 bệnh nhân được chi trả 100% nhưng sau năm 2019, BHYT chỉ đồng chi trả 50%.

Ông Phúc cho rằng đó là do đánh giá hiệu quả cũng như tác động của thuốc và có nhiều thuốc khác có thể thay thế các loại này. Với các thuốc điều trị ung thư đắt đỏ, cơ quan Bảo hiểm Xã hội không phải là đơn vị quyết định thanh toán hay không.

Hiện, liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư đã triển khai từ năm 2017 nhưng các thuốc đều không có trong danh mục thuốc BHYT. Do đó, ông Phúc cho rằng cần đánh giá nghiên cứu rộng rãi, hiệu quả để có chính sách phù hợp.

Thuốc trị ung thư giá chục triệu mỗi lọ: Vì sao chưa được BHYT thanh toán? - 2
Người bệnh và người nhà xếp hàng đóng viện phí tại Bệnh viện K (Hà Nội). Ảnh: Phương Thúy. 

Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng khoa Điều trị tự nguyên A, Bệnh viện K (Hà Nội), cho biết hiện nay bệnh nhân ung thư vẫn được điều trị thuốc đích, thuốc miễn dịch theo quy định của Bộ Y tế. Một số bệnh nhân phù hợp với Chương trình hỗ trợ bệnh nhân của Bộ Y tế đang được triển khai tại 23 bệnh viện trên toàn quốc.

Để mang lại hiệu quả tối ưu trong điều trị các bệnh lý ung thư, tiến sĩ Tuấn Anh khẳng định phải kết hợp nhiều phương pháp (đa mô thức) như phẫu thuật, xạ trị, hóa chất, miễn dịch… Nếu chỉ áp dụng một phương pháp riêng lẻ thì rất khó đạt được kết quả tối ưu trong điều trị ung thư.

Hiện nay, Việt Nam ghi nhận hơn 300.000 người đang sống chung với bệnh ung thư. Dù có nhiều tiến bộ trong sàng lọc phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị ung thư nhưng nhiều bệnh nhân vẫn đến viện ở giai đoạn muộn nên việc điều trị gặp nhiều khó khăn. Tiến sĩ Tuấn Anh cho rằng bài toán chi phí vẫn là phát hiện sớm, điều trị đơn giản, chi phí rẻ. 

Theo Phương Thúy (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/thuoc-tri-ung-thu-gia-chuc-trieu-moi-lo-vi-sao-chua-duoc-bhyt-thanh-toan-2145610.html