Kinh tế

Áp lực bán tăng cao cuối phiên, cổ phiếu ngân hàng 'đè' chỉ số

VN-Index lại lùi về sát vùng 1.300 điểm khi áp lực bán dâng cao cuối phiên, tập trung vào nhóm vốn hoá lớn. Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn chưa thoát khỏi xu hướng giảm, toàn bộ mã nhà băng niêm yết HoSE chìm trong sắc đỏ.

Áp lực bán tăng cao trong phiên chiều đã đẩy VN-Index giảm hơn 8 điểm, về sát vùng 1.300 điểm. Nhóm vốn hoá lớn VIC, CTG, BID, HPG, TCB, NVL, VCB, GAS, MBB, PDR đồng loạt giảm, gây áp lực cho chỉ số, thổi bay hơn 8 điểm.

Nhóm ngân hàng vẫn là lực cản của thị trường trong suốt phiên hôm nay, một số mã nới rộng đà giảm về cuối phiên chiều. CTG giảm sâu nhất nhóm nhà băng, đóng cửa thị giá giảm 3%/ BID, LPB, TPB đều giảm trên 2%.

Áp lực bán tăng cao cuối phiên, cổ phiếu ngân hàng 'đè' chỉ số
Toàn bộ cổ phiếu ngân hàng trên HoSE giảm giá

Toàn bộ cổ phiếu ngân hàng trên sàn HoSE chìm trong sắc đỏ, ngược lại, các mã niêm yết HNX, UPCoM đồng loạt tăng gía. Trong đó, SHB tăng 2,5%, giá trị giao dịch 807 tỷ đồng, chiếm khoảng 20% thanh khoản sàn HNX. SHB tăng mạnh nhất nhóm ngân hàng sau khi nhà băng này ký thoả thuận chuyển nhượng vốn điều lệ tại Công ty Tài Chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB Finance) cho Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan, thành viên chiến lược thuộc Tập đoàn MUFG (Nhật Bản).

Giá trị thương vụ này không được công, tuy nhiên theo chia sẻ của đại diện Krungsri trên tờ Nikkei Asia, ngân hàng này sẽ chi 5,1 tỷ Baht Thái, tương đương 156 triệu USD (tương đương hơn 3.500 tỷ đồng) để nhận chuyển nhượng SHB Finance.

Trước SHB, một ngân hàng Việt khác là VPBank cũng bán vốn ở công ty tài chính cho đối tác nước ngoài, cụ thể là tập đoàn Sumitomo Mitsu (Nhật Bản). Với định giá FE Credit đạt 2,8 tỷ USD, VPBank có thể thu về số tiền tương đương với gần 32.000 tỷ đồng

Nhóm cổ phiếu chứng khoán tiếp tục chịu áp lực chốt lời trong phiên hôm nay, với gần 20 mã giảm giá. Nhóm cổ phiếu đầu ngành nhưu HCM, SSI, VND cũng không ngoại lệ, HCM giảm tới 3,5%.

Tuy chỉ số đóng cửa giảm tới 8 điểm, nhưng áp lực chủ yếu ở nhóm vốn hoá lớn. VN30-Index giảm hơn 16 điểm. Thị trường có 180 mã giảm, 189 mã tăng, 21 mã tăng trần thì tập trung nhiều ở nhóm vận tải, cảng biển. Sau những phiên rung lắc, nhóm này tiếp tục tăng mạnh: HAH, AGM, VOS tăng trần. VNL, GMD tăng sát giá trần. Trên HNX, PHP, DXP tím trần, còn MVN với biên độ dao động lớn trên UPCoM, thi giá tăng tới 15%, đóng cửa đạt 44.500 đồng cổ phiếu.

Tuy nhiên, thanh khoản MVN gần như thấp nhất nhóm cảng biển, vận tải, khi cơ cấu sở hữu chiếm tới 99,47% là cổ đông nhà nước.

Trong lúc nhà đầu tư vẫn giữ tâm lý thận trọng, dòng tiền tìm đến một số cổ phiếu “phòng thủ”, ở những nhóm ngành ít biến động, ảnh hưởng vì dịch bệnh như điện, nước. BWE tăng trần, TDM, TDW tăng trên dưới 3%. Nhóm điện cũng có TV2 tăng trần, PCI, GEG tăng trên 4%. BWE, TV2 đột biến khối lượng giao dịch, tăng trên 200% so với trung bình 20 phiên gần nhất.

Khối ngoại quay lai bán ròng hơn 375 tỷ đồng trong phiên hôm nay, bán mạnh nhất VHM mới giá trị hơn 205 tỷ đồng. VHM giảm 0,37% xuống 106.600 đồng/ cổ phiếu.

Kết phiên 26/8, VN-Index giảm 8,43 điểm xuống 1.301,12 điểm, trong khi HNX, UPCoM-Index duy trì sắc xanh. Thanh khoản HoSE vẫn giữ mức thấp, khớp lệnh khoảng 16.710 tỷ đồng.

Theo Việt Linh (Tiền Phong)




https://tienphong.vn/ap-luc-ban-tang-cao-cuoi-phien-co-phieu-ngan-hang-de-chi-so-post1369853.tpo