Kinh tế

Chỉ 60 ngày, một sản vật của Việt Nam thu về gần 30 triệu USD, Trung Quốc mạnh tay nhập khẩu

Trong 2 tháng đầu năm 2024, sản vật này của Việt Nam được nhiều quốc gia trên thế giới ưa chuộng. Trong đó, riêng Trung Quốc mạnh tay chi gần 29 triệu USD để nhập khẩu.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), tôm hùm đang là mặt hàng hải sản có kim ngạch xuất khẩu tăng vọt. Hai loại tôm hùm chủ yếu được xuất khẩu là tôm hùm xanh và tôm hùm bông. VASEP cho biết, tính đến cuối tháng 2/2024, kim ngạch xuất khẩu tôm hùm xanh của nước ta đạt 27,6 triệu USD, tôm hùm bông đạt 2,15 triệu USD, lần lượt tăng 80 lần và 45 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Như vậy, nếu tính chung trong 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu tôm hùm của nước ta đạt gần 30 triệu USD, tức là cao hơn gấp 18 lần so với cùng kỳ của năm ngoái.

Theo số liệu và thống kê của VASEP, tôm hùm xanh và tôm hùm bông của Việt Nam được nhiều thị trường ưa chuộng như Thái Lan, Singapore, Malaysia. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ lớn nhất tôm hùm xanh của nước ta vẫn là Trung Quốc. Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2024, quốc gia này đã chi tới gần 29 triệu USD (gấp 27 lần so với cùng kỳ năm ngoái) để nhập khẩu loại hải sản này.

Chỉ 60 ngày, một sản vật của Việt Nam thu về gần 30 triệu USD, Trung Quốc mạnh tay nhập khẩu
Biểu đồ: MH (theo VASEP)

Theo VASEP nhận định, hiện nay, nhu cầu tiêu thụ tôm hùm xanh từ Trung Quốc khá cao. Trên thực tế, người nuôi tôm chủ yếu xuất hàng tươi sống là tôm hùm xanh, trong khi chỉ có một phần nhỏ tôm hùm bông được xuất khẩu sang thị trường này dưới dạng sản phẩm đông lạnh.

Theo VTV, đầu tháng 2/2024, sau khi trừ tất cả các chi phí, ngư dân nuôi tôm hùm ở thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên có thể lãi từ 300 – 400 nghìn đồng/kg. Lợi nhuận này có được kể từ khi các ngư dân ở đây tham gia vào các doanh nghiệp để xuất khẩu chính ngạch tôm hùm sang thị trường Trung Quốc.

Gỡ khó cho xuất khẩu tôm hùm Việt

Trước đó, vào tháng 10/2023, Trung Quốc đã ngưng nhập tôm hùm bông của Việt Nam, bởi vì quy định mới có liên quan đến Luật bảo vệ động vật hoang dã. Theo đó, để xuất khẩu tôm hùm bông sang thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp phải chứng minh tôm giống không được đánh bắt trực tiếp từ biển. Điều này có nghĩa là con tôm giống phải thuộc thế hệ F2 và có quá trình nuôi rõ ràng. Bên cạnh đó, phía doanh nghiệp nhập khẩu cũng cần phải có giấy phép về Bảo vệ động vật hoang dã từ Cục Ngư nghệp, thuộc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc.

Ngay đầu năm nay, ngày 20/1/2024, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam đã dẫn đầu đoàn công tác của Bộ để sang làm việc với chính quyền nhân dân tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) về hợp tác giao thương phát triển nông nghiệp.

Chỉ 60 ngày, một sản vật của Việt Nam thu về gần 30 triệu USD, Trung Quốc mạnh tay nhập khẩu - 1
Tôm hùm bông là mặt hàng có giá trị kinh tế cao trong nhóm hàng thủy sản của Việt Nam. Ảnh: Ganhhaisan

Tại cuộc họp, sau khi đi sâu thảo luận, hai bên thống nhất tiến hành phối hợp xử lý những vướng mắc trong xuất nhập khẩu cá tầm, tôm hùm bông theo cơ chế đặc biệt, đồng thời sẽ đưa vào Nghị định thư giữa hai quốc gia. Đặc biệt, trong khi chờ đợi ký Nghị định thư, Trung Quốc sẽ xem xét và tạo cơ chế đặc biệt để các cơ sở đăng ký xuất khẩu tôm hùm sang thị trường tỷ dân.

Trên thực tế, tôm hùm bông ở Việt Nam hiện có mức giá dao động từ 1,6 – 1,9 triệu đồng/kg, tùy kích cỡ. Trong khi đó, tôm hùm xanh có giá dao động từ 1 – 1,5 triệu đồng (tùy vào kích cỡ).

Chỉ 60 ngày, một sản vật của Việt Nam thu về gần 30 triệu USD, Trung Quốc mạnh tay nhập khẩu - 2
Tôm hùm xanh của Việt Nam hiện là mặt hàng được nhiều thị trường trên thế giới ưa chuộng. Ảnh minh họa

Theo thông tin từ Cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Việt Nam hiện có 5 tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận đang tập trung vào việc nuôi tôm hùm với tổng cộng hơn 179.000 lồng nuôi. Mỗi năm, sản lượng tôm hùm đạt hơn 3.250 tấn. Đặc biệt, Phú Yên và Khánh Hòa được coi là là "thủ phủ" tôm hùm, chiếm 95% số lồng và sản lượng nuôi.

Tôm hùm xanh và tôm hùm bông hiện là hai loài tôm hùm chính được thả nuôi ở các vùng biển ven bờ tại 5 tỉnh trên của nước ta, với sản lượng hàng năm lên tới hơn 3.000 tấn. Trong đó, tôm hùm xanh chiếm tới 60%. Chính vì vậy, trước rào cản thương mại về việc xuất khẩu tôm hùm bông, nhiều người dân đã chuyển sang nuôi tôm hùm xanh nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn về xuất khẩu chính ngạch.

Tôm hùm được coi là "sản vật" được nhà giàu ưa chuộng. Loài tôm này thường được chế biến bằng cách luộc hoặc hấp. Tôm hùm có thể được chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn. Theo Cơ sở dữ liệu dinh dưỡng quốc gia của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), một đĩa tôm hùm nấu chín có trọng lượng khoảng 145 gram, có chứa: 129 calo; 0 gram carbohydrate; 1,25 gram chất béo và 27,55 gram protein.

Theo các chuyên gia, trong tôm hùm có chứa một lượng đồng, kẽm, selen, phốt pho, magiê, vitamin B12, vitamin E và một lượng nhỏ axit béo omega-3. Do đó, ăn tôm hùm giúp cung cấp nhiều năng lượng protein, hỗ trợ kiểm soát về nhận thức, giúp xương chắc khỏe, giảm viêm và tốt cho tim mạch.

Theo Minh Hằng (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/chi-60-ngay-mot-san-vat-cua-viet-nam-thu-ve-gan-30-trieu-usd-trung-quoc-manh-tay-nhap-khau-a407566.html