Kinh tế

Dân kinh doanh xăng dầu tiết lộ 'nỗi khổ' khi phải gồng lỗ

Việc các đại lý bán lẻ xăng dầu gặp cảnh khan hàng, chiết khấu giảm, gồng lỗ là điều đang diễn ra trên thị trường. Tuy nhiên, cơ quan quản lý dường như vẫn còn chưa hiểu hết những khó khăn đại lý xăng dầu gặp phải.

Ông Nguyễn Gia Cường, chủ một DN kinh doanh xăng dầu với hơn 10 năm kinh nghiệm, đã gửi đến VietNamNet những quan điểm về thị trường xăng dầu hiện nay.

Chiết khấu 600 đồng là hòa vốn, nhưng liên tục chịu bằng 0 hoặc âm

Chuỗi cung ứng xăng dầu hiện tại có thể khái quát theo thứ tự như sau:

1. Đầu mối xuất nhập khẩu (có quyền nhập, xuất, mua hàng tại các nhà máy lọc dầu, bán hàng cho các đại lý, tổng đại lý, thương nhân phân phối - TNPP) 

2. TNPP trung gian (có quyền mua hàng từ nhiều đầu mối, có quyền bán hàng cho nhiều đại lý, nhiều tổng đại lý)

3. Tổng đại lý (có quyền bán hàng cho các đại lý, chỉ được mua hàng từ 1 đầu mối, hoặc 1 TNPP)

4. Đại lý bán lẻ (chỉ có quyền mua hàng từ 1 tổng đại lý, 1 TNPP hoặc 1 đầu mối)

Tôi gọi chung đầu mối, thương nhân phân phối, Tổng đại lý là nhà cung cấp.

Dân kinh doanh xăng dầu tiết lộ 'nỗi khổ' khi phải gồng lỗ
Một cây xăng tạm ngừng bán hồi tháng 3/2022. Ảnh: Trần Chung

Như vậy có thể thấy đại lý bán lẻ nằm cuối chuỗi cung ứng, điều kiện bị ràng buộc vô cùng chặt chẽ. Lợi nhuận của đại lý là dựa vào thù lao (chiết khấu) trên lít mà nhà cung cấp đưa ra hằng ngày.

Họ chỉ được quyền mua ký hợp đồng với 1 nhà cung cấp duy nhất và phải được Sở Công Thương chấp thuận. Giá mua vào hoàn toàn phụ thuộc vào thù lao mà nhà cung cấp báo hằng ngày. Giá bán ra sẽ được quy định bằng văn bản bởi Bộ Công Thương, theo khung thời gian 10 ngày/lần điều chỉnh (trước đây là 15 ngày). 

Một đại lý bán lẻ xăng dầu phải tốn chi phí ước tính bình quân trên lít xăng dầu như sau:

- Chi phí vận chuyển: 100-200 đồng/lít

- Chi phí nhân viên: 300-400 đồng/lít

- Chi phí hoạt động, khấu hao: 100 đồng/lít

Như vậy để đạt mức hòa vốn trung bình cần: 600 đồng/lít

Hơn 1 năm nay, từ trước Tết âm lịch 2022, thù lao dao động bình quân ở mức 0-200 đồng/lít, với mức này đại lý bán lẻ phải gồng lỗ trên từng lít bán ra. Trung bình một cây xăng, doanh số bán 100.000 lít trên tháng sẽ lỗ tầm 40 triệu đồng.

Có những lúc, mức thù lao này đạt 600-1.000 đồng/lít, nhưng thời điểm này là lúc giá chuẩn bị điều chỉnh giảm rất mạnh, đại lý nhập về ngày hôm sau giá sẽ được điều chỉnh giảm, với lượng hàng tồn kho đại lý vẫn sẽ lỗ nặng. 

Vậy nhưng lúc giá thế giới tăng đột biến, các nhà cung cấp sẽ ép thù lao xuống mức thấp nhất. Như hiện tại, giá thành phẩm xăng dầu đang tăng và thù lao ngay lập tức về mức 0-80 đồng/lít.

Vậy tại sao lại có sự bất ổn định này?

Thời điểm trước đây, khi chưa có Nghị định 83, thời hạn điều chỉnh giá là 15 ngày, thời điểm này tình hình biến động giá thế giới cũng không mạnh. Các đầu mối nhập khẩu có đủ thời gian cân đối hàng tồn kho để nhập tàu về.

Nay thời gian điều chỉnh còn 10 ngày một lần, đầu mối sẽ không nhập hàng về khi giá chuẩn bị giảm, tàu về không kịp bán ra sẽ lỗ. Khi đã lỗ thì DN hạn chế nhập, hạn chế bán.

Còn nếu giá chuẩn bị tăng, đầu mối vẫn bị lỗ. Giá thành phẩm tăng hằng ngày, vì vậy sẽ xuất hiện tình trạng găm hàng đầu cơ để gỡ lỗ. Họ sẽ lập tức giảm thù lao từ mức 500 đồng/lít về mức 0 đồng/lít, thậm chí là âm thù lao. Âm thù lao có thể hiểu là bán giá cao hơn giá bán lẻ cho đại lý (lách luật bằng cách xuất hóa đơn vận chuyển, hoặc chuyển khoản riêng) giá trên hóa đơn vẫn bằng giá bán lẻ tại thời điểm đó. Đại lý muốn có hàng bán thì phải chấp nhận lỗ nặng.

Tại sao là đại lý bán lẻ tôi lại phân tích lời lỗ của đầu mối? Vì đầu mối đứng đầu chuỗi cung ứng, nếu họ lỗ thì chắc chắn sẽ chia lỗ cho tất cả các khâu còn lại, mà đại lý đứng cuối chuỗi.

Vậy nếu họ lời? Hiện họ không lời vì giá biến động quá mạnh, mấy kỳ liên tiếp đã lỗ nên họ tiếp tục cắt lỗ cho đến khi hòa vốn trở lại (Petrolimex, NSH… ).

Dân kinh doanh xăng dầu tiết lộ 'nỗi khổ' khi phải gồng lỗ - 1
Cần hiểu rõ gốc rễ của tình hình cung ứng xăng dầu hiện tại.

Cần có cơ chế “cứu” các đại lý xăng dầu tư nhân

Ở góc độ đại lý bán lẻ xăng dầu, tôi có một số giải pháp đưa ra nhằm triệt tiêu tâm lý đầu cơ, bất ổn thị trường.

Trước hết, Bộ Công Thương cần cho phép đại lý được mở rộng quyền mua từ 2 nhà cung cấp trở lên, biện hộ chai mẫu không kiểm soát được là biện hộ phi lý. Nếu cả 2 nhà cung cấp đều đạt chất lượng, được cấp chứng thư chất lượng theo quy định thì tại sao lại có chuyện khó kiểm soát. Khi xảy ra sự cố chất lượng, cấp quản lý sẽ lấy mẫu ở cây xăng và mẫu ở cả 2 nhà cung cấp để so sánh.

Hiện tại thương nhân phân phối vẫn được phép mua nhiều nhà cung cấp bán cho đại lý. Thương nhân phân phối có quyền này nhưng đại lý thì không. Nếu mở rộng quyền mua cho đại lý, họ cũng có thể uyển chuyển nguồn hàng: kho đầu mối này đứt nguồn họ có thể nhập kho đầu mối khác, tránh tình trạnh đứt nguồn buộc đóng cửa.

Thứ hai, cơ quan quản lý đưa ra mức thù lao sàn, chi phí kinh doanh định mức với đại lý. Mức thù lao này có thể được biến động trong một khoảng nào đó.

Thứ ba, kéo thời gian điều chỉnh về 3 ngày, lúc này tâm lý đầu cơ sẽ bị triệt tiêu. Giá tăng cho tăng - giá giảm cho giảm. Hết hàng phải nhập không còn thời gian chờ đợi, tính toán (tâm lý này xuất hiện ở cả khách hàng tiêu dùng, họ đợi giá sắp tăng họ sẽ mua vào tích trữ, giá giảm họ sẽ mua cầm chừng, dễ gây ra đứt nguồn cục bộ).

Thứ tư, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quy định điều chỉnh ngày nào thì đúng ngày đó điều chỉnh, kể cả vào Chủ nhật cũng như mùng 1 Tết. Tại sao đến ngày tăng, giảm rơi vào ngày lễ lại nghỉ, không điều chỉnh, đây chính là nguyên nhân bất ổn trong đợt Tết âm lịch vừa rồi. 

Kỳ điều chỉnh tới đây là 1/9, đúng dịp nghỉ lễ, nếu Bộ Công Thương bắt dời ngày như đợt Tết âm lịch thì chắc chắn tình trạng đóng cửa sẽ tiếp tục xảy ra.

Thứ năm, kiểm tra thanh tra thật chặt tồn kho, báo cáo hàng trên đường nhập của các đầu mối, thương nhân phân phối khi giá biến động mạnh, nhất là khi thương nhân phân phối lách luật rất nhiều, giống như 7 đơn vị đầu mối bị rút giấy phép vừa qua.

Thực sự, không ai muốn đóng cửa tự hủy hoại uy tín của mình, cực chẳng đã DN phải tạm dừng bán vì cầm cự không nổi. Tôi mong những góp ý kể trên sẽ góp phần tạo ra chính sách, cơ chế phù hợp để hệ thống bán lẻ không bị "loạn". 

Theo Lương Bằng (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/dan-kinh-doanh-xang-dau-tiet-lo-noi-kho-khi-phai-gong-lo-2053862.html