Kinh tế

Doanh nghiệp "sốc" trước quyết định tăng phí của cảng Hải Phòng

Chiều 13.2, Ngân hàng châu Á và Diễn đàn kinh tế tư nhân (VPSF) cùng đại diện các hiệp hội ngành nghề đã thảo luận phiên thứ hai về quyết định thu phí cửa khẩu cảng biển do UBND TP.Hải Phòng ban hành.

Chiều 13.2, Ngân hàng châu Á và Diễn đàn kinh tế tư nhân (VPSF) cùng đại diện các hiệp hội ngành nghề đã thảo luận phiên thứ hai về quyết định thu phí cửa khẩu cảng biển do UBND TP.Hải Phòng ban hành.
 
 
 
Bên cạnh việc tăng mức phí lên cao, Hải Phòng yêu cầu DN phải nộp giấy tờ thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, dịch vụ cảng biển trong hồ sơ thông quan. Dù sau đó, Tổng cục Hải quan có ý kiến không được yêu cầu thêm giấy tờ ngoài hồ sơ, Hải quan Hải Phòng đã bỏ yêu cầu có biên lai khi thông quan, nhưng vẫn yêu cầu nộp biên lai ở khâu giám sát hàng hóa cụ thể trước khi lên xuống tàu. Theo VPSF, từ khi áp dụng quy định mới, thủ tục thông quan, nộp phí tại cảng Hải Phòng kéo dài tới 2 - 3 tiếng. Gần 20% DN sau khi thực hiện xong thủ tục phải đợi đến cuối giờ chiều, hàng hóa phải thuê
 
kho bãi gửi qua đêm. Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Phó tổng thư ký VPSF, cho hay chỉ một quyết định của Hải Phòng đã làm tăng thủ tục hải quan lên ít nhất 0,5 ngày, đi ngược lại với nỗ lực chung cải cách môi trường kinh doanh, rút ngắn thời gian làm thủ tục hành chính nhiều năm qua trên cả nước.
 
Đại diện DN Nhật Bản cũng cho biết nhà đầu tư Nhật Bản rất “choáng và sốc nặng” với quyết định này. “Thông lệ quốc tế là đầu tư trước rồi mới thu phí sau, nhưng Hải Phòng lại tăng thu phí để lấy tiền mở rộng đường sá vào cảng. Sốc nữa là mức thu phí quá cao, bình quân tổng chi phí cho 1 container 40 feet hiện nay là hơn 4 triệu đồng, nhưng chỉ một đoạn đường từ cao tốc vào cảng đã thu 500.000 đồng. Hải Phòng cũng không làm rõ được cần bao nhiêu chi phí để đầu tư cho hạ tầng gì, thu kéo dài bao lâu”, đại diện các DN Nhật cho hay.
 
Đại diện VPSF cho rằng, Hải Phòng có thể bỏ túi được mấy nghìn tỉ đồng nhưng nguồn thu ngân sách T.Ư sẽ giảm khoảng 20% do DN bị giảm lợi nhuận, kéo theo giảm thuế thu nhập DN.
 
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy cũng cho rằng, nếu mỗi địa phương quy định một mức phí khác nhau sẽ gây ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh quốc gia. Các DN sẽ lựa chọn cảng khác trong khu vực như Thái Lan, dù xa hơn nhưng dịch vụ hỗ trợ tốt, phí rẻ hơn. Điều này có thể dẫn tới thất bại trong nỗ lực thành khu vực trung chuyển hàng hóa của VN.
 
Trong khi chờ ý kiến chính thức của Chính phủ về quyết định thu phí của Hải Phòng, đại diện các hiệp hội và VPSF cũng tính tới khả năng sẽ đối thoại trực tiếp với Hải Phòng để tìm hướng giải quyết hợp lý.

Theo Mai Hà (Thanh Niên Online)