Kinh tế

Giá vàng tăng chóng mặt, nên mua vào hay bán ra?

Thị trường vàng trong và ngoài nước đang nóng lên khiến người dân băn khoăn có nên mua vàng để cất giữ hoặc đầu tư lúc này?

Lúc 9 giờ ngày 11-10, giá vàng SJC được các doanh nghiệp mua vào 69,05 triệu đồng/lượng, bán ra 69,75 triệu đồng/lượng, không thay đổi so với mức giá cuối ngày hôm trước.

Riêng giá vàng nhẫn 24K vẫn tăng thêm 100.000 đồng lượng khi mua vào 56,3 triệu đồng/lượng, và bán ra 57,3 triệu đồng/lượng.

Tuy vậy, nếu so với mức giá đầu tháng 8-2023 là 67,2 triệu đồng/lượng thì giá vàng SJC đã tăng hơn 2,5 triệu đồng/lượng. Còn giá vàng nhẫn chỉ tăng 300.000 đồng/lượng.

Trước những diễn biến trên, một số người kỳ vọng giá vàng từ nay đến cuối năm 2023 còn tăng. Vì thế, họ có dự định mua vàng để sinh lời, trong bối cảnh lãi suất và các kênh đầu tư khác đều ảm đạm.

Chị Nguyễn Hạnh (Hoàng Mai, Hà Nội), chia sẻ trên Tiền Phong: "Tôi đã theo dõi giá vàng thời gian qua và thấy giá đang có xu hướng tăng. Trong khi đó, tôi đang có tiền gửi ngân hàng mà giờ lãi suất còn 5,3%/năm kỳ hạn 12 tháng nên tôi không mặn mà gửi tiếp. Nay tôi quyết định rút tiết kiệm mua vàng. Xu hướng vàng sẽ tăng vào cuối năm cộng thêm yếu tố tăng giá của thế giới. Tôi nghĩ đầu tư vàng chỉ nên lướt sóng bởi số tiền bỏ ra lớn. Tuy nhiên, về lâu dài dù giá vàng có hạ vẫn thấy an toàn hơn các kênh đầu tư khác như trái phiếu".

Tương tự, chị Lê Thị Diệp (quận Tân Bình, TP HCM) cho hay lãi suất tiết kiệm giảm còn 4-5%/năm nên sinh lời từ kênh tiền gửi này rất ít.

"Tôi nghĩ mua vàng cất giữ sẽ lợi hơn nhưng lo sợ giá vàng SJC có thể bất ngờ giảm hàng triệu đồng như năm trước"- chị Diệp cân nhắc.

Giá vàng tăng chóng mặt, nên mua vào hay bán ra?
Ảnh minh họa: Internet

Trao đổi với Người lao động ông Lê Văn Chánh, chủ tiệm vàng Kim Phát (TP HCM), xác nhận sức mua vàng SJC gần đây tăng mạnh. Tuy nhiên, theo ông Chánh, vàng miếng SJC đã sắp chạm ngưỡng 70 triệu đồng/lượng và gần như đang nằm trong tay giới đầu cơ. Chỉ các nhóm đầu cơ bán ra chốt lời là giá vàng SJC có thể giảm vài triệu đồng/lượng. Vì thế, tại thời điểm này, người dân mua vàng SJC để cất giữ có thể gặp rủi ro.

Với góc nhìn rộng hơn, ông Đang nhận định khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vẫn còn tăng và giữ mức lãi suất cao trong thời gian dài. Điều này có thể khiến đồng USD còn tăng giá, từ đó gây áp lực khiến giá vàng thế giới đi xuống.

Thế nhưng, có một nghịch lý là giá vàng SJC thường không giảm theo giá thế giới. Ngược lại, khi giá vàng quốc tế tăng mạnh khi tình hình chính trị, quân sự, thị trường tài chính… toàn cầu xảy ra sự cố nào đó, giới đầu trong nước sẽ mượn cớ để đẩy giá vàng SJC lên cao, mục đích là để thị trường kỳ vọng giá còn tăng và thúc đẩy người dân mua vào. Đây chính là lúc giới đầu cơ sẽ bán vàng SJC để chốt lời.

"Trong khi đó, giá vàng nhẫn các loại luôn biến động theo giá vàng thế giới, mức độ rủi ro thấp nên mức sinh lời thường không cao. Đặc biệt, giá vàng nhẫn thường nóng lên vào dịp cuối năm do sức mua gia tăng. Vì vậy, người dân muốn đầu tư vàng cần am hiểu, theo dõi sát sao diễn biến thị trường trong và ngoài nước để quyết định đưa vốn vào vàng SJC hay vàng nhẫn" – ông Đang nói.

Dự báo về giá vàng trong thời gian tới, Tiền Phong dẫn lời ông Nguyễn Thế Hùng - chuyên gia Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam - cho rằng giá vàng thế giới đang có xu hướng tăng trên mốc 1.800 USD/ounce và tương lai gần sẽ lấy lại mốc 2.000 USD/ounce. Vào thời điểm này năm ngoái, giá vàng thế giới tăng mạnh, giá vàng trong nước lên đỉnh 73 triệu đồng/lượng.

"Tôi cho rằng, giá vàng SJC trong nước có khả năng phá đỉnh năm ngoái", ông Hùng nói và cho rằng người dân cân nhắc thời điểm mua vào, bán ra, bởi hiện nay để đảm bảo lợi nhuận kinh doanh, các nhà vàng để mức chênh lệch mua vào - bán ra lên gần 1 triệu đồng/lượng.

Còn chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu dự báo giá vàng sẽ tăng tiếp. “Nhà đầu tư muốn quản trị rủi ro chắc chắn và muốn chốt lời, có thể bán ra lúc này. Vấn đề họ phải đặt mức để chốt, khi đó dù giá tiếp tục tăng vẫn bán”, ông Hiếu nói.

Ông Hiếu cho biết thêm, giá vàng thế giới tăng tác động đến giá vàng trong nước. Hiện giá vàng đã gần chạm mốc 70 triệu đồng/lượng, thậm chí có thể hơn.

Theo ông Hiếu, khi các kênh đầu tư khác đều không mấy sáng sủa và không mang lại lợi nhuận như lãi suất ngân hàng giảm, thị trường chứng khoán lình xình, thị trường bất động sản còn khó khăn trong khi vàng sôi sục dễ khiến người ta đổ tiền vào vàng.

“Tôi không bao giờ khuyên đầu tư “lướt sóng” vàng. Nếu đầu tư vào vàng thường phải trong vòng 1 năm. Còn trong thời gian đầu tư ngắn, chỉ vài tuần rất nguy hiểm, không nên đầu tư", ông Hiếu khuyên.

Ngoài ra, ông Hiếu cho rằng nhà đầu tư không nên “bỏ tất cả trứng vào một rổ”. Mặc dù giá vàng trong nước xu hướng tăng nhưng đổ hết tiền tiết kiệm vào vàng rất nguy hiểm. Nên phân bổ rủi ro cho nhiều kênh đầu tư; trong đó có ngân hàng, vàng, chứng khoán, bất động sản.

"Thời điểm này, nếu đầu tư vào vàng, nên chia 1/3 số tiền tiết kiệm của mình để đầu tư. Đặc biệt, đừng bao giờ đi vay tiền để mua vàng”, ông Hiếu khuyến cáo.

Bên cạnh đó, ông Hiếu chia sẻ chênh lệch mua - bán do nhà vàng tạo nên. Chênh lệch mua - bán càng cao càng cho thấy nhà vàng đã tính tới sự biến động mạnh của thị trường. Doanh nghiệp kinh doanh vàng kiểm soát rủi ro bằng cách mua vào với giá thấp, tới khi thị trường giảm mạnh tới cả triệu đồng/lượng thì họ vẫn lãi.

"Người có vàng muốn bán ở thời điểm này sẽ bị kiểm soát ở mức sàn và vẫn buộc phải bán cho một vài nhà vàng với mức giá gần như tương tự nhau mà không có sự lựa chọn khác. Theo đó, nhà đầu tư phải cân nhắc kỹ thời điểm mua vào - bán ra", ông Hiếu nói.

PN (SHTT)




https://sohuutritue.net.vn/gia-vang-tang-chong-mat-nen-mua-vao-hay-ban-ra-d187928.html