Kinh tế

Hàng ăn, quán nhậu đóng cửa sớm tháng cô hồn

Tháng 7 âm lịch, người dân ăn chay, giảm mua sắm khiến nhiều hàng ăn, quán nhậu ở TP HCM phải đóng cửa sớm vì vắng khách.

Tháng 7 âm lịch, người dân ăn chay, giảm mua sắm khiến nhiều hàng ăn, quán nhậu ở TP HCM phải đóng cửa sớm vì vắng khách.

Bà Loan, chủ một xe bánh mì trên đường Huỳnh Mẫn Đạt, quận Bình Thạnh, cho biết, hai tuần nay, mỗi sáng trung bình bà chỉ bán được hơn chục ổ bánh mì kẹp thịt, giảm hơn phân nữa so với bình thường. Lượng khách mối quen đa phần đang ăn chay. Song đã xác định tháng 7 là thời điểm phải bù lỗ mặt bằng nên những người bán hàng ăn như bà Loan cũng không thấy sốt ruột với cảnh vắng khách.
 

Phố nhậu đường Vĩnh Khánh quận 4 vắng tanh khác hẳn hình ảnh chật chội vốn có. Ảnh:Zen Nguyễn.

 
“Nhiều gian hàng, quán nhậu trên đường này cũng đang trong tình trạng ế ẩm, cố gắng cho qua tháng. Xem như cả năm có một tháng thảnh thơi”, bà Loan chia sẻ.

Vào thời điểm này, các quán nhậu cũng vắng khách một cách lạ thường. Chị Tuyết, chủ quán trên đường Vĩnh Khánh, quận 4, cho biết, lượng khách đến quán giảm đến 60%. Bình thường có ngày không còn một chỗ trống, có đêm mưa cũng phải mở cửa đến tận 12h khuya. Còn hiện nay, mới 10h đã hết khách phải cho nhân viên đóng cửa, hôm nào mưa thì 8h tối có khi phải nghỉ. Những khách đến quán cũng không ăn uống nhiều như mọi khi.

Trên các tuyến phố nhậu đường Thành Thái (quận 10), khu Bờ Kè (Phú Nhuận)... lượng khách cũng giảm rõ rệt. Chú Thành, chạy xe ôm trên đường Thành Thái, cho biết, lượng khách nhậu giảm thấy rõ. Mới tháng trước, khu này nhiều quán xe phải để tràn cả ra đường, nhưng giờ vỉa hè thông thoáng. Mỗi tối, một quán thường chỉ bán được 5-6 bàn.

Trái với cảnh vắng vẻ ở các hàng quán này, những điểm bán đồ ăn chay lại đông nghẹt khách cả ngày lẫn đêm. Đại diện một nhà hàng chay trên đường Huỳnh Khương Ninh, quận 1, cho biết, nhân viên ở đây phải tất bật phục vụ khách hàng. Vào ngày cuối tuần, sảnh nhà hàng rộng đến 500 m2 nhưng lúc nào cũng chật kín, khách đến trễ không có chỗ ngồi.

Ông Trương Minh Lý, quản lý một nhà hàng ở Phú Nhuận, cũng cho biết, lượng khách đặt tiệc mặn giảm, thay vào đó nhà hàng lại nhận được nhiều tiệc chay. Để đáp ứng nhu cầu của khách cũng như tăng doanh thu, nhà hàng đã tổ chức xen kẽ những tiệc buffet chay với mức giá 165.000 đồng một phần. Tuy nhiên, nguồn rau củ, đồ chay khó đặt hơn mọi ngày. Nhà hàng phải lấy từ nhiều nơi mới đủ nguyên liệu phục vụ món ăn đa dạng cho khách.

Thời điểm này, một số nhà hàng lớn tại TP HCM cũng chuyển sang tổ chức những chương trình buffet chay để kéo khách, với giá 150.000-300.000 đồng một phần. Tuy nhiên, theo anh Hưng, một khách hàng ở quận 4, nhiều nhà hàng ăn theo bán đồ chay nhưng món ăn thường không ngon, không chuyên, giá lại đắt hơn nên những khách ăn thường xuyên như anh vẫn thích đến quán chay hơn.

Tại các chợ, giá cả một số loại thức ăn chay tăng cao. Ở chợ Bến Thành, một số loại nấm thông thường có giá từ 130.000-200.000 đồng/kg, tăng 30% so với ngày thường, các loại rau củ cũng tăng 10-15%. Các xưởng làm tàu hũ cũng tăng cường sản xuất để phục vụ thị trường.

Anh Tài, chủ một sơ sở sản xuất tàu hũ ở quận 5, cho biết, có hôm nhân viên phải làm việc trắng đêm mới đủ số lượng bán, vì khách đặt mua tăng gấp đôi. Có 4.000-5.000 miếng tàu hũ được xưởng xuất bán mỗi ngày, với mức giá 3.000-5.000 đồng.
 
>> Mua nhà tháng "cô hồn": Dám liều mạng, lợi trăm triệu
>> Đột nhập “ma trận” bột trừ tà tẩy uế tháng cô hồn
 
Theo Zen Nguyễn (Zing.vn)