Kinh tế

'Loạn' phân lô bán nền trong cơn sốt đất ở Phú Quốc

Hàng chục nghìn thửa đất được phân chia khắp đảo ngọc. Người dân tự ý xây nhà không phép khiến việc quản lý đất đai ở Phú Quốc đang được cho là rơi vào thế "vỡ trận".

Chạy xe máy khắp huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) trong suốt buổi sáng 11/4, phóng viên Zing.vn ghi nhận được hơn 100 khu đất rộng khoảng 1-3 ha ở thị trấn An Thới, xã Cửa Dương, Cửa Cạn, Dương Tơ... được giới kinh doanh bất động sản dựng biển khu dân cư hoặc khu nhà ở cao cấp, "phân phối độc quyền" bởi công ty A, B...

Nhìn những tấm ảnh chúng tôi chụp được, một cán bộ quản lý đô thị nói rằng đó là những khu dân cư tự phát, phân lô bán nền trên đất trồng cây lâu năm. Việc người dân tự ý xây nhà, không xin phép cơ quan chức năng tại các khu dân cư tự phát này là chưa đúng. 

Lột bỏ quảng cáo bán đất sau lệnh thanh tra 

Sau hai ngày có lệnh thanh tra đất đai ở Phú Quốc và báo chí phản ánh việc nhân viên nhà đất tràn ra vỉa hè đường để tiếp thị địa ốc, những tấm bảng quảng cáo "bán đất đặc khu" ở khu phố 10 (thị trấn Dương Đông) bị lột bỏ. Một "dự án nhà ở cao cấp" là khu đất trồng cây lâu năm được chia gần 70 lô ở xã Cửa Dương cũng gỡ tấm bảng "bán đất nền, xây dựng tự do". 

Chiều 11/4, chúng tôi ghé vào một khu dân cư vừa được chia 43 nền trên đất trồng cây lâu năm ở xã Cửa Dương. Nơi đây chỉ có hai nhà đối diện được xây khoảng nửa năm và hoàn toàn không xin phép cơ quan chức năng.

'Loạn' phân lô bán nền trong cơn sốt đất ở Phú Quốc
Một khu đất được doanh nghiệp đưa ra giá bán trên 2 tỷ đồng mỗi nền nhà hơn 100 m2, ở khu phố 10, thị trấn Dương Đông. Ảnh: Việt Tường.

Ông Đoàn Văn Phúc (Tư Phúc, 62 tuổi, ở khu phố 10, thị trấn Dương Đông) cho biết cuối năm 2017, vợ chồng ông đến khu dân cư giáp ranh thị trấn mua nền giá 600 triệu đồng để cất nhà. Hiện tại, ông được hơn chục người gửi bán các nền xung quanh với giá từ 1,7 đến 2,2 tỷ đồng mỗi nền.

"Đây là đất trồng cây lâu năm. Tôi với bà hàng xóm xây nhà có cần xin phép ai vì mình đâu có xây lầu. Ở đây xây nhà tự do, chuyển mục đích đất làm chi cho tốn kém", ông Phúc chia sẻ.

Ở xã Cửa Cạn, theo chia sẻ của lãnh đạo, 12 khu dân cư đã tự phát mọc lên trên đất nông nghiệp. Chủ đầu tư các khu này đã tách ra khoảng 2.000 thửa để bán nền giống như trường hợp ông Tư Phúc giới thiệu bên xã Cửa Dương.

Theo một cán bộ huyện Phú Quốc, con số phân lô để bán nền mà ông nắm được trong toàn huyện là trên 26.000 thửa đất. Tuy nhiên, chúng tôi tổng hợp theo số liệu mà các xã, thị trấn cung cấp thì con số này lên đến khoảng 40.000 nền.

Vi phạm pháp luật nghiêm trọng

Trao đổi với Zing.vn, ông Phan Hoàng Tuấn, Chủ tịch UBND xã Cửa Cạn, cho biết, các tổ chức, cá nhân từ nơi khác về xã mua bán đất để làm dự án, rồi phân lô, bán nền nhưng xã không kiểm soát được. Ông Tuấn nói thẩm quyền của xã có giới hạn và địa phương chỉ biết được là khi người dân mang cát, đá đến các khu đất nông nghiệp để cất nhà.

'Loạn' phân lô bán nền trong cơn sốt đất ở Phú Quốc - 1
Người đàn ông chỉ vị trí khu đất khi môi giới đất trồng cây lâu năm được phân lô bán nền. Ảnh: Việt Tường.

"Doanh nghiệp mua đất công của người dân rồi họ liên hệ tỉnh, huyện để tách thửa nên cán bộ địa chính xã đâu biết. Khi có người mua nền và cất nhà thì mình mới biết và lập biên bản báo về trên", người đứng đầu chính quyền xã Cửa Cạn nói.

Theo ông Trần Hữu Nghị, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Kiên Giang, để thực hiện một khu dân cư, bước đầu, nhà đầu tư phải lập dự án. Dự án đó phải được thực hiện theo quy hoạch, được thẩm định, phê duyệt của nhiều cơ quan cấp tỉnh. Ở Phú Quốc, thẩm quyền thuộc về Ban Quản lý khu kinh tế.

"Không phải muốn làm khu dân cư là làm nên việc lấy đất nông nghiệp rồi tự xây dựng khu dân cư, bán nền là vi phạm pháp luật. Khi được phê duyệt dự án rồi thì phải chuyển đổi mục đích đất nông nghiệp thành đất ở rồi mới cho xây dựng. Xây thì cũng phải theo quy hoạch chứ không phải muốn làm gì thì làm", ông Nghị nhấn mạnh.

3 năm qua, Đội Kiểm tra trật tự đô thị huyện Phú Quốc phát hiện, xử lý hơn 646 trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm về vực xây dựng. Ngoài xử lý hành chính, đội đã cưỡng chế 47 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng. Trong đó tại Bãi Khem - An Thới là 24 trường hợp, xã Hàm Ninh 19, xã Dương Tơ 3 và thị trấn Dương Đông chỉ có một trường hợp.

'Loạn' phân lô bán nền trong cơn sốt đất ở Phú Quốc - 2
Nhà ông Tư Phúc bên trong "dự án" nhà ở là khu đất trồng cây lâu năm. Ảnh: Việt Tường.

Con số báo cáo nếu so với con số thực tế đang chênh lệch quá nhiều. Ông Phan Bá Bắc, Đội trưởng Đội Kiểm tra trật tự đô thị huyện Phú Quốc, cho hay đơn vị này "lực bất tòng tâm" bởi toàn đội chỉ hơn 30 người nên làm không hết việc.

Thậm chí, có những trường hợp xây nhà trái phép, Đội Kiểm tra trật tự đô thị cho người đến nhưng phải bỏ về vì chủ công trình thuê nhiều người xăm trổ mang hung khí đến để đe dọa cán bộ.

Đối với các bảng quảng cáo bán đất mà cá nhân, tổ chức treo dọc các tuyến đường ở đảo ngọc, ông Bắc nói đã từng đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra, tháo dỡ vì quảng cáo dự án bất động sản mà chưa được các cấp thẩm quyền cấp phép.

Ông Phan Bá Bắc cho biết số hồ sơ nhà đất tồn đọng mà ông nắm được tại huyện đảo là 5.000. Mỗi ngày, văn phòng đăng ký đất đai tiếp nhận khoảng 200 hồ sơ nhưng chỉ giải quyết được khoảng 130/200 do nhân sự thiếu.

"Theo tôi, muốn giải quyết hết hồ sơ tồn đọng thì điều động cán bộ của các xã hoặc từ đất liền ra. Ở huyện thì làm không hết việc, còn cán bộ xã như Hòn Thơm thì đâu có nhiều việc để làm. Điều động những cán bộ này về huyện giải quyết hồ sơ tồn đọng trong một năm là xong", ông Bắc nêu quan điểm.

 Theo Việt Tường (Tri Thức Trực Tuyến)