Kinh tế

Lương tối thiểu vùng sẽ tăng 6% từ 1/7/2022

Chỉ sau 2 Phiên đàm phán trong cùng tháng 3 và 4, mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2022 đã được thống nhất. Đặc biệt, thời gian đề xuất tăng lương áp dụng ngay từ tháng 7 năm nay.

Sáng nay (12-4), Hội đồng Tiền lương quốc gia đã họp phiên thứ 2 dưới sự chủ trì của ông Lê Văn Thanh - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, để tiếp tục thảo luận, thương lượng về việc tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động tại doanh nghiệp.

Các bên tham gia gồm Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Lao động - thương binh và xã hội, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam.

Sau một buổi sáng thảo luận với nhiều ý kiến và phương án khác nhau, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã quyết định chọn phương án thống nhất tăng lương tối thiểu vùng 6% từ 1-7-2022.

Kết quả, 15/17 thành viên đồng ý tăng lương tối thiểu vùng ngay từ 1-7-2022 và 2/17 thành viên đồng ý thời gian tăng từ 1-1-2023. Cụ thể, vùng I tăng 260.000 đồng; vùng II tăng 240.000 đồng; vùng III tăng 210.000 đồng và vùng IV tăng 180.000 đồng.

Trước đó, mức tiền lương tối thiểu vùng gần nhất là từ ngày 1-1-2020 với vùng I là 4,42 triệu đồng; vùng II 3,92 triệu; vùng III 3,42 triệu và vùng IV 3,07 triệu đồng.

Lương tối thiểu vùng sẽ tăng 6% từ 1/7/2022
Phiên họp của Hội đồng tiền lương quốc gia sáng 12/4 tại Hà Nội.

Trao đổi với báo chí ngay sau cuộc họp sáng 12-4, ông Hoàng Quang Phòng, phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho hay cộng đồng doanh nghiệp đang rất khó khăn, bắt đầu mới phục hồi như người ốm rất lo ốm lại nên cần điều chỉnh phù hợp.

Tuy vậy, ông Phòng cho biết kỳ vọng chung của cộng đồng doanh nghiệp là mức điều chỉnh tiền lương nên tăng từ 1-1-2023, còn điều chỉnh ngay từ 1-7-2022 thì khó khăn. Khi đó, doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh lại phương án sản xuất kinh doanh, các chỉ số tăng trưởng…

"Các đơn hàng, điều kiện đã được chốt từ đầu năm, kế hoạch đến 31-12-2022 nhưng điều chỉnh tiền lương từ 1-7-2022 thì rất khó khăn", ông Phòng chia sẻ.

Cũng theo ông Phòng, điều chỉnh lương tối thiểu vùng khiến doanh nghiệp tăng thêm chi phí nhưng Hội đồng Tiền lương quốc gia thống nhất cao điều chỉnh từ 1-7-2022 ở mức 6%, thời gian kéo dài 18 tháng đến 31-12-2023.

Trên VnExpress, lý giải đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022 thay vì tháng 1/2023 theo như kiến nghị VCCI, ông Lê Đình Quảng, Phó ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho rằng tăng sớm sẽ tránh dồn nhiều năm mới tăng tạo ra cú sốc cho doanh nghiệp. GDP quý I/2022 đã tăng 5,03%. Các chỉ số cho thấy khả năng phục hồi của doanh nghiệp ngày càng lớn.

Trước đó, trao đổi với báo giới trước giờ họp, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, Tổng Liên đoàn kỳ vọng lương tối thiểu vùng sẽ được điều chỉnh tăng từ 1/7/2022 với mức từ 7-8%.

Lý do của mức đề xuất trên, ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng, ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên 2 năm nay, Chính phủ chưa điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng.

Tiền lương tối thiểu hiện vẫn đang được thực hiện theo quy định của Nghị định 90/2019/NĐ-CP. Trong khi đó, đời sống, việc làm và thu nhập của người lao động và gia đình họ đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

"Chúng tôi chia sẻ với khó khăn của nhiều doanh nghiệp, nhưng sức chịu đựng của người lao động cũng đã đến ngưỡng để xem xét điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng tăng liên tục và đời sống người lao động gặp rất nhiều khó khăn" - ông Ngọ Duy Hiểu nói.

"Thời điểm này tăng lương vừa để hỗ trợ giúp người lao động vượt qua khó khăn, đồng thời cũng chính là động lực để tăng năng suất lao động, giúp cho doanh nghiệp phục hồi nhanh, phát triển mạnh" - ông chia sẻ.

PN (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/luong-toi-thieu-vung-se-tang-6-tu-172022-tintuc818407